Cùng đó, hệ thống giao dịch mới KRX đang gấp rút hoàn thiện được cho là củng cố khả năng nâng hạng của thị trường. Các bộ luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản... có hiệu lực từ quý III/2024 được cho là sẽ tạo động lực cho trị trường chứng khoán.
Cơ hội từ câu chuyện nâng hạng thị trường
Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không chấp thuận KRX vận hành vào ngày 2/5, vào ngày 13/6, cơ quan này đã họp bàn về tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư ngoại, tiến tới nâng hạng theo FTSE.
Điều này cho thấy nỗ lực để nâng hạng thị trường chứng khoán vẫn luôn được kiên định và gần đây được Chính phủ Việt Nam quyết liệt thực hiện.
Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, những nỗ lực không ngừng trong việc đổi mới và hoàn thiện khung khổ chính sách và điều hành đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam khẳng định sức hút mạnh mẽ sau hơn hai thập kỷ hoạt động.
Điều này được minh chứng qua chất lượng hàng hóa trên sàn, quy mô giao dịch, cũng như số lượng nhà đầu tư tham gia ngày càng tăng, với chất lượng được nâng cao.
Chứng khoán Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất về quy mô và thanh khoản trong khu vực.
Hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được FTSE Russell đưa vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - Thị trường Mới nổi.
Thị trường chứng khoán tự do, hiệu quả luôn được coi là một trong những tiêu chí cốt yếu để đánh giá mức độ phát triển nền kinh tế thị trường của một quốc gia, vùng lãnh thổ.
Do đó, nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ là tín hiệu quan trọng đối với cộng đồng quốc tế, cho thấy Việt Nam đang trên đà phát triển thành một nền kinh tế thị trường theo đúng bản chất. Từ đó, góc nhìn của các nhà đầu tư quốc tế về môi trường đầu tư – kinh doanh tại Việt Nam cũng sẽ có chuyển biến tích cực hơn, ông Vũ Chí Dũng nhìn nhận.
Đồng thời, việc này sẽ là “cú hích” gián tiếp dành cho mục tiêu từng bước nâng bậc tín nhiệm quốc gia theo “Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030” theo Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ là tín hiệu rõ ràng, cho thấy Việt Nam đã tiến bước dài hơn trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Khẳng định vị thế và nâng cao hình ảnh không chỉ của riêng thị trường chứng khoán Việt Nam mà còn của cả nền kinh tế đối với cộng đồng quốc tế.
Trong chiến lược tổng thể về phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2025 của Chính phủ là đưa Việt Nam nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên mới nổi theo Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023.
Với khoảng thời gian còn lại không còn quá dài, trước mắt các cơ quan chức năng hiện đang tập trung nhiều nguồn lực để có thể đảm bảo thỏa mãn được các tiêu chí để được nâng hạng lên thị trường mới nổi sơ cấp (Secondary EM) từ FTSE Russell.
Các chuyên gia từ TPS cho rằng, để đạt được mục tiêu phân loại lại vào năm 2025, theo FTSE Russell điều cần thiết là sớm xác nhận mô hình thanh toán và phổ biến rộng rãi, bao gồm hoàn thiện các vai trò và trách nhiệm cần thiết trong mô hình thanh toán.
Cùng đó, Việt Nam phải đưa ra lộ trình, với các cột mốc quan trọng cụ thể. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng các ban ngành liên quan đang hoàn thiện mô hình thanh toán mới. FTSE khuyến khích các cuộc gặp gỡ giữa các tổ chức Việt Nam và cộng đồng quốc tế để hiểu rõ hơn về những khó khăn khi tiếp cận thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nếu thành công được nâng hạng lên thị trường mới nổi, tác động rõ ràng nhất là thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn lớn hơn, ổn định và đa dạng hơn từ những nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng trước tiên, chúng ta cần nhanh chóng triển khai được hệ thống KRX trước kỳ đánh giá trong tháng 9/2024.
Ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối phụ trách luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), hiện có khoảng 90 tỷ USD từ các quỹ thụ động (ETF) đầu tư vào bộ chỉ số FTSE EM như Vanguard FTSE Emerging Markets ETF (tổng tài sản) 76 tỷ USD.
Với việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, theo ước tính sơ bộ, dòng vốn từ các quỹ ETF có thể lên đến 1,6 tỷ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động (FTSE Russell ước tính tổng tài sản từ các quỹ chủ động gấp 5 lần so với các quỹ ETF).
Nhìn chung, câu chuyện từ nâng hạng từ cận biên lên mới nổi không chỉ là đổi tên, mà là thay đổi về chất và dòng vốn sẽ đến phần lớn từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chuyên nghiệp.
Việc được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ là cơ hội tốt giúp thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận được sự chú ý từ MSCI, trong bối cảnh danh sách các thị trường chứng khoán có cơ hội được nâng hạng lên mới nổi khá hạn chế (Việt Nam hiện đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ MSCI cận biên).
Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có tăng trưởng mạnh vào giai đoạn nửa cuối năm 2024.
Trong 6 tháng cuối năm 2024, tỷ giá có thể chững lại hoặc giảm. Trường hợp Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, giá trị đồng USD sẽ giảm. Do đó, tỷ giá có thể sẽ hạ nhiệt và ở mức trung bình thay vì tỷ giá tăng mạnh như hiện nay, cũng sẽ bước vào chu kỳ nới lỏng tiền tệ và nhờ đó, thị trường chứng khoán sẽ có nhiều cơ hội.
Bên cạnh đó, triển vọng của thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục khả quan trong những tháng còn lại của năm 2024, khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được kỳ vọng tiếp tục phục hồi nhờ triển vọng kinh tế toàn cầu cải thiện, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu và tiêu dùng.
Chính phủ tiếp tục duy trì môi trường lãi suất thấp, dù lãi suất chính sách có thể tăng nhẹ, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nguồn vốn FDI được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tích cực, đặc biệt là với tiềm năng từ ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Song song đó, chính sách đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đặc biệt là quyết tâm của Chính phủ và cơ quan quản lý trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian tới.
Ngân hàng Nhà nước định hướng điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Hệ thống giao dịch KRX được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thị trường chứng khoán Việt Nam như tăng thanh khoản, nâng cao hiệu quả hoạt động và thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Nền tảng vững vàng từ nửa đầu năm
Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động giao dịch trên thị trường diễn ra sôi động trong 6 tháng đầu năm 2024. Chỉ số VN-Index duy trì xu thế tăng trưởng nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh được phục hồi.
VN-Index hồi phục rất tích cực kể từ cuối tháng 4 và đã chinh phục thành công vùng đỉnh 1.300 điểm. Cùng đó, thanh khoản thị trường nửa đầu năm ở mức cao, nhất là vào thời điểm tháng 3/2024, giá trị giao dịch bình quân phiên đã đạt hơn 30.000 tỷ đồng/phiên - chỉ kém giai đoạn đỉnh cao trung tuần tháng 11/2021.
Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân là động lực chính cho thị trường, trong bối cảnh khối ngoại liên tục bán ròng mạnh. Chỉ tính riêng sàn HOSE, khối ngoại đã bán ròng hơn 50.000 tỷ đồng (gần 2 tỷ USD) trong 6 tháng đầu năm 2024.
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam cho biết, thị trường chứng khoán trong 6 tháng đầu năm diễn biến tương đối tích cực, khi chỉ số VN-Index tăng xấp xỉ 11% so với đầu năm.
Bên cạnh đó, thanh khoản của thị trường cũng tăng trở lại so với thời điểm năm 2023, dòng tiền lan tỏa ra nhiều nhóm cổ phiếu, nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa, nhóm vốn hóa nhỏ.
Vị chuyên gia từ Chứng Khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận, lãi suất tiền gửi gần đây có sự tăng trở lại, tuy nhiên mặt bằng chung vẫn đang duy trì ở mức thấp, tạo điều kiện cho người gửi tiền tiết kiệm dịch chuyển sang kênh đầu tư chứng khoán.
Số lượng tài khoản trong 6 tháng đầu năm tiếp tục tăng cao với hơn 7,9 triệu tài khoản. Con số này cho thấy nhiều nhà đầu tư đang quan tâm tới thị trường.
Ông Nguyễn Thế Minh cũng chỉ ra những điểm chưa tích cực, khi nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục bán ròng từ đầu năm với áp lực cao.
Trong 6 tháng đầu năm, giá trị bán ròng vượt xa hẳn so với cả năm 2023. Áp lực này khả năng cao còn tiếp diễn trong bối cảnh tỷ giá có xu hướng đi lên cùng với rủi ro Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed)) vẫn duy trì mặt bằng lãi suất cao trong năm 2024.
Thực tế cho thấy, thị trường chứng khoán bước vào tháng 7 chứng kiến sự thận trọng trong giao dịch của nhà đầu tư, khi thanh khoản và chỉ số đều sụt giảm.