Nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 tăng cao. Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 15/12, thu NSNN đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% dự toán, cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10, 11/2022). Trong số đó, thu ngân sách Trung ương vượt 19,3% dự toán; thu ngân sách địa phương vượt 20,4% dự toán.
“Thu ngân sách tăng cao kể từ tháng 9/2022, lẽ ra nên có gói giải cứu doanh nghiệp sớm hơn trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp rất khó khăn, khát vốn từ nhiều tháng nay”, GS Nguyễn Mại cho biết.
Theo GS Nguyễn Mại, từ tháng 4/2022 đến tháng 10/2022, giai đoạn tăng trưởng của Việt Nam khá cao, nhưng sau đó xuất hiện nhiều khó khăn lớn, doanh nghiệp khát vốn, đơn hàng sụt giảm khiến nhiều nơi phải cắt giảm lao động. Không chỉ ở lĩnh vực bất động sản mà cả tiêu dùng, nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp đều gặp khó khăn về dòng tiền.
“Các ngân hàng thông báo hết room, doanh nghiệp không biết xoay sở dòng vốn ở đâu để kinh doanh, thậm chí một số doanh nghiệp phải vay ‘chợ đen’ để trả tiền lương cho công nhân”, đại diện VAFIE than thở. Mặc dù đến tháng 12/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng chỉ tiêu tín dụng (room) cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5 - 2%. Theo đó, có thêm khoảng 200.000 tỷ đồng vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên không ít ý kiến cho rằng, thời gian ngắn còn lại, doanh nghiệp sẽ vay được bao nhiêu?, có “dễ thở” hơn không?
Theo chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam (nay là Bộ Công Thương), năm 2022, kinh tế - xã hội có rất nhiều vấn đề phức tạp, bên cạnh mặt sáng còn có mặt tối. Tăng trưởng năm 2022 cao là do Việt Nam so sánh chỉ tiêu tăng trưởng với năm 2021 (năm 2021 tăng trưởng thấp), quy mô tăng trưởng không tương xứng với sự phát triển chung của nền kinh tế ổn định.
Đáng chú ý, một cột mốc mới 700 tỷ USD về tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam đã được ghi nhận vào ngày 15/12, bởi tính đến ngày 14/12, trị giá xuất nhập khẩu là 698,5 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng cao các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam chủ yếu là thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU...
Năm 2022, để ổn định thị trường, phát triển kinh tế, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết giảm loạt thuế cho doanh nghiệp do nhiều người mất việc làm. Việc giảm thuế không có nghĩa là nguồn thu giảm mà “cứu” được nhiều doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại, từ đó nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài. “Bên cạnh những điểm sáng, còn có những khó khăn như: Giải ngân đầu tư công chậm do nhiều vấn đề về khâu giải phóng mặt bằng, lạm phát giá, vật liệu, chính sách... do đó làm cơ sở hạ tầng, đặc biệt giao thông vẫn ách tắc, nạn ùn tắc tại các đô thị còn tăng cao”, ông Trương Đình Tuyển cho biết.
Dự báo năm 2023, kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn vì vậy theo chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển, chính sách điều hành của Việt Nam cần làm tốt hơn. “Hàng hoá của Việt Nam cần phải xuất khẩu đi chính ngạch chứ không thể phụ thuộc thị trường tiểu ngạch, phụ thuộc quá thị trường Trung Quốc. Điều quan trọng, Việt Nam phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, năng lực điều hành xăng dầu; đồng thời hoàn thiện thủ tục hành chính để giúp cho thị trường phát triển ổn định.
“Về lĩnh vực bất động sản, năm 2023 sẽ có nhiều điểm sáng. Lý do thị trường đã có sự sàng lọc doanh nghiệp yếu kém để góp phần làm lành mạnh hóa thị trường bất động sản. Theo đó sẽ còn lại những tập đoàn bất động sản có tiềm lực vẫn ổn định bền vững. Về Nghị quyết của Đảng, cần chú trọng vào Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị đưa ra Nghị quyết về lĩnh vực này nhằm chấn chỉnh những việc quản lý quy hoạch. Việt Nam cần bổ sung kinh tế xanh vào điểm sáng vì kinh tế xanh, tuần hoàn cần phải nhân rộng mô hình để phát triển, đây là xu hướng phát triển của tương lai”, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết.