Trong tuyên bố chung các Bộ trưởng Tài chính APEC nhóm họp ở thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea hôm 17/10 cho rằng các nguy cơ đối với nền kinh tế toàn cầu đã gia tăng do “những căng thẳng thương mại và địa chính trị leo thang”, ám chỉ cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Sau cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính APEC với chủ đề hướng tới tương lai số hóa, Bộ trưởng Tài chính Papua New Guinea, ông Charles Abel, cảnh báo "các xu hướng bảo hộ xuất phát từ căng thẳng thương mại và sự gia tăng nợ đang gây trở ngại và là một mối đe dọa thực sự đối với sự phát triển và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Trước những lo ngại rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang theo đuổi chính sách đồng USD mạnh và những nghi ngại tương tự đối với Trung Quốc rằng nước này cũng đang thao túng tỷ giá hối đoái để có được lợi thế cạnh tranh, các nền kinh tế APEC cho biết sẽ không phá giá tiền tệ và dùng tỷ giá làm công cụ để cạnh tranh.
Trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu ngày càng trở nên “mất cân đối”, các Bộ trưởng Tài chính APEC đã đưa ra một số đề xuất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tài chính toàn diện. Tuyên bố chung nêu rõ các nền kinh tế APEC cần thúc đẩy các chính sách và cải cách giúp nâng cao năng suất và tiềm năng tăng trưởng, từ đó đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng hiện nay và nâng cao triển vọng tăng trưởng trung hạn.
Tuyên bố cũng cho rằng việc tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cao năng suất, tính cạnh tranh, sự kết nối, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực. Các bộ trưởng tài chính APEC đề xuất tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng nên là một ưu tiên của châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh khu vực này đối mặt với tình trạng thiếu nguồn tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng. Nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng gia tăng có thể được đáp ứng bằng cách đa dạng hóa các nguồn tài chính dài hạn sẵn có và thu hút sự tham gia của lĩnh vực tư nhân.