Giá lợn giảm sâu, người chăn nuôi chật vật
Nằm ngay địa phận giáp ranh với tỉnh Nam Định và ven sông Hồng, xã Bách Thuận là một trong những địa phương có truyền thống chăn nuôi của huyện Vũ Thư nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung với số lượng đàn lợn trung bình các năm khoảng 31.000 con. Song hiện nay nhiều hộ chăn nuôi tại đây đang bế tắc trong tìm đầu ra cho đàn lợn đã đến thời kỳ xuất chuồng.
Gia đình ông Nguyễn Văn Quang (thôn Tiền Phong, xã Bách Thuận) là một trong những hộ đầu tiên tại xã thực hành chăn nuôi theo mô hình chuồng khép kín do dự án Lifsap tài trợ. Hiện, đàn lợn của gia đình ông Quang có 330 con; trong đó, có 160 con đạt trọng lượng 150 -160 kg, 170 con đạt trọng lượng 50 kg. Nếu giá cả thuận lợi, cuối vụ sẽ cho thu nhập vài trăm triệu đồng.
Ông Quang cho biết, khoảng tháng 4,5/2016 giá thịt lợn hơi khoảng 52.000 đồng/kg, sau đó đến giáp Tết nguyên đán 2017 giá rớt xuống 34.000 đồng/kg. Dù giá giảm nhưng gia đình ông vẫn chấp nhận bán 150 con và thua lỗ 100 triệu đồng. Sau Tết, giá lợn hơi có tăng, lên mức 36.000-37.000 đồng/kg song không được bao lâu thì nay giá lợn chỉ còn 24.000 đồng/kg.
“Mấy chục năm chăn nuôi nhưng đây là đợt giảm giá kinh khủng nhất với chúng tôi” – ông Quang nói. Nhất là giai đoạn lợn đã đạt trọng lượng xuất chuồng hiện nay, nếu không bán được càng nuôi người chăn nuôi lại càng lỗ. Gần 1 tháng nay gia đình ông đã phải chọn cách giảm 1/2 lượng cám cho đàn lợn so với thông thường để cầm cự, hạn chế bớt tiền cám.
Cũng như hộ gia đình ông Nguyễn Văn Quang, gia đình ông Nguyễn Đình Hãn (thôn Toàn Thắng, xã Bách Thuận) có quy mô đàn lợn 300 con với 3 loại lợn nái, lợn thịt và lợn con. Gia đình ông vay ngân hàng 300 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế. Nợ ngân hàng chưa trả xong, chăn nuôi lại điêu đứng nên gia đình ông chưa biết xoay sở ra sao. Giá giảm nên việc tiêu thụ khó khăn, chỉ những người quen thân, thương lái lâu năm mới đến mua nhưng cũng chỉ “nhỏ giọt”.
Giá giảm khiến lợn thịt không bán được, người chăn nuôi còn phải chịu “thiệt đơn, thiệt kép” khi giá lợn giống giảm còn khoảng 400.000 -420.000 đồng/con (trọng lượng 9 kg), bi đát hơn là “cho không ai lấy, bán chẳng ai mua”. Cực chẳng đã, gia đình ông Hãn giữ lại lợn giống để nuôi. Ông Hãn cho biết thêm, riêng trong 24 hộ thuộc tổ chăn nuôi theo mô hình VietGAP do ông làm tổ trưởng còn tồn đọng trên 1.800 con lợn thịt, 1.100 con lợn giống.
Lợn thịt, lợn giống rớt giá không chỉ khiến người chăn nuôi lao đao mà ngay cả những đại lý bán thức ăn gia súc cũng lâm vào khó khăn theo. Chủ yếu các đại lý bán thức ăn gia súc thực hiện bán cám cho người chăn nuôi theo hình thức trả chậm, quay vòng vốn. Tức là các đại lý sẽ cung cấp thức ăn cho các hộ chăn nuôi, sau đó sẽ thu lại tiền sau khi người dân xuất chuồng vật nuôi.
Với tình cảnh lợn thịt không thể tiêu thụ được như hiện nay, các đại lý đã giảm cung cấp cám cho người nuôi do lo sợ không thể thu hồi tiền vốn đã bán.
Cần “giải cứu” ngành chăn nuôi
Ông Trịnh Xuân Mạnh, Trưởng ban Chăn nuôi, Thú y xã Bách Thuận cho biết, do giá thịt lợn giảm nên từ 2.700 hộ chăn nuôi thì nay trên địa bàn xã chỉ còn khoảng 800 hộ với số lượng lợn thịt 7.000 - 8.000 con chưa thể tiêu thụ. Chính quyền địa phương lo ngại khi g iá lợn giống giảm, không bán được khiến nhiều gia đình chán nản không muốn giữ lại nuôi.
Bởi vậy, biện pháp trước mắt của cơ sở là tăng cường tuyên truyền, tránh tình trạng người dân vứt lợn giống ra các sông ngòi trên địa bàn, gây ô nhiễm môi trường.
Cũng như xã Bách Thuận (huyện Vũ Thư), nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang rơi vào cảnh khó khăn chung, đặc biệt là các hộ chăn nuôi tự do, sản xuất tự phát, không có hợp đồng tiêu thụ. Thời điểm này, người dân chấp nhận lỗ để có thể tiêu thụ được sản phẩm thịt.
Theo các hộ chăn nuôi, phương thức hiện nay vẫn chủ yếu bán cho các thương lái và thực tế chuyện thương lái dừng mua, ép giá đã từng xảy ra nhiều lần.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, năm 2016 số lượng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đạt trên 1,04 triệu con (tăng 4,5% so với năm trước); trong đó, đàn lợn nái trên 195.000 con, lợn thịt 851.600 con, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt gần 2.400 tấn. Chủ trương của tỉnh Thái Bình là giữ vững ổn định quy mô đàn lợn 1 -1,1 triệu con.
Ông Nguyễn Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Bình cho biết, khuyến cáo của ngành chuyên môn giai đoạn hiện nay, người chăn nuôi không nên tái đàn vào thời điểm này. Ngoài ra, người dân nên sử dụng công nghệ, nguyên liệu thức ăn sẵn có, giảm các chi phí đầu vào của chăn nuôi, hạn chế bớt thiệt hại trước mắt.
Bên cạnh đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần xem xét, có giải pháp khoanh nợ giúp người chăn nuôi vượt qua “cơn bão” giảm giá hiện nay.
Từ thực tế này cho thấy vấn đề liên kết trong sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng càng có ý nghĩa quan trọng. Hiện chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Bình vẫn chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.
Chỉ tính riêng các cơ sở chế biến thịt lợn, đến nay tỉnh mới có 3 cơ sở chế biến lợn thịt và lợn sữa với công suất 1.000 tấn lợn thịt/năm, 4.000 - 5.000 tấn lợn sữa/năm. Bởi vậy, giải pháp lâu dài là xây dựng vững chắc các liên kết chuỗi trong chăn nuôi theo hướng phát triển sạch, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.