Cây cao su Điện Biên 'mòn mỏi' chờ ngày thu hoạch

Cây cao su bắt đầu bén rễ tại tỉnh Điện Biên từ năm 2008 và hàng nghìn hộ gia đình trên địa bàn đã góp đất trồng hơn 4.600ha. Đến nay, người dân chỉ mong tới ngày cạo mủ để được chia lợi nhuận. Song, vấn đề thỏa thuận lợi ích giữa người trồng cao su và đơn vị chủ quản là Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên hiện còn nhiều vướng mắc.

Hoang mang vì tái canh

Những ngày qua, thông tin về tỉnh Sơn La có gần 70ha cây cao su đã 6 - 7 tuổi, đang chờ khai thác mủ bất ngờ bị đốn hạ để tái canh trồng giống cao su mới khiến người trồng cao su tại Điện Biên hoang mang, lo lắng. Bởi cao su Điện Biên có khá nhiều điểm tương đồng với Sơn La về thời điểm trồng, thổ nhưỡng, thời tiết.

Vườn cao su tại xã Hua Thanh, huyện Điện Biên.


Theo anh Lò Văn Khánh, Trưởng thôn 13, bản Mển, từ khi góp đất trồng cao su, bà con luôn tuân thủ các quy định bảo vệ vườn cây cao su. Đến nay, cao su vẫn phát triển tốt nhưng người trồng cao su tại địa phương rất lo lắng khi nghe thông tin như trên tại tỉnh Sơn La. Bà con tại đây hiện chỉ mong Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên tới khai thác mủ.

Bà Lò Thị Vân, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên cho biết, toàn xã có hơn 100ha cao su thuộc 12 đội, bản và vườn cao su đang phát triển tốt. Bà con tin tưởng cao su sẽ sớm thu hoạch. Khi đó, người dân không chỉ được hưởng lợi từ mủ cao su mà còn hưởng lợi từ việc tham gia khai thác mủ.

Theo thống kê của UBND xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, địa phương có gần 340 hộ, thuộc 6 bản đã góp đất trồng cao su từ năm 2008. Hơn 7 năm qua, một số diện tích trồng cao su của xã bị chết do sâu bệnh, mật độ cây trồng không đảm bảo phải chặt để tái canh.

Trước vấn đề này, ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên khẳng định, việc tái canh là cần thiết đối với những giống cao su không phù hợp hoặc sâu bệnh, sương muối, mật độ không đảm bảo. Điện Biên có tái canh, nhưng sẽ không thực hiện đồng loạt và với diện tích lớn như Sơn La.

Chưa có hợp đồng ràng buộc

Theo tính toán quy trình từ Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên, cuối năm 2016, hơn 600ha cao su trồng tại xã: Mường Pồn, Hua Thanh và Thanh Nưa của huyện Điện Biên đủ tiêu chuẩn khai thác mủ. Nhưng khó khăn đặt ra là giữa Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên và người dân chưa có hợp đồng về mặt pháp lý. Hầu hết người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Những hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như ở bản Mển, xã Thanh Nưa lại chưa được Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên ký hợp đồng thỏa thuận.

Theo kế hoạch, những diện tích trồng giai đoạn (2008 - 2009) có khả năng cho thu hoạch vào cuối năm 2016. Cây cao su tại tỉnh Điện Biên có thời gian thu hoạch từ năm thứ 8 đến năm thứ 28 tuổi của cây với năng suất dự kiến đạt 1,5 - 1,7 tấn/ha.

Anh Lò Văn Khánh, Trưởng thôn 13, bản Mển cho biết, bản hợp đồng mới có chữ ký từ phía người dân. Người dân không được biết số lô, thửa, tỷ lệ phần trăm được chia khi thu hoạch mủ. Như vậy, dù người dân đã góp đất trồng cao su nhưng lại chưa có sự ràng buộc pháp lý với công ty.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên cho biết, diện tích đất người dân góp cho Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên đang bị vướng ở việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Công ty vừa kiến nghị với tỉnh Điện Biên sớm chỉ đạo các ban ngành, địa phương liên quan hoàn thiện hồ sơ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, theo đó có cơ sở pháp lý để Công ty ký hợp đồng liên kết. Công ty sẽ thực hiện theo hướng, địa phương nào hoàn thiện thủ tục sẽ ký hợp đồng với địa phương đó. Mặt khác, nếu năm tới giá mủ vẫn chưa thích hợp theo chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể kéo dài thời gian tiến hành thu hoạch. Vấn đề này, công ty và các đơn vị liên quan sẽ đưa ra chính sách hỗ trợ người dân, đảm bảo cuộc sống.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên cũng cho biết, đầu ra của sản phẩm cao su tại tỉnh Điện Biên chưa rõ ràng, phụ thuộc vào từng thời điểm. Trong khi đó, giá cao su thế giới chưa có chiều hướng tăng. Thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Hồng Kông, Malaysia lại cắt giảm và khống chế số lượng nhập mua.

Theo quy hoạch, tổng diện tích cao su tại tỉnh Điện Biên sẽ là 7.000ha. Nhưng đến nay, địa phương chưa có diện tích thu hoạch, giá mủ cao su đang ở mức thấp nên tỉnh chủ trương phát triển chậm diện tích cao su.


Bài và ảnh: Trịnh Xuân Tư

Tiên phong trồng cây cao su ở Tây Bắc
Tiên phong trồng cây cao su ở Tây Bắc

Ông Đặng Văn Phúc, ở thôn Pạc Bo, xã Bản Lầu (Mường Khương, Lào Cai) là được đồng bào gọi “tỷ phú rừng”, bởi gia đình ông hiện nay sở hữu hơn 20 ha rừng kinh tế, tính sơ sơ cũng đến số tiền hàng tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN