Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia vừa họp phiên họp quý I/2017 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng.
Cuộc họp nhằm ghi nhận kiến nghị của các chuyên gia kinh tế gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trong công tác điều hành kinh tế vĩ mô và phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ sẽ diễn ra vào đầu tháng 4/2017.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đề nghị các chuyên gia kinh tế đánh giá về các diễn biến quốc tế trong thời gian qua như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đồng USD, xu hướng bảo hộ thương mại ngày một tăng lên sẽ có tác động như thế nào tới kinh tế trong nước; đánh giá về mặt bằng lãi suất hiện nay và phân tích, dự báo về tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát ở mức Quốc hội giao.
Tại cuộc họp, các chuyên gia thống nhất nhận định, kinh tế thế giới có nhiều diễn biến mới, phức tạp; tính bất định còn lớn, khó lường và khuyến cáo Chính phủ thường xuyên cập nhật, đánh giá để phân định bản chất của các chính sách kinh tế và các động thái mang tính chất “chiến thuật”.
Đặc biệt, các thành viên Hội đồng cùng nhìn nhận việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất USD, Chính phủ Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương và giá cả các mặt hàng của thế giới tăng, tuy không tác động nhiều tới nền kinh tế của Việt Nam trong quý I/2017, nhưng sẽ là xu hướng tác động lên việc điều hành lạm phát, tỷ giá và lãi suất trong thời gian tới.
Về công tác điều hành của Chính phủ, các thành viên Hội đồng đánh giá các chính sách vĩ mô tài khóa, tiền tệ và sự phối hợp hai chính sách này từ đầu năm đã đi đúng hướng. Do đó, các áp lực từ thị trường quốc tế tới điều hành trong nước cơ bản ổn định, không gây ra biến động mạnh.
Các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ tiếp tục phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và kiên trì điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ từ đầu năm, đồng thời phản ứng kịp thời với các thay đổi chính sách từ bên ngoài.
Đối với chính sách tài khóa, các thành viên Hội đồng đề nghị Chính phủ đẩy nhanh hơn tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tiếp tục rà soát lại các quy định Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng để rỡ bỏ các rào cản trong giải ngân vốn này.
Liên quan tới chính sách tiền tệ, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phấn đấu tiếp tục giữ ổn định lãi suất, tỷ giá khi vẫn còn dư địa. Các chuyên gia đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giám sát một số hiện tượng có biểu hiện không lành mạnh trong huy động vốn như “lách” chi trả lãi suất USD qua chứng chỉ tiền gửi.
Trong kiểm soát lạm phát, các chuyên gia cho rằng lạm phát bình quân có xu hướng giảm dần, qua đó đề nghị Chính phủ tiếp tục giám sát và điều chỉnh giá dịch vụ công, trong đó lưu ý việc điều chỉnh giá điện trên tinh thần minh bạch các thông số đầu vào, tiết giảm chi phí với mức độ cao nhất, kể cả chi phí về lao động, giảm thấp nhất hao tổn điện năng, cơ cấu lại nguồn điện cho phù hợp.
Các chuyên gia cũng đề nghị Chính phủ tập trung tái cơ cấu năm lĩnh vực trọng tâm: Hệ thống ngân hàng thương mại, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại thu chi ngân sách gắn với đảm bảo an toàn nợ công và đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho xử lý nợ xấu, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên trong thời gian tới.
Đánh giá cao góp ý của các chuyên gia kinh tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước tiếp thu và hoàn thiện các báo cáo kinh tế, xã hội; bổ sung thêm các chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng để phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.