Theo TS. Nguyễn Minh Thảo, mọi chính sách có tác động đến doanh nghiệp đều cần được nghiên cứu và đánh giá tác động toàn diện trước khi ban hành.
Ngành nước giải khát đóng góp không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam. Kể từ năm 2015 tới nay, ngành đồ uống chiếm 4,5% tỷ trọng nhóm ngành sản xuất kinh doanh dịch vụ. Trong giai đoạn 2010-2019, ngành nước giải khát nộp ngân sách Nhà nước gần 90.000 tỷ đồng, cung cấp việc làm trực tiếp cho 300.000 lao động và việc làm gián tiếp cho hàng triệu lao động. Vì vậy, khi Bộ Tài chính dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trong đó mở rộng đối tượng chịu thuế, bao gồm cả thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn với lý do bảo vệ sức khỏe người dân, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương có nghiên cứu tác động kinh tế - xã hội của áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm nước giải khát có đường.
Kết quả nghiên cứu chính sách theo cả phương pháp đánh giá tác động pháp luật (RIA) và phương pháp phân tính bảng cân đối liên ngành đều cho thấy việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt có tác động lan tỏa, tiêu cực đối với doanh nghiệp và người dân, Nhà nước và với nền kinh tế quốc gia.
Theo đó, giá trị sản xuất của 21 ngành hàng sẽ giảm trung bình 0.08%, trong đó mặt hàng cà phê chịu giảm mạnh 18% và và chè chịu giảm 0.22%. Mặc dù thuế tiêu thụ đặc biệt 10% sẽ tăng thu ngân sách 2.300 tỷ đồng, nhưng ảnh hưởng do sụt giảm sản lượng sẽ gây thất thu Nhà nước 3.600 tỷ. Các chỉ số kinh tế như tổng giá trị tăng thêm, GDP, thu nhập người lao động, thăng dư sản xuất, lao động, thu ngân sách qua thuế gián thu đều bị ảnh hưởng tiêu cực.
Theo đại diện CIEM, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực nước giải khát nói riêng đang trong giai đoạn rất khó khăn. Các chính sách ban hành cần đảm bảo nhất quán với định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ phục hồi và phát triển doanh nghiệp.