Từ thành thị tới vùng quê, cuộc sống giờ không thiếu cao lương mĩ vị nên dần dà người ta quên đi những nét riêng “hương vị quê nhà”, trong đó có món ăn chế biến từ mắm cá đồng vùng U Minh Thượng (Kiên Giang)... Về U Minh Thượng bây giờ, muốn tìm mua mắm cá đồng như cá rô, sặc, lóc, trê... không dễ. Người dân vùng này cho biết do nguồn lợi cá đồng ngày một cạn kiệt nên không đủ để làm mắm. Nhưng... U Minh vẫn là “túi cá” của tỉnh Kiên Giang, thiếu mắm cá chỉ vì người dân không “mặn mà với nghề này vì cho rằng không thể làm giàu bằng mắm cá đồng được. Mắm cá đồng vùng này ngon nhưng bị mai một vì chưa có thương hiệu, nên không thể “phất” lên.
Ông Ngô Văn Tước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện U Minh Thượng rất đồng tình với việc cần xây dựng thương hiệu mắm cá đồng vùng U Minh Thượng, nhưng cũng băn khoăn cho đầu ra. Hiện nay, trên địa bàn ngoài việc có hàng trăm ha của các hộ gia đình nuôi cá đồng nhỏ lẻ thì còn có một đối tác nước ngoài hỗ trợ về kỹ thuật, con giống cho huyện 100 ha diện tích thả nuôi cá nước ngọt sẽ thực hiện trong nay mai. Theo ông Tước, vùng này nếu nói về “vắng cá đồng” thì chưa đúng mà phải thừa nhận là chưa có hướng để khôi phục lại cá đồng.
Ông Huỳnh Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận, rất tâm đắc: “Bằng mọi cách, chúng tôi phải xây dựng thương hiệu mắm cá đồng vùng này, nhưng trước hết là mắm cá đồng thương hiệu “Vĩnh Thuận””. Theo ông Bình, mắm cá đồng vùng U Minh Thượng ngày xưa thì không thể kể hết. Hàng ngày, mắm cá lóc, cá trê để chưng, mắm rô, sặc trộn dấm chua, ớt ăn sống, lấy nước nấu lẩu nhúng bông súng gia đình nào cũng có. Bây giờ, mặc dù nguồn cá đồng ngày cạn dần, nhưng ở Vĩnh Thuận thì mắm cá đồng không thể “vắng bóng” được. Hiện nay, có một nhóm người ở thị trấn Vĩnh Thuận vẫn còn duy trì tốt việc làm mắm cá đồng, nhưng cũng gói gọn địa bàn trong huyện. Vì vậy, ông Bình cùng các đồng chí lãnh đạo huyện đang ấp ủ dự định sẽ xây dựng thương hiệu mắm cá đồng “Vĩnh Thuận”. Trước mắt sẽ hỗ trợ vốn, xây dựng làng nghề cho những người cố cựu làm mắm cá đồng “có tiếng” ở địa phương. Từ đây, những người có kinh nghiệm sẽ truyền dần nghề lại cho những “thợ” về sau. Phía huyện sẽ tìm nguồn cá đồng làm mắm và “tiếp thị” đầu ra. Nhưng thực tế thì “đầu vào” là rất khả quan vì nếu có “thương hiệu” thì tự động người có nguồn cá đồng sẽ tự tìm đến để trao đổi, mua bán hàng hoá.
Mắm cá đồng nổi tiếng nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là mắm Châu Đốc với các tên tuổi như bà giáo Khoẻ - người có công gây dựng nên thương hiệu. Tỉnh nào trong vùng cũng có “thương hiệu” mắm cho mình. Nhắc đến Bạc Liêu là nhắc đến mắm chua Vĩnh Hưng, mắm ruốc Cà Mau, mắm cá linh Vĩnh Long, mắm “ruột” An Giang hay mắm còng Gò Công (Tiền Giang). ..
Theo ông Lương Thanh Hải, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, cũng chính vì cần thương hiệu những sản phẩm đặc trưng địa phương, hiện nay ngoài thương hiệu nước mắm và hồ tiêu Phú Quốc được công nhận, Kiên Giang còn có 12 thương hiệu ở địa phương cũng đang tiến hành đăng ký thương hiệu gồm: Rượu đế Đường Xuồng (Gò Quao), rượu Kênh 5 (Tân Hiệp), sầu riêng, khoai lang Hòa Thuận (Giồng Riềng), khoai lang Ba Hạo (Hòn Đất), mắm cá lưỡi trâu U Minh Thượng… Những sản phẩm đặc trưng có tiềm năng lớn ở Kiên Giang hiện nay vẫn chưa đăng ký thương hiệu, như: khô cá sặc rằng, mắm cá đồng U Minh Thượng, gạo Kiên Giang…
Việc bỏ ngỏ thương hiệu đặc sản mắm cá vùng U Minh Thượng là rất đáng tiếc vì hiện nay một doanh nghiệp ở huyện Long Điền (Bà Rịa-Vũng Tàu) dám bỏ ra hơn 5 tỷ đồng chỉ để mở ra siêu thị mắm tại Trung tâm thương mại trái cây quốc gia Cái Bè (Tiền Giang). Hy vọng rằng, nay mai thương hiệu mắm đồng “An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận hay U Minh Thượng” cũng sẽ có mặt ở siêu thị mắm lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long này./.
Lê Sen