Rào cản thủ tục và chi phíTheo quy định trong Nghị định 109/2010/NĐ - CP của Chính phủ, DN xuất khẩu gạo phải có kho chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, có 1 cơ sở xay, xát với công xuất tối thiểu 10 tấn/giờ... phải cung cấp thông tin đăng ký hợp đồng với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).
Cần giảm bớt các điều kiện để thúc đẩy xuất khẩu gạo. Ảnh: Duy Khương |
Các quy định này đã khiến một số DN xuất khẩu gạo nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất gạo đặc sản, gạo hữu cơ không có cơ hội xuất khẩu gạo, phải dựa vào các DN lớn để xuất khẩu. Bà Nguyễn Phương Dung, Giám đốc Công ty TNHH Thành Phương cho biết, DN của bà hiện đang đầu tư trồng lúa sạch với quy mô 150.000 tấn/năm. Để xin được giấy phép xuất khẩu gạo, DN phải trả chi phí 1 USD/tấn, đó là chưa kể các chi phí lót tay khác nên rất bất cập. Bà đề nghị các bộ nghiên cứu thay đổi Nghị định này để quý DN xuất khẩu gạo thuận lợi hơn.
“Chúng tôi sẽ ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp để sửa đổi, tạo ra cơ chế thông thoáng cho hoạt động xuất khẩu gạo”.
Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) |
Còn theo TS Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ (CIEM), quy định về điều kiện xuất khẩu như: có nhà kho tới 5.000 tấn, nhà máy xay xát 10 tấn/giờ... khiến cho DN rất vất vả mới đáp ứng được. Những quy định về điều kiện xuất khẩu này không làm tăng thu nhập cho người nông dân, tăng giá xuất khẩu hay tăng chất lượng gạo, song lại tạo ra rào cản rất lớn cho một số DN.
Theo thống kê, trước khi có Nghị định 109, cả nước có 230 DN xuất khẩu gạo nhưng đến nay còn hơn 80 DN xuất khẩu gạo, số DN mới tham gia vào thị trường rất ít.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, ban hành Nghị định 109 để tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề bất cập, các DN nhỏ và vừa đang có rất nhiều ý kiến, mặc dù họ đang xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao. Họ sản xuất nhỏ nên không đủ cơ sở vật chất để nhận được giấy phép xuất khẩu, phải thông qua đơn vị trung gian khác. Đã ủy thác thì phải mất phí. Đây cũng là một điều bất cập.
Cân nhắc điều chỉnh Theo Bộ NN&PTNT, hiện các bộ ngành, chuyên gia đang kiến nghị, đề nghị Bộ Công Thương chủ trì và cùng các bộ sửa đổi NĐ 109 để điều hòa lợi ích trong chuỗi xuất khẩu lúa gạo giữa các DN, đặc biệt lợi ích của người nông dân. Tiếp thu ý kiến của các DN để sửa những quy định không phù hợp, tạo điều kiện cho các DN có thể tham gia vào kinh doanh xuất khẩu gạo.
Tuy nhiên, theo ông Phan Công Bình, Giám đốc DN tư nhân Công Bình (Long An), đối với các DN kinh doanh các loại gạo hữu cơ, oganic, gạo chất lượng cao... cần có chính sách riêng, tạo ra hành lang riêng cho họ xuất khẩu thay vì xếp chung họ với các DN xuất khẩu gạo thông thường. Theo các chuyên gia, cần thay đổi tư duy về điều hành xuất khẩu gạo, thay vì lấy số lượng thì nên hướng tới giá trị, chất lượng. Cách làm dựa trên số lượng chỉ tăng quyền lực cho các DN xuất khẩu lớn nhưng lại loại bỏ DN nhỏ ra khỏi thị trường.
Thị trường xuất khẩu kém cạnh tranh, chi phí gia nhập thị trường rất lớn, thị trường tập trung trong tay Hiệp hội sẽ hạn chế sự sáng tạo của DN cũng như hạn chế xuất khẩu lúa gạo chất lượng cao nhưng sản lượng nhỏ.
Theo thống kê, trong bối cảnh xuất khẩu gạo của Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh mạnh với các nước, các hợp đồng tập trung yêu cầu số lượng gạo lớn ngày càng giảm, thay vào đó là các hợp đồng yêu cầu về chất lượng và đặc tính chuyên biệt của gạo ngày càng cao.
“Tư duy quản lý xuất khẩu gạo như hiện nay là lạc hậu, khuyến khích về số lượng chứ không phải là nâng cao chất lượng. Vì vậy, cần có sự thay đổi tư duy về quản lý xuất khẩu gạo”, ông Đăng Quang Vinh nhấn mạnh.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong 5 tháng đầu năm, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 2,35 triệu tấn, giảm 2,1% về khối lượng. Bên cạnh đó, các nước xuất khẩu gạo lớn như: Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan... vẫn còn tồn kho lớn. |