Cần Thơ thúc sớm giải ngân vốn các dự án kè chống sạt lở

Ngày 14/12, UBND TP Cần Thơ làm việc với Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ - chủ đầu tư các dự án kè chống sạt lở của thành phố về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Chú thích ảnh
Thi công bờ kè tại khu vực ngã ba sông Cần Thơ và rạch Cái Sơn (ảnh tư liệu).

Theo đó, năm 2021, đơn vị này được thành phố giao tổng kế hoạch vốn đầu tư công là hơn 607 tỷ đồng để triển khai thực hiện 21 dự án; trong đó, phần lớn là các dự án kè chống sạt lở trên các tuyến sông chính của thành phố Cần Thơ như: kè rạch Cái Sơn (quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy), kè sông Ô Môn (quận Ô Môn và huyện Thới Lai), kè chống sạt lở sông Cần Thơ…

Cụ thể, kế hoạch ngân sách Trung ương giao hơn 537 tỷ đồng, chiếm 88,43%; ngân sách địa phương hơn 70 tỷ đồng, chiếm 11,57%. Đến đầu tháng 12/2021, kế hoạch vốn được giao năm 2021 đã giải ngân được 257 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 70%. Đối với kế hoạch vốn kéo dài từ năm 2020 sang năm 2021, đến đầu tháng 12/2021 đã giải ngân được 89,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ %...

Ông Nguyễn Quí Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, tình hình giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch do một số công trình, dự án còn chậm giải phóng mặt bằng, bồi thường thiệt hại, bố trí tái định cư làm ảnh hưởng tiến độ thi công. Bên cạnh đó, tình hình dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tổ chức thực hiện, tiến độ thi công, việc đền bù, hỗ trợ tái định cư cũng như tiến độ giải ngân của các dự án.

Đồng thời, cũng có dự án ngưng thi công do hết thời gian thực hiện hợp đồng và hết thời gian thực hiện dự án… như kè rạch Cái Sơn có tổng chiều dài trên 2.800 m đi qua địa bàn 2 quận Ninh Kiều và Bình Thủy. Do công trình trải dài theo tuyến nên khối lượng thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án khá lớn và mất rất nhiều thời gian. Trên toàn tuyến có khoảng 236 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án; trong đó, có 41 hộ phải tái định cư.

Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ cho biết, việc tái định cư cho các hộ dân cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có nền để giao cho người dân, đặc biệt là tại quận Ninh Kiều. Hiện khu tái định cư Ninh Kiều đang trong quá trình triển khai, dự kiến cuối năm 2022 mới hoàn thành.

Tại buổi làm việc, đại diện Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ cũng cam kết phấn đấu đến hết năm 2021 giải ngân vốn được giao đạt trên 90%. Đối với kế hoạch vốn kéo dài từ năm 2020 sang năm 2021, thành phố phấn đấu đến hết năm 2021 giải ngân đạt tỷ lệ 60%.

Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ cũng kiến nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 sang năm 2022 đối với 2 dự án có tổng vốn là hơn 1229 tỷ đồng; kéo dài thời gian thực hiện dự án kè rạch Cái Sơn sang năm 2022 để hoàn thành theo đúng thiết kế được duyệt…

Theo ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, qua kiểm tra cho thấy, chủ đầu tư tích cực  triển khai các dự án được giao, có kế hoạch giám sát hàng tuần, hàng tháng để đảm bảo tiến độ. Phía nhà thầu cũng rất nỗ lực, có năng lực tài chính đảm phục vụ thi công. Tuy nhiên, do nhiều khu vực chưa được bàn giao mặt bằng nên đã ảnh hưởng đến tiến độ chung của các dự án.

Ông Sử đề nghị UBND quận Ninh Kiều tích cực hỗ trợ giải phóng mặt bằng, vận động người dân thống nhất di dời để sớm giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Đồng thời, sớm bố trí tái định cư hoặc tạm cư cho người dân bị ảnh hưởng theo đúng quy định để các hộ dân sớm ổn định cuộc sống.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển đánh giá cao những nỗ lực của Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ trong việc giám sát, kiểm tra, đôn đốc các công trình; thực hiện xây dựng và giải ngân vốn trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Ông Dương Tấn Hiển yêu cầu Chi cục Thủy lợi tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng; bồi thường thiệt hại các công trình còn vướng mắc, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn theo kế hoạch. Đồng thời, hỗ trợ giải quyết tái định cư tạm cho các hộ dân bị ảnh hưởng do địa phương gặp khó về tái định cư.

Lãnh đạo UBND thành phố cũng đề nghị chủ đầu tư các công trình thường xuyên kiểm tra, làm việc với đơn vị thi công và buộc cam kết thời gian hoàn thành dự án theo từng tiến độ, công đoạn thực hiện.

Cùng đó, hỗ trợ đơn vị thi công tháo gỡ khó khăn trong xây dựng; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các đơn vị thi công trì hoãn, kéo dài thời gian thực hiện khi dự án, công trình đã có mặt bằng thi công để sớm hoàn thành đưa các dự án vào sử dụng, phục vụ cho sự phát triển của thành phố.

Năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công của thành phố Cần Thơ tiến triển rất chậm. Tính đến hết tháng 11, có 16 đơn vị giải ngân trên 50%; có 25 đơn vị, địa phương giải ngân dưới 50%; trong đó, 7 đơn vị có tỉ lệ giải ngân 0%.

Trước tình trạng trên, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành kế hoạch kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn; tổ chức 4 đoàn kiểm tra do các phó chủ tịch UBND thành phố làm trưởng đoàn, tiến hành kiểm tra thực tế tại nhiều sở ngành, quận huyện.

Kế hoạch nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 95% kế hoạch vốn đã bố trí.

Tin, ảnh: Thanh Liêm (TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Giải ngân nhanh vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Giải ngân nhanh vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng

“Mức giải ngân của 6 tỉnh đang thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Trong khi đây là những tỉnh còn nghèo, rất trân trọng những đồng vốn, nếu chúng ta đầu tư 1 đồng vốn thì xã hội sẽ thêm 10 đồng để kích cầu kinh tế, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững. Cần phải xác định vốn đầu tư công là vốn mồi nên phải cố gắng giải ngân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN