Cần khoảng 700.000 – 1 triệu tỷ đồng vốn trung dài hạn
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, các phân khúc BĐS hiện nay thiếu nguồn cung, cả về khía cạnh xây dựng, lẫn thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. Từ nay đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 700.000 – 1 triệu tỷ đồng vốn trung dài hạn, nguồn vốn này không bao gồm phần vốn tín dụng từ ngân hàng.
Những năm gần đây, giá các phân khúc thị trường BĐS nhiều nơi tăng nhanh. Để ứng phó, các cơ quan quản lý Nhà nước đã đề xuất siết lại tín dụng BĐS, nhằm hạn chế các hoạt động đầu cơ, giúp thị trường minh bạch, tránh xảy ra hiện tượng bong bóng và tâm lý sử dụng nguồn vốn vào BĐS làm đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên trong dài hạn, việc siết tín dụng có thể dẫn đến nguy cơ thiếu vốn, bởi tác động kép vừa khắc phục hậu quả sau đại dịch, vừa phục hồi kinh tế, trong khi lĩnh vực này là kênh đóng góp đến 14% GDP cho nền kinh tế.
Qua tìm hiểu, chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ từ năm 2022 - 2023 dự kiến dành cho doanh nghiệp BĐS khoảng 110.000 tỷ đồng để phục hồi; 113.550 tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng; 60.000 tỷ đồng để nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh; 48.500 tỷ đồng cho an sinh xã hội. Nhờ sự hỗ trợ này, nguồn vốn tín dụng BĐS từ đầu năm đến nay tăng khoảng 2,4% so với cuối năm 2021, có thêm hơn 3.600 doanh nghiệp thành lập mới, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành tiếp đà tăng sau một thời gian chững lại.
Còn ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS cho hay, trách nhiệm khơi dòng vốn tín dụng cho thị trường BĐS thuộc về các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương. Trong ngắn hạn, Bộ Xây dựng đề nghị các tỉnh, thành phố phối hợp, rà soát các dự án BĐS, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp, đảm bảo quỹ đất theo quy định. Về dài hạn, Bộ Xây dựng cam kết phối hợp chặt chẽ các bên liên quan nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai, gắn việc sử dụng vốn BĐS với sản xuất nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phụ trợ...
Kiểm soát nguồn vốn vào BĐS tránh rủi ro
Chia sẻ thêm, theo ông Bùi Xuân Dũng, sự phát triển của thị trường BĐS đã góp phần thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản có định hướng cho nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của người dân. Trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch COVID-19, nguồn vốn tín dụng đầu tư vào BĐS vẫn tăng. Từ tháng 12/2021 đến nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào bất động sản khoảng 31,2 tỷ USD, cho thấy thị trường BĐS có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Song, nguồn cung BĐS tại các địa phương đều hạn chế và có xu hướng giảm, trong khi giá BĐS vẫn tăng cao so với thu nhập của người lao động. Vì vậy, việc kiểm soát nguồn vốn là giải pháp giúp thị trường ổn định, bền vững.
Dẫn lại bài học thắt chặt tiền tệ, thắt chặt tín dụng năm 2008 và năm 2011 khiến 2 lần thị trường bị “đóng băng”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc có lộ trình hạn chế tín dụng vào lĩnh vực bất động sản là điều cần thiết, nhưng chính sách này cần giảm tiến độ đến cuối năm 2023. Nếu siết ngay hiện nay sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thị thường. Do vậy, Nhà nước không nên siết chặt thị trường BĐS, mà kiểm soát cho vay đối với các doanh nghiệp, đối tượng vay và sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhận định, nếu kiểm soát quá chặt dễ khiến doanh nghiệp phải dừng các hoạt động đầu tư. Hiệp hội BĐS Việt Nam đề xuất không nên siết các chính sách tín dụng, thay vào đó cần có chính sách kiểm soát tốt với những dự án có vấn đề - đầu cơ tích trữ, mua gom đất, thổi giá…, còn lại nên khuyến khích. Đặc biệt là nên ưu tiên nguồn vốn cho các dự án đang triển khai, sắp đưa nguồn cung ra thị trường, có mức giá đáp ứng được số đông khả năng của người mua.