Là một trong 6 khu kinh tế (KKT) đầu tiên được thành lập ở nước ta, KKT Chân Mây - Lăng Cô đang có những chuyển mình tích cực, tạo động lực phát triển không chỉ cho tỉnh Thừa Thiên - Huế mà cho cả khu vực miền Trung. Một trong những khu chức năng chính và có đóng góp quan trọng của toàn KKT là cảng Chân Mây do Công ty TNHH Một thành viên cảng Chân Mây điều hành và quản lý.
Bám trụ nhờ tiềm năng
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và của nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cảng Chân Mây vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh một cách tích cực. Sản lượng và doanh thu đều đạt và vượt mức kế hoạch, thu nhập của người lao động được cải thiện đáng kể.
Công ty cổ phần Cảng dịch vụ tổng hợp PTSC Nghi Sơn (Thanh Hóa) triển khai mở rộng thị trường bốc xếp hàng hóa nội địa, phấn đấu bốc xếp 2,2 triệu tấn hàng hóa trong năm 2011. Ảnh: Hà Thái - TTXVN |
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên cảng Chân Mây, tổng kết: Hết quý III/2011, cảng Chân Mây đã hoàn thành 100% kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm nay, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2010. Cảng đã tổ chức đón 18 chuyến tàu với gần 23.000 khách du lịch. Riêng doanh thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ tại cảng đã đạt trên 8 tỷ đồng. Tại đơn vị, 100% lao động đều có việc làm với thu nhập bình quân khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Ghi nhận những đóng góp của cảng Chân Mây, ông Hồ Sỹ Nguyên, Trưởng ban Quản lý KKT Chân Mây - Lăng Cô, nhận định: Đây là một trong số ít các DN hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả tại KKT, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Nếu tăng cường đầu tư, DN này nói riêng và cảng Chân Mây nói chung sẽ cùng các khu chức năng khác như khu du lịch Lăng Cô - Cảnh Dương, khu đô thị Chân Mây, khu phi thuế quan và khu công nghiệp sẽ tạo nền tảng vững chắc, thúc đẩy toàn KKT phát triển năng động và toàn diện.
Ông Thọ cho biết, thông thường cảng Chân Mây đón khoảng 30 tàu/tháng và thời gian lưu tàu khá dài. Với lợi thế là cảng biển nước sâu hơn 12,5 m nên tàu trọng tải lớn 3 - 5 vạn tấn đều có thể cập cảng “ăn và nhả” hàng chậm. Đây cũng chính là điều kiện để cắt giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận cho các chủ hàng, chủ tàu, nên ngày càng có nhiều tàu cập bến tại cảng Chân Mây.
Theo thiết kế, cảng Chân Mây hiện chỉ đủ năng lực xếp dỡ 1 triệu tấn hàng hóa/năm. Kế hoạch đặt ra cho năm 2011 là 1,5 triệu tấn hàng đến nay đã hoàn thành. Nếu thuận lợi, từ nay đến cuối năm, cảng còn có thể tiếp nhận thêm 400.000 - 500.000 tấn hàng nữa, nâng tổng sản lượng cả năm 2011 lên khoảng 2 triệu tấn hàng hóa, gấp đôi công suất thiết kế. Tuy đây là thắng lợi lớn, song cũng đang đặt ra một thách thức không nhỏ là cần xây dựng ngay bến số 2 để vừa mở rộng quy mô, vừa nâng cao năng lực cho cảng Chân Mây trong thời gian tới.
Cần đầu tư để phát triển
Tận mắt chứng kiến 3 - 4 tàu trọng tải lớn, đang xếp hàng chờ tới lượt bốc xếp hàng mới thấy sự hạn chế về diện tích, quy mô và năng lực cung ứng của cảng biển thực sự là rào cản lớn đối với DN, cũng như tiềm năng phát triển của cảng biển Chân Mây chưa được triệt để khai thác và phát huy hiệu quả.
Việc xây dựng bến số 2 của cảng Chân Mây đã được hoạch định từ nhiều năm trước, tuy nhiên do chưa thống nhất về cơ quan phụ trách quản lý (khi thì do chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế phụ trách, khi thì lại thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam Vinashin quản lý) nên đến nay DN cũng mới chỉ triển khai phần khảo sát địa chất, thủy văn và chờ đợi sự thống nhất, chủ trương từ lãnh đạo các cấp, ngành.
Ông Thọ bày tỏ: "Để kịp phục vụ nhu cầu phát triển trong những năm sắp đến, đặc biệt là giai đoạn 2015 - 2020, nếu không đầu tư ngay từ bây giờ e sẽ không kịp. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai thiết kế kỹ thuật và hy vọng năm 2012 có thể khởi công bến số 2. Dự kiến, quy mô đầu tư khoảng 650 tỷ đồng và được phân kỳ trong nhiều giai đoạn".
Một trăn trở khác, không chỉ của riêng cảng Chân Mây mà còn là nỗi lo của toàn KKT Chân Mây - Lăng Cô, đó là thiếu hệ thống đê chắn sóng. Với mục tiêu phát triển kinh tế hướng biển, thiếu đê chắn sóng, sự tồn tại sẽ bị đe dọa, chưa nói tới phát triển bền vững. Đó là chưa kể những khó khăn, thiệt hại cho chủ tàu, chủ cảng khi gặp phải thời tiết bất thường, biển động…
Ông Hồ Sỹ Nguyên cũng nhận định, mặc dù Chân Mây - Lăng Cô được xác định là KKT động lực nhưng đầu tư của Nhà nước vẫn còn rất hạn chế. Sau 5 năm thành lập, tổng vốn đầu tư từ ngân sách chỉ đạt khoảng 1.600 tỷ đồng cho tất cả các hạng mục, còn chưa bằng nguồn vốn đầu tư xây một cây cầu tại tỉnh. Chính vì thế, hạ tầng của toàn KKT chưa được triển khai xây dựng đồng bộ. Điều đó không chỉ ảnh hưởng lớn tới hoạt động của cảng Chân Mây, mà còn giảm sức thu hút đầu tư của toàn KKT.
Ngọc Quỳnh