Cần quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư các dự án trọng điểm

Chính sách tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) luôn là vấn đề quan tâm của Đảng và Nhà nước. Nhờ có đầu tư công cho tam nông mà bộ mặt nông thôn, miền núi trên địa bàn Phú Thọ đã có những thay đổi rõ rệt. Để hiểu rõ hơn những kết quả đã đạt được, Tin Tức Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Doãn Khánh (ảnh), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ về vấn đề này.

Thưa ông, nhờ chính sách đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vấn đề tam nông ở Phú Thọ trong thời gian qua đã có gì thay đổi?


Trong những năm qua, được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, sự nỗ lực của chính quyền, các cấp, các ngành trong tỉnh, ngành nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ đã từng bước phát triển. Nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được huy động nên sản xuất và đời sống của nhân dân đã tạo được bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW.

Mô hình trồng rau an toàn tại xã Tân Đức, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN


Các chính sách đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng toàn diện và đầy đủ sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Các chính sách được triển khai đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và tạo sự chuyển biến rõ rệt, nhất là phát triển sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, chính sách tín dụng được triển khai, các chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển


Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nguồn kinh phí của tỉnh thực hiện các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm giai đoạn 2006 - 2011 là 126,2 tỷ đồng; ngân sách huyện hỗ trợ 28,8 tỷ đồng. Nhờ chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nên đời sống nông dân giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh sản xuất, góp phần đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 5%/năm. Năm 2011 sản lượng lương thực tăng thêm 39,7 ngàn tấn (đạt 469,8 ngàn tấn) so với năm 2005; sản lượng thịt các loại tăng 50 ngàn tấn, đạt 106 ngàn tấn; tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng 7,6 ngàn tấn, đạt 21,45 ngàn tấn; độ che phủ rừng tăng 4,7%, đạt 49,9%. Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất giống mới, SRI, gieo sạ bằng công cụ... tiếp tục được đẩy mạnh; ứng dụng đưa cơ giới hóa vào sản xuất được đẩy mạnh, góp phần tăng năng suất lao động và khắc phục thiếu lao động lúc cao điểm thời vụ, tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm.


Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 31,08% năm 2005 xuống còn 10% năm 2010 và năm 2011 là 16,55% (theo tiêu chí mới). Tập quán canh tác cũ được chuyển đổi, nâng cao kiến thức cho người nghèo, hỗ trợ người nghèo tiếp cận với các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội, giảm khoảng cách về thu nhập, mức sống giữa các vùng, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nghèo, xã có tỷ lệ nghèo cao. Phú Thọ là tỉnh thứ 6 hoàn thành chương trình xóa nhà tạm cho hộ nghèo trước hai năm.


Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II và chính sách dân tộc trên địa bàn trong giai đoạn 2006-2010, tổng nguồn vốn chương trình đầu tư là 634,35 tỷ đồng; trong đó ngân sách trung ương 425,2 tỷ đồng, chiếm 67% tổng nguồn vốn, vốn lồng ghép các chương trình 201,2 tỷ đồng, chiếm 31%; đóng góp của dân là 7,8 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, Phú Thọ đã triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với 267,9 ngàn hộ được thụ hưởng chính sách thông qua việc hỗ trợ giống, máy móc thiết bị; đầu tư xây dựng 636 công trình hạ tầng thủy lợi, điện, trường học, chợ, y tế... Các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, kịp thời phục vụ sinh hoạt, sản xuất của nhân dân vùng đặc biệt khó khăn.


Trong giai đoạn 2006 - 2011 tổng nguồn vốn huy động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn Phú Thọ đã đầu tư 8.573,3 ngàn tỷ đồng, chiếm 61,8% tổng vốn toàn tỉnh. Triển khai tu bổ, nâng cấp và gia cố 292,7km đê, xây dựng 56,1km kè ngăn chặn sạt lở bờ sông, xây dựng 39 công trình hồ đập, trạm bơm; xây dựng 2.093 phòng học và 1.148 phòng ở công vụ cho giáo viên; xây dựng mới 54 trạm y tế xã và hỗ trợ xây dựng 2.010 nhà văn hóa khu dân cư; làm mới 303,4km đường giao thông nông thôn, 1.315,9km đường bê tông hóa, cải tạo nâng cấp 3.405,2km, xây dựng 4 dự án đường ô tô đến xã khó khăn… Các dự án được triển khai xây dựng phát huy hiệu quả khai thác đa mục tiêu, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đáp ứng nhu cầu xây dựng nông thôn mới.


Cùng với việc triển khai đồng bộ các chính sách trên, công tác xây dựng quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình tín dụng ngân hàng, Chương trình nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ khuyến nông, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học vào sản xuất cho nông dân và tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn… đã được tỉnh Phú Thọ quan tâm triển khai thực hiện, góp phần vào phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội trên địa bàn.


Để việc đầu tư công có trọng điểm, góp phần xây dựng nông thôn mới ở Phú Thọ nhanh hơn, ông có kiến nghị gì?


Theo tôi, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư các dự án trọng điểm như: Đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống hồ đập trữ nước sản xuất và sinh hoạt để chủ động ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, đầu tư thủy lợi vùng đồi, các công trình thủy lợi gắn với giao thông nội đồng tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đồng thời phục vụ phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Nhà nước cần quan tâm tạo điều kiện cho Phú Thọ được vay các khoản vay ưu đãi, ứng vốn và hỗ trợ vốn cho các dự án trọng điểm trong nông nghiệp, nông thôn. Tạo điều kiện cho tỉnh được tham gia các nguồn vốn vay ODA theo hiệp định của Chính phủ, tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tài chính, tín dụng quốc tế để tăng khả năng vốn cho đầu tư kết cấu hạ tầng cho khu vực nông thôn. Sớm điều chỉnh tiêu chí Chương trình xây dựng nông thôn mới đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế từng vùng miền, từng địa phương, đồng thời cần có sự sắp xếp ưu tiên theo thứ tự một cách hợp lý, phù hợp với thực tế của các địa phương theo mức độ quan trọng và nguồn lực thực hiện. Tăng nguồn lực đầu tư cho tỉnh Phú Thọ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới vì Phú Thọ là một trong năm tỉnh chỉ đạo điểm về xây dựng nông thôn mới; Chương trình MTQG về NS&VSMT nông thôn.


Các bộ, ngành tiếp tục cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết thuộc lĩnh vực quản lý; hướng dẫn kịp thời các nội dung triển khai thực hiện; quan tâm tạo điều kiện cho Phú Thọ được tham gia các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực bộ, ngành quản lý. Giúp tỉnh tiếp cận nhanh với các thành tựu khoa học - công nghệ mới và đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất gắn với dồn điền đổi thửa và xúc tiến thương mại để từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa. Nhà nước sớm ban hành Luật Đầu tư công để quy định cụ thể về chế độ trách nhiệm trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế trực tiếp đầu tư hoặc cùng nhà nước đầu tư vào các công trình có khả năng khai thác và thu hồi vốn đầu tư từ các công trình sử dụng vốn NSNN, trong đó cần quan tâm đến các chương trình, dự án liên quan đến nông nghiệp, nông thôn.


Về chính sách vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 5/3/2007: Nhà nước nên nâng mức cho vay bình quân mỗi hộ tối đa không quá 5 triệu đồng/hộ lên 10 triệu đồng/hộ để đối tượng được thụ hưởng chính sách có điều kiện nâng quy mô sản xuất. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai các dự án sản xuất mở rộng sản xuất gắn với sử dụng lao động, nguồn lực trên địa bàn như: Giấy Bãi Bằng, Xi măng Sông Thao, nhiên liệu sinh học, Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản… để tạo mối liên kết giữa nông nghiệp và công nghiệp, phát huy tiềm năng, lợi thế, hình thành động lực và tiềm lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.


Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Viết Tôn(thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN