'Chạy nước rút' giải ngân vốn đầu tư công

Hơn một tháng nữa là hết năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công chậm đang là tình hình chung đối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh thuộc vùng Đông Nam Bộ, đầu tàu kinh tế cả nước.

Các giải pháp điều chuyển kế hoạch vốn tập trung cho các dự án giải ngân cao, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, hay phát động chiến dịch “60 ngày chạy nước rút” giải ngân đầu tư công… của các địa phương đều đang hướng tới mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn năm 2023. 

Chú thích ảnh
Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% trong năm nay. Ảnh tư liệu: Tiến Lực/TTXVN

Khó khăn từ vướng mắc giải phóng mặt bằng

Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố được giao giải ngân hơn .000 tỷ đồng trong năm 2023. Đến cuối tháng 10/2023, Tp. Hồ Chí Minh mới giải ngân 24.199 tỷ vốn đầu tư công, đạt 35% kế hoạch. Trong bối cảnh hiện tại, dự kiến có tới 233 dự án giải ngân dưới 95% với số vốn không thể giải ngân hơn 19.500 tỷ đồng. Nguyên nhân giải ngân chậm bao gồm: vướng giải phóng mặt bằng, thủ tục điều chỉnh quy hoạch chậm, nhà thầu thi công không đủ năng lực, giá trị quyết toán thực tế thấp hơn dự kiến đăng ký vốn, thủ tục quyết toán chậm.

Với tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt khoảng 34% sau 10 tháng của năm 2023, tỉnh Đồng Nai đang là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp của cả nước. Đồng thời, với mục tiêu đặt ra là phải giải ngân đạt từ 80 - 95% tổng nguồn vốn, trong hai tháng cuối năm, Đồng Nai bắt buộc phải “tiêu” hết hơn 6.000 tỷ đồng. Đây là một thách thức lớn trong bối cảnh nhiều đơn vị hiện có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn còn ở mức thấp.

Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, mục tiêu giải ngân trên 95% nguồn vốn đầu tư công đặt ra từ đầu năm 2023 là rất khó hoàn thành trong bối cảnh hiện tại. Do vậy, mục tiêu này cần có sự điều chỉnh.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai Phan Trung Hưng Hà cho biết, đối với nguồn vốn do UBND tỉnh giao kế hoạch, trong tổng số 34 đơn vị chủ đầu tư, hiện có đến 21 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt dưới tỷ lệ bình quân chung của tỉnh; trong đó, có ba đơn vị: Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai dù được giao vốn từ đầu năm nhưng đến nay chưa giải ngân. Cùng với đó, có 7 đơn vị khác tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đang ở mức dưới 10%.

Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công còn đạt thấp nằm ở 4 nhóm nguyên nhân chính: công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; nguồn vật liệu phục vụ thi công; các quy hoạch chưa đồng bộ và tiến độ lập hồ sơ, năng lực các nhà thầu. Đặc biệt, vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công vẫn nằm ở khâu giải phóng mặt bằng.

Tại tỉnh Bình Dương, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh là 21.817 tỷ đồng, giá trị giải ngân đến hết tháng 10/2023 là 12.127 tỷ đồng, đạt 55,6% kế hoạch. Dự kiến, tỷ lệ giải ngân cả năm của Bình Dương đạt 92,4% so với kế hoạch.

Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Bình Dương Dương Minh Tâm, khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công vẫn nằm ở công tác giải phóng mặt bằng để triển khai thi công các dự án. Phần lớn các dự án đang triển khai thi công đều bị chậm tiến độ vì thiếu mặt bằng thi công.

Thực tế, hiện một số dự án hạ tầng giao thông lớn, có tính chất liên vùng mà Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai tham gia là Vành đai 3 - Tp. Hồ Chí Minh, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đều có tiến độ chậm, cũng làm ảnh hưởng lớn tới kết quả giải ngân của các địa phương.

Cụ thể, dự án thành phần 1 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu do tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản mới giải ngân được 156,14 tỷ đồng trên tổng số 1.324 tỷ đồng vốn kế hoạch (đạt 11,8%). Các dự án thành phần 1, 2, 5 thuộc Dự án Vành đai 3 - Tp. Hồ Chí Minh do Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đóng vai trò cơ quan chủ quản mới giải ngân được lần lượt 20,3%, 27,2% và 21,2%, trong khi vốn kế hoạch năm 2023 bố trí cho các dự án thành phần này khoảng 8.827 tỷ đồng.

Tập trung quyết liệt các giải pháp

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức nhấn mạnh, với quỹ thời gian hạn hẹp còn lại, để đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là không dễ dàng. Để đẩy nhanh tiến độ, các chủ đầu tư, các địa phương phải có cam kết bằng văn bản về việc sẽ thực hiện giải ngân đạt từ 80 - 95% nguồn vốn gửi về UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi. Đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công, từ nay đến cuối năm, phải làm việc với tinh thần không nghỉ thứ bảy, chủ nhật, không nghỉ lễ để hoàn thành nhiệm vụ. Người đứng đầu các cơ quan cũng hạn chế đi công tác nước ngoài, hạn chế nghỉ phép không cần thiết để tập trung tối đa cho công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu các địa phương phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, rà soát lại cơ cấu tổ chức bộ máy, con người thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng quy trình phối hợp theo hướng chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ,…

Cùng với Đồng Nai, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương cũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công. Quan điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu rõ công tác điều hành, bố trí vốn đầu tư công phải bảo đảm nguyên tắc tập trung, trọng tâm, không dàn trải, chống lãng phí, bảo đảm bố trí đủ vốn trong Kế hoạch đầu tư công năm 2023 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các công trình trọng điểm.

Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đúng quy định, nhưng phải linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để giải ngân đạt 100% vốn đầu tư công năm 2023, thi công hoàn thành dứt điểm, phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư công, tạo dư địa, không gian phát triển mới cho những năm tiếp theo.

Đến nay, tiến độ các công trình, dự án trọng điểm được quan tâm đôn đốc, đẩy mạnh thực hiện; đã khởi công một số đoạn thuộc dự án Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương - dự án quan trọng quốc gia, tạo khí thế và động lực cho công tác thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu cuối năm 2023 hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13; cuối năm 2023 khởi công Vành đai 4 và đầu năm 2024 khởi công đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Chơn Thành…

Tại Tp. Hồ Chí Minh, UBND Thành phố đã phát động thi đua 60 ngày đêm phấn đấu thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, kiên trì với mục tiêu đạt 95% trong năm nay. Việc thi đua tập trung vào đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm thủ tục thực hiện nhanh gọn; ứng dụng có hiệu quả các mô hình, giải pháp, sáng kiến có ý nghĩa thiết thực, hiệu quả nhằm cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, quy định trong thực hiện dự án, công trình…

Tp. Hồ Chí Minh giao UBND các quận huyện, thành phố Thủ Đức chỉ đạo Ban bồi thường giải phóng mặt bằng của địa phương phối hợp với chủ đầu tư dự án quyết liệt thực hiện hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Với cơ quan chủ quản và chủ đầu tư dự án, Thành phố giao tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức rà soát, phân công lực lượng để thi đua 60 ngày đêm thực hiện hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình đồng thuận bàn giao mặt bằng triển khai thực hiện dự án đầu tư công…

Hồng Đạt (TTXVN)
Khó hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023
Khó hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023

Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, chỉ còn hơn 2 tháng là hết năm ngân sách, nhưng nguồn vốn cần giải ngân vẫn còn rất lớn. Với thực trạng này thì mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt tối thiểu 95% khó có thể hoàn thành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN