Dù cấp bách triển khai trong những tháng cuối năm, song đa số chủ đầu tư các dự án này đều xác định phải trả lại một phần vốn cho UBND tỉnh; thậm chí có dự án phải trả lại 100%. Điều đáng nói, những khó khăn trong giải ngân phần lớn đến từ yếu tố khách quan, bất đắc dĩ, cần có sự vào cuộc của UBND tỉnh và Trung ương để tìm cách tháo gỡ.
Chưa có mặt bằng
Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum là chủ đầu tư của hai dự án có tiến độ giải ngân chậm gồm: Dự án Xây dựng cầu và đường hai đầu cầu từ bến du lịch xã Ia Chim, thành phố Kon Tum (Tỉnh lộ 671) đến đường giao thông kết nối với Tỉnh lộ 675A xã Ya Ly huyện Sa Thầy, với tỷ lệ giải ngân 2% số vốn được giao năm 2023 là 45 tỷ đồng; Dự án Nâng cấp mở rộng Tỉnh lộ 671 đoạn từ Km49+500 – Km52, có tỷ lệ giải ngân 0% số vốn được giao năm 2023 là 45 tỷ đồng.
Theo ông Đàm Phúc Tuyên, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum, vướng về giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của hai dự án trên. Hiện nay, chủ đầu tư chưa được các địa phương bàn giao mặt bằng. Đối với dự án Xây dựng cầu và đường hai đầu cầu từ bến du lịch xã Ia Chim, thành phố Kon Tum (Tỉnh lộ 671) đến đường giao thông kết nối với Tỉnh lộ 675A xã Ya Ly huyện Sa Thầy, số vốn giải ngân được chủ yếu là thực hiện các hạng mục tại khu vực cầu. Trong khi đó, dự án Nâng cấp mở rộng Tỉnh lộ 671 đoạn từ Km49+500 - Km52 nhiều khả năng sẽ không thể thực hiện được trong năm 2023.
Dự kiến của Sở Giao thông vận tải là đến hết năm 2023, dự án xây dựng cầu và đường hai đầu cầu từ bến du lịch xã Ia Chim, thành phố Kon Tum (Tỉnh lộ 671) đến đường giao thông kết nối với Tỉnh lộ 675A xã Ya Ly huyện Sa Thầy sẽ giải ngân được 22% số vốn được giao năm 2023. Số vốn còn lại cùng với 100% vốn của Dự án Nâng cấp mở rộng Tỉnh lộ 671 đoạn từ Km49+500 - Km52, Sở Giao thông vận tải đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh xin trả lại vốn để bố trí cho các dự án khác, ông Đàm Phúc Tuyên cho biết thêm.
Trên thực tế, việc vướng mặt bằng không phải là nguyên nhân chủ quan đến từ chủ đầu tư, mà do các huyện, thành phố không bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án. Khi các địa phương không giao mặt bằng, chủ đầu tư không thể tiến hành đo đạc, xác định giá bồi thường để giải phóng mặt bằng theo quy định. Điều đáng nói là dù UBND tỉnh Kon Tum đã ủy quyền cho UBND các huyện, thành phố quyết định giá đất cụ thể từ cuối tháng 5/2023, song đến nay, chưa địa phương nào của tỉnh Kon Tum ban hành được giá đất. Chính điều này đã khiến các địa phương không thể bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư.
Cả hai dự án có tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương của tỉnh đều do chưa được bàn giao mặt bằng. Cá biệt, dự án Xây dựng cầu và đường hai đầu cầu từ bến du lịch xã Ia Chim, thành phố Kon Tum (Tỉnh lộ 671) đến đường giao thông kết nối với Tỉnh lộ 675A xã Ya Ly huyện Sa Thầy còn liên quan đến mặt bằng của cả hai địa phương là thành phố Kon Tum và huyện Sa Thầy.
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo nhà thầu thi công thực hiện đảm bảo nguyên vật liệu, máy móc, nhân công, khi có mặt bằng sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, cố gắng hoàn thành cả hai dự án vào cuối năm 2024 như kế hoạch đã đề ra, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum Đàm Phúc Tuyên khẳng định.
Chờ chuyển đổi mục đích đất rừng
Cùng với khó khăn về mặt bằng, khó khăn về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất có rừng hay đất quy hoạch ba loại rừng cũng là rào cản lớn đối với các chủ đầu tư.
Dự án Đường giao thông từ xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy đi huyện Kbang, tỉnh Gia Lai do UBND huyện Kon Rẫy làm chủ đầu tư có chiều dài 8 km, tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng, thực hiện trong vòng 4 năm, từ 2021 đến 2024. Trong hai năm 2021, 2022, dự án đã thực hiện được hơn 51 tỷ đồng. Năm 2023, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương giao là 25 tỷ đồng, song đến trung tuần tháng 11, dự án mới chỉ thực hiện giải ngân được hơn 2,5 tỷ đồng, đạt 10,15% so với kế hoạch vốn giao.
Ông Trần Văn Hiển, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Kon Rẫy cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc dự án này giải ngân vốn đầu tư được giao năm 2023 chậm là do phạm vi thực hiện dự án có một phần diện tích đất rừng tự nhiên bị ảnh hưởng, với tổng diện tích 13,85 ha.
Từ tháng 3/2022, UBND huyện Kon Rẫy đã tham mưu UBND tỉnh Kon Tum có hồ sơ xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án theo quy định. Đến nay, thủ tục đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
UBND huyện đã có tờ trình đề xuất UBND tỉnh điều chuyển 18 tỷ đồng trong tổng số vốn 25 tỷ đồng được giao năm 2023 từ dự án Đường giao thông từ xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy đi huyện Kbang, tỉnh Gia Lai sang các dự án khác trên địa bàn tỉnh có nhu cầu. Số vốn còn lại là 7 tỷ đồng, UBND huyện cam kết sẽ thực hiện và giải ngân hết phần vốn này, thực hiện các hạng mục thuộc gói thầu số 1 là các phần phạm vi thi công không ảnh hưởng đến diện tích đất lâm nghiệp. "Hiện, chúng tôi đã giải ngân được hơn 2,5 tỷ đồng", ông Trần Văn Hiển nói.
Trở lại với dự án Xây dựng cầu và đường hai đầu cầu từ bến du lịch xã Ia Chim, thành phố Kon Tum (Tỉnh lộ 671) đến đường giao thông kết nối với Tỉnh lộ 675A xã Ya Ly huyện Sa Thầy, không chỉ vướng về mặt bằng, dự án này còn vướng 5,2 ha quy hoạch đất ba loại rừng phía huyện Sa Thầy. Ông Đàm Phúc Tuyên, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum cho biết, hiện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum đã trình UBND tỉnh xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chuyển đổi mục đích sử dụng của diện tích này. Sau khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý, trên cơ sở thực tế của nguồn vốn hằng năm, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum sẽ chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.
Tổng thể, những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh Kon Tum là rất lớn, khiến tỉnh vẫn đang nằm trong nhóm các tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp nhất trong nhóm các tỉnh thuộc Tổ công tác số 5 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Để giải quyết vấn đề này, không chỉ cần có sự vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh mà còn cần cả sự hỗ trợ, chỉ đạo của các cấp, bộ ngành Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Khi các khó khăn, vướng mắc được giải quyết, "bức tranh" giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Kon Tum mới dần trở lên sáng lạn, đưa tỉnh thoát khỏi "vùng trũng" giải ngân.