Con số hơn 11.900 doanh nghiệp thành lập mới, hơn 4.950 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 11/2021, tăng tương ứng gần 44% và hơn 15% so với tháng 10 cho thấy các gói hỗ trợ đang được nền kinh tế hấp thụ tốt.
Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động phá sản vẫn chưa dừng lại, doanh nghiệp vẫn còn vô vàn khó khăn khi vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh cho người lao động vừa duy trì sản xuất trong khi nguồn lực đã cạn kiệt do chưa được “tiếp sức” kịp thời. Hơn lúc nào hết, các gói chính sách tài khóa càng trở nên quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2021. Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu chùm bài Chính sách tài khóa trong bối cảnh dịch COVID-19 ghi nhận những thành công, bất cập cũng như đề xuất các giải pháp cho thời gian tới.
Bài 1: Cần 'bắt' trúng, đúng đối tượng
Theo các chuyên gia kinh tế, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ đã phản ứng nhanh khi đưa ra các gói hỗ trợ người dân doanh nghiệp. Nhưng việc đưa đến đích vẫn còn chậm cộng với các thủ tục chặt chẽ thiếu mềm dẻo đã khiến hiệu quả đạt được chưa như mong muốn.
Thời gian còn lại của năm 2021 không còn nhiều, trong khi đó, biến thể mới omicron xuất hiện đang có dấu hiệu lây lan sang các quốc gia trên thế giới dự báo dịch COVID-19 không dễ dàng kiểm soát. Vì vậy, ngay lúc này các gói hỗ trợ cần điều chỉnh, bổ sung để vừa trúng, vừa thiết thực giúp doanh nghiệp chạy đua sản xuất lấy lại mất mát gần 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Vượt sóng gió
Sự bùng phát của dịch COVID-19 từ giữa năm 2020 đến nay, đặc biệt là từ tháng 4/2021 với tốc độ lây lan rất nhanh, diễn biến khó lường và mức độ nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử đã tác động mạnh, sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội. Cùng với người dân cộng đồng doanh nghiệp cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh.
Sức phá hoại của dịch bệnh trong lần bùng phát dịch thứ 4 đã hiển hiện trên chỉ số tăng trưởng GDP quý III cả nước giảm tới 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý từ năm 2000 đến nay. GDP 9 tháng cả nước chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, ảnh hưởng của dịch COVID-19 lần này đã khiến 19 tỉnh, thành phía Nam - khu vực chiếm tỷ trọng GDP lớn nhất cả nước - phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài nhất từ trước đến nay gây thiệt hại không nhỏ tới kinh tế khu vực cũn như cả nước.
Cụ thể, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, trong 9 tháng năm 2021 vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 7.941 doanh nghiệp đã tạm ngừng kinh doanh và đăng ký giải thể, chiếm hơn 10% tổng số doanh nghiệp trong cả nước tạm ngừng kinh doanh, giải thể.
Riêng tỉnh Đồng Nai, một trong những tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp nhất cả nước theo báo cáo của Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh này, tính đến giữa tháng 9, có 558 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động với gần 492.000 công nhân nghỉ việc.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, nhanh chóng ban hành các chính sách, giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động, người dân.
Có thể kể tới hàng loạt văn bản đã được ban hành liên tiếp, gối đầu để kịp thời tiếp sức cho các đối tượng bị ảnh hưởng. Cụ thể, trong năm 2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 154/NQ-CP về biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành nhiều quyết định như Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do COVID-19.
Sang năm 2021, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất trong năm 2021, Nghị quyết số /NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Quyết định 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19…Ngân hàng Nhà nước cungđã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 và các Thông tư số 03/2021/TT-NHNN, Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01.
Ngay trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ngay lập tức ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 quy định chi tiết ban hành Nghị quyết này.
TS. Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đánh giá, có thể thấy phản ứng của chính sách tài khóa của Việt Nam là phản ứng nhanh. Từ khi cuộc khủng hoảng COVID-19 xảy ra trong năm 2020, Chính phủ đã tương đối uyển chuyển, linh hoạt công cụ tài khóa và tiền tệ. Bước sang năm 2021, tình hình khác hẳn, khủng hoảng y tế trở nên trầm trọng hơn nhiều so với năm 2020 dẫn đến cú sốc rất mạnh về kinh tế. Việt Nam đã có sự gia tăng chi tiêu của Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 thông qua việc các gói hỗ trợ đưa ra ngay khi đợt dịch thứ 4 bùng phát. Các gói hỗ trợ đã giúp người dân, doanh nghiệp trụ vững trong đại dịch.
Ông Hoàng Văn Thiệu, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ may xuất khẩu Xuân Lam, tỉnh Thanh Hóa cho biết, ảnh hưởng của dịch khiến hàng hóa đầu vào, đầu ra đều bị ngưng trệ, nhiều dây chuyền sản xuất phải tạm dừng hoạt động kéo theo hàng trăm lao động mất việc làm. Trong thời điểm khó khăn, công ty được Ngân hàng Chính sách xã hội Thanh Hóa chủ động đến tận nơi tuyên truyền về gói hỗ trợ của Chính phủ. Người lao động của công ty đã được hướng dẫn lập hồ sơ và công ty được vay gần 995 triệu đồng thuận lợi.
Theo PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, Học Viện Tài Chính, các gói hỗ trợ tài chính đã kịp thời giảm căng thẳng cân đối luồng tiền, chi phí và áp lực tài chính ngắn hạn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh.
Bộ Tài chính cho biết, tổng giá trị hỗ trợ về thuế năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng; trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 31,5 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, tính chung các giải pháp hỗ trợ bổ sung được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định thì tổng số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất mà Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là khoảng 1 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia các gói chính sách vẫn triển khai chậm, chưa kịp thời đến tay doanh nghiệp, người lao động và chưa có độ phủ tới các đối tượng khó khăn.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay các doanh nghiệp của ngành không còn tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”, nhưng do vẫn còn các ca F0 trong doanh nghiệp nên chi phí xét nghiệm, y tế… khá cao. Nhiều doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để có thể phục hồi tốt hơn. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành có quy mô nhỏ và vừa, không có tài sản thế chấp nên gặp rất nhiều khó khăn tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, hoạt động của doanh nghiệp du lịch trong trạng thái “đóng băng” cả một thời gian dài, doanh thu không có, trong khi vẫn phải chi trả chi phí thuê mặt bằng, lương nhân viên… Kết quả kinh doanh năm 2021 theo đó chắc chắn sẽ bị thua lỗ. Vì vậy, việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH cũng không có tác dụng cho doanh nghiệp trong ngành, trong khi đây là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong các đợt dịch bùng phát.
PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam- Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng dẫn ra những khó khăn về thủ tục nên gói hỗ trợ cho vay 16.000 tỷ đồng lãi suất 0% dành cho doanh nghiệp để trả lương cho người lao động mất việc vì COVID-19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/QĐ-TTg từ năm 2020 gần như không có được kết quả bao nhiêu. Hay gói 26.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp vay theo Nghị quyết /NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-TTg, số doanh nghiệp nộp hồ sơ vay vốn trả lương cho người lao động rất ít so với nhu cầu mà lý do bởi các điều kiện doanh nghiệp khó đáp ứng được trong điều kiện bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
TS. Cấn Văn Lực cũng đánh giá, việc triển khai gói hỗ trợ tài khóa và an sinh xã hội còn chậm, mới đạt khoảng 46% giá trị gói tài khóa và 63% gói an sinh xã hội. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do điều kiện đặt ra ban đầu chưa phù hợp, chưa rõ ràng, chưa sát thực tiễn; quy trình, thủ tục còn phức tạp, xử lý lâu khiến nhiều doanh nghiệp e ngại.
Tập trung cho khu vực xương sống của nền kinh tế
Trên cơ sở phân tích, đánh giá các gói hỗ trợ tại các nước trên thế giới, thực trạng triển khai các gói hỗ trợ tại Việt Nam trong thời gian qua, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị Chính phủ, các bộ, ngành khẩn trương, quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã ban hành.
Theo đó, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện các gói hỗ trợ đến thời điểm hiện tại và tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Chính phủ xem xét ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, với tổng giá trị bổ sung khoảng 40.000 nghìn tỷ đồng (chiếm 0,62% GDP trong năm 2020), chưa kể giá trị các gói hỗ trợ hiện tại có thể còn gia tăng khi được điều chỉnh, gia hạn.
Ngoài gói hỗ trợ hơn 20.000 tỷ đồng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua; cần tăng khả năng tiếp cận vốn hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước tăng cường cho vay tái cấp vốn, tiếp tục linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng, để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực giảm lãi suất, cung ứng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Đề xuất cụ thể hơn PGS.TS Bùi Quang Tuấn đề nghị gói hỗ trợ mới cần hỗ trợ cho doanh nghiệp năm 2021 có doanh thu dưới 200 tỷ đồng được giảm 100% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022; miễn tiền phạt chậm nộp thuế năm 2021…
Ngoài ra, ông Tuấn đề nghị cần có chính sách cắt giảm chi phí logistics, chi phí vận chuyển như đẩy mạnh kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; chú trọng ứng dụng công nghệ để giảm chi phí và giá thành vận chuyển, tiếp tục cắt giảm các loại phí, chi phí đối với các hoạt động phục vụ xuất nhập khẩu.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng, cần sớm xây dựng chiến lược, kịch bản phòng, chống dịch trong điều kiện mới và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh “bình thường mới”, cần có các động lực tăng trưởng mới, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô nhằm chủ động tận dụng cơ hội phục hồi mạnh cũng như kiểm soát rủi ro nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết bộ đang tham mưu Chính phủ thiết kế gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất khoảng 40.000 tỷ đồng để không ảnh hưởng đến nợ công và bội chi. Gói kích cầu tập trung vào chương trình trọng điểm có sức lan tỏa lớn, vào lĩnh vực hiệu quả. Nếu hỗ trợ lãi suất 4% thì có 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế, sẽ tạo việc làm, thúc đẩy sản lượng...
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, cho biết trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 đã được Bộ trình Chính phủ sẽ có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế; trong đó tập trung dành nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời đảm bảo an sinh xã hội.
Bài 2: Linh hoạt hỗ trợ nền kinh tế