Giá cả hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện… từ nay đến cuối năm sẽ được điều hành ra sao? Phóng viên Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, lãnh đạo EVN đã từng đưa ra thông điệp thời gian tới nếu không điều chỉnh giá, ngành điện sẽ khó khăn. Giá xăng dầu thế giới có những lúc giảm sâu mà giá bán lẻ trong nước chưa giảm. Quan điểm của Bộ Tài chính về những vấn đề này ra sao?
Tôi cho rằng, quan điểm chung là thực hiện lộ trình giá thị trường xóa dần bao cấp. EVN thua lỗ về tài chính không phải do họ kinh doanh kém mà "phần thua lỗ" đó Nhà nước cho "treo" lại chưa tính đủ để kiềm chế giá điện không tăng quá cao (nếu tính đủ của các yếu tố tỷ giá tăng, phát điện giá cao do sản lượng thủy điện giảm, khấu hao lợi nhuận... thì giá điện phải tăng 60%, nhưng vừa qua chỉ điều chỉnh 15,28% từ ngày 1/3- PV).
Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định điều hành giá điện theo giá thị trường thì ngành điện sẽ phải thực hiện cơ chế giá phát điện cạnh tranh; đối với giá bán điện thì thực hiện điều chỉnh theo biến động của các yếu tố đầu vào cơ bản như: Tỷ giá, giá than, xăng dầu; đồng thời phải phân bổ dần các chi phí chưa được tính đủ của các năm trước để cải thiện tình hình tài chính của ngành điện, thu hút đầu tư phát triển nguồn và lưới, giảm thiểu sự "méo mó" của hệ thống giá nói chung do giá điện, một loại đầu vào quan trọng của nền kinh tế đang thấp hơn giá trị thực.
Đối với xăng dầu, giá xăng dầu trên thế giới diễn biến phức tạp, vừa qua giá dầu thô có giảm ở một số phiên nhưng lại tăng ngay, giá dầu thành phẩm đứng ở mức cao (chúng ta nhập xăng dầu thành phẩm chứ không phải dầu thô, thường xăng dầu thành phẩm có bước giá cao hơn dầu thô khoảng 12 - 14 giá), tính bình quân 30 ngày thì giá cơ sở xăng dầu thành phẩm vẫn cao hơn giá bán hiện hành. Nếu so sánh mức giá thành phẩm với mức giá hiện hành thì xăng hòa vốn, các loại dầu còn lỗ chút ít (đó là mức giá không tính đủ thuế). Do đó chưa có điều kiện để giảm giá. Trong tình huống giá thế giới hạ, làm cho giá cơ sở trong nước tính bình quân 30 ngày thấp hơn giá bán hiện hành, sẽ thực hiện xử lý hài hòa giữa việc khôi phục thuế nhập khẩu ở mức độ hợp lý và việc giảm giá bán ở mức độ phù hợp.
Kết quả kiểm tra việc đăng ký giá một số mặt hàng thiết yếu của 21 doanh nghiệp vừa được Bộ Tài chính công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ông có hài lòng về kết quả này?
Thời gian qua, việc kiểm tra chấp hành pháp luật về giá không chỉ do Thanh tra của Bộ Tài chính tiến hành, mà tất cả các tỉnh đều thành lập đoàn thanh tra liên ngành để làm việc đó. Việc kiểm tra của Bộ Tài chính vừa qua là khách quan vì nêu cả những cái đúng, cái chưa đúng của doanh nghiệp để chấn chỉnh và cả những vấn đề mà các cơ quan quản lý cần phải rà soát, bổ sung sửa đổi các quy định hiện hành... Thanh tra Bộ Tài chính bước đầu lựa chọn những mặt hàng cần thanh tra là 7 mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn giá, phải đăng ký giá với Bộ Tài chính của 21 doanh nghiệp có thị phần cao. Thanh tra của các Sở Tài chính cũng đã kiểm tra nhiều doanh nghiệp thực hiện đăng ký giá với Sở. Việc kiểm tra đó đã đi vào thực chất, có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với điều kiện nhân lực hiện có.
Qua kiểm tra đã xử lý thu nộp vào ngân sách nhà nước tổng số tiền 20,789 tỷ đồng; xử lý 4 doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán không phù hợp với biến động tăng của yếu tố đầu vào. Kết quả đó được công bố công khai sẽ có tác dụng lan tỏa tích cực đến việc chấp hành pháp luật về giá nói chung trong xã hội.
Từ tháng 5 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã có phần hạ nhiệt. Ông nhận định ra sao về xu hướng giá cả thị trường từ nay đến cuối năm?
Từ tháng 5/2011, đà tăng CPI đã chậm lại với mức tăng 2,21% (tháng 4/2011 tăng 3,32%, trong khi tháng 6 chỉ tăng 1,09% so với tháng 5/2011). Từ nay đến cuối năm, áp lực lạm phát vẫn còn lớn do tình hình lạm phát ở nhiều nước tăng cao, giá thị trường thế giới vẫn không hạ nhiệt; thiên tai, dịch bệnh ở trong nước vẫn diễn biến phức tạp...
Tôi cho rằng: Không kể đến nguyên nhân sâu xa, thì nguyên nhân chủ yếu gây ra lạm phát cao trong năm nay được xác định là tổng cầu lớn hơn tổng cung (có thể hiểu đơn giản là tổng quỹ mua của xã hội lớn hơn tổng quỹ hàng hóa) thì các giải pháp đồng bộ mà Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội mà trọng tâm phải giảm mạnh tổng cầu của nền kinh tế là những giải pháp đúng. Phải kiên quyết thực hiện "không được nao núng", nhất là chính sách tài khóa thắt chặt, chính sách tiền tệ chặt chẽ, giảm mạnh nhập siêu. Bên cạnh đó thì không được để xảy ra thiếu hàng, sốt giá; thực hiện kịp thời các biện pháp bình ổn giá; kiểm soát mặt bằng giá thông qua các biện pháp kiểm soát giá độc quyền, kiểm soát các yếu tố hình thành giá, thúc đẩy cạnh tranh về giá; kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa dịch vụ chi tiêu từ nguồn ngân sách nhà nước.
Xin cảm ơn ông!
Minh Phương (thực hiện)