Chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh mở lại, vắng người mua bán

Sáng 21/7, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã đi khảo sát, kiểm tra tình hình cung ứng các loại hàng hóa cũng như công tác phòng chống dịch tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đi kiểm tra nguồn cung hàng hóa tại các chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh. 

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã đi kiểm tra 3 chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh là chợ An Đông (quận 5), chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) và chợ Bình Thới (quận 11). Đây đều là ba chợ vừa mở bán trở lại tại TP Hồ Chí Minh sau một thời gian tạm ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp an toàn phòng dịch.

Giữ giá bình ổn cho khách hàng

Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức tại chợ thực phẩm An Đông, Quận 5, tình hình buôn bán khá ảm đạm và tại đây không còn nhộn nhịp như những ngày chưa có dịch bệnh COVID-19. Đa số các cửa hàng kinh doanh các mặt hàng không phải thiết yếu đều đã rơi vào “cảnh cửa đóng then cài”, chỉ còn một số cửa rau củ, quả, thịt bò, thịt gà… còn mở cửa phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, lượng khách hàng đến mua bán không nhiều và giá cả nhiều mặt hàng trong sáng nay cũng không tăng cao so với ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16.

Chú thích ảnh
Nhiều quầy hàng thực phẩm tại chợ An Đông cũng phải tạm ngưng mở cửa do tiểu thương đang sống trong các khu vực phong tỏa.

Chị Nguyễn Thị Kim Liên, tiểu thương bán rau củ, quả tại chợ An Đông, Quận 5, cho biết khi áp dụng Chỉ thị 16, giá một số mặt hàng có tăng nhưng đã giảm nhiều trong vài ngày qua. Trung bình mỗi loại rau củ quả đều đã giảm giá từ 5.000 -7.000 đồng/kg, tùy loại.

“Trong sáng nay, giá rau muống ở mức 30.000 đồng/ký, rẻ hơn lúc trước 5.000 đồng/kg, giá rau cải xanh có giá 25.000 đồng/kg (giảm 6.000 đồng/kg), giá khoai tây ở mức 30.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng)… Các mặt hàng rau củ giảm giá là một phần do tôi nhập hàng gần thành phố nên việc vận chuyển đi lại khá thuận tiện, không tốn thêm nhiều chi phí; thứ hai là do Ban quản lý (BQL) chợ đã vận động, yêu cầu  tiểu thương chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng bằng việc cố gắng bán giá bình ổn để người tiêu dùng có thêm điều kiện mua sắm nhiều mặt hàng thiết yếu”, chị Kim Liên cho biết thêm.

Chú thích ảnh
Chị Huỳnh Thị Bích Thủy, tiểu thương bán thịt bò tại chợ thực phẩm An Đông cho biết, giá các mặt hàng thịt bò có tăng so với trước khi có dịch bệnh nhưng khách hàng cũng thông cảm. 

Tương tự, chị Huỳnh Thị Bích Thủy, tiểu thương bán thịt bò tại chợ thực phẩm An Đông cho biết,  sở dĩ các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng giá là do khâu vận chuyển từ các tỉnh, thành về TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn. Hiện nay, giá thịt bò đã cao hơn lúc bình thường khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg tùy loại. Cụ thể, giá thịt bò (làm món bít tết) dao động 350.000 đồng/kg, thịt nạc bò giá khoảng 300 ngàn đồng/kg, thịt đùi bò giá 320 ngàn đồng/kg… Tuy nhiên, khách hàng đã mua quen sản phẩm và khi bán chị Thủy cũng giải thích rõ ràng nên khách hàng vẫn vui vẻ  mua hàng.

Báo cáo về tình hình kinh doanh tại chợ thực phẩm An Đông, chị Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó BQL chợ thực phẩm An Đông cho biết, trước kia chợ An Đông có khoảng 160- 180 sạp kinh doanh hoạt động, tuy nhiên vì dịch bệnh nên các sạp hàng này đều phải đóng cửa. Đến ngày 17/7, chợ bắt đầu mở cửa trở lại nhưng chỉ có khoảng 15-20 sạp mở cửa buôn bán với các mặt hàng thiết yếu như: rau xanh, củ, quả, thịt bò, thịt gà… Nguyên nhân khiến nhiều sạp hàng không thể mở cửa trở lại là do tiểu tương ở tỉnh lân cận vướng phải Chỉ thị 16, không thể di chuyển đến chợ; thứ hai là do tiểu thương ở các khu phong tỏa, cách ly cũng tạm ngừng bán hàng; thứ ba là do một số tiểu thương lấy hàng chợ đầu mối Bình Điền và hiện nay, nơi này chưa mở cửa nên tiểu thương không có hàng để bán. 

Chú thích ảnh
Tại chợ thực phẩm An Đông chỉ có khoảng 15 -20 sạp hàng thực phẩm thiết yếu đang hoạt động. 

 Theo chị Hà, mặc dù đã mở bán được 5 ngày nhưng sức mua tại chợ không cao, giá các mặt hàng cũng đang được giữ bình ổn. Nguyên nhân trước tình hình dịch bệnh căng thẳng và chi tiêu của người dân đang khó khăn, BQL đã vận động tiểu thương giữ giá bình ổn để chia sẻ với người tiêu dùng.  Rất may, nhiều tiểu thương trong chợ cũng đồng cảm, chia sẻ nên đa số các mặt hàng trong chợ đều không tăng giá cao, thậm chí có một số mặt hàng đồ khô được tiểu thương bán giảm giá cho khách hàng. Đối với một số mặt hàng tăng giá, BQL và tiểu thương cũng thống nhất lý do giải thích rõ với khách hàng nên cũng nhận được sự đồng thuận của người mua. Đối với các tiểu thương gặp khó khăn vì dịch bệnh, BQL cũng lập danh sách để một số tiểu thương được hưởng gói hỗ trợ an sinh thứ hai của TP Hồ Chí Minh nên các tiểu thương cũng yên tâm kinh doanh, không tăng giá bán trong mùa dịch.

Đảm bảo quy định phòng dịch

Sau khi đi kiểm tra tại chợ thực phẩm An Đông (Quận 5), ông Đỗ Thắng Hải và đoàn kiểm tra tiếp tục di chuyển đến chợ Nguyễn Tri Phương (Quận 10) và chợ Bình Thới (Quận 11). Theo ghi nhận của phóng viên, các mặt hàng thực phẩm tại các chợ này được bày bán khá phong phú, tất cả tiểu thương bán hàng trong chợ cũng được thực hiện ngồi giãn cách, đeo khẩu trang để tuân thủ quy định phòng dịch… Người dân đi mua hàng cũng tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch như sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và mọi giao dịch mua bán cũng diễn ra nhanh chóng hơn, tránh tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc quá lâu...

Chú thích ảnh
Người dân đi chợ Bình Thới, Quận 11 phải đi từ sớm vì chợ bắt đầu mở cửa từ 4 giờ sáng. 

Ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng BQL chợ Bình Thới (Quận 11) cho biết, ngày 30/6, chợ phải tạm đóng cửa vì có ca nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, sau khi đảm bảo quy định phòng dịch, ngày 9/7 chợ được mở cửa trở lại với 297 tiểu thương kinh doanh ngành hàng thực phẩm. Nhằm đảm bảo công tác phòng dịch, BQL chợ cũng đã sắp xếp luân phiên mỗi ngày có khoảng 85 tiểu thương được bán hàng theo các ngày chẵn lẻ và người dân đi chợ tại đây cũng được phát phiếu đi chợ theo ngày chẵn và ngày lẻ.

"Để có thể kinh doanh trở lại, tất cả tiểu thương đều phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính, đã được tiêm ngừa COVID-19 và thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt trong những ngày ra vào chợ. Trung bình 5 ngày 1 lần, lực lượng y tế Quận 11 sẽ đến lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên đối với thành viên BQL chợ và tiểu thương", ông Nguyễn Bá Tùng nói.

Chú thích ảnh
Hàng hóa ra, vào chợ Bình Thới được phân luồng rõ ràng để đảm bảo an toàn phòng dịch.

 Theo ông Tùng, đối với giá cả, trong những ngày gần đây giá các mặt hàng có biến động tăng nhẹ. Nguyên do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, việc vận chuyển hàng hóa về chợ cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, chợ hoạt động từ 4 - 11 giờ mỗi ngày, khách đi chợ được kiểm soát theo hình thức phát phiếu và mỗi đợt chỉ có tối đa 100 người vào mua sắm. Tính từ ngày 9/7 đến nay, đã có khoảng 4.000 lượt khách mua thực phẩm tươi sống, hàng thiết yếu tại chợ”, ông Tùng cho biết thêm.

Sau khi đi kiểm tra tại các chợ truyền thống trên, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ Trưởng Bộ Công thương  cho biết, cơ bản các chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19; nguồn cung các mặt hàng thực phẩm đã dồi dào trở lại, giá cả cũng không tăng cao đột biến so với những ngày trước đó. Tuy nhiên, để giữ vững hiệu quả, ông Hải đã yêu cầu BQL các chợ chú ý tăng cường nhắc nhở tiểu thương, bà con mua sắm thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch để cùng chung tay thực hiện “mục tiêu kép”, đẩy lùi dịch COVID-19, đưa thành phố sớm trở lại trạng thái bình thường.

Chú thích ảnh
Hiện nay, nguồn cung thực phẩm thiết yếu tại các chợ truyền thống ở TP Hồ Chí Minh đã tăng cao so với những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Theo ông Đỗ Thắng Hải, hiện TP Hồ Chí Minh đã mở lại một số chợ truyền thống với các điều kiện đảm bảo công tác phòng chống dịch. Thế nhưng, các đơn vị, ban ngành vẫn phải duy trì việc kiểm tra phòng dịch để đảm bảo cả tiểu thương, người tiêu dùng đều cảm thấy an tâm khi mua sắm hàng hóa thiết yếu. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh cần kiểm tra đảm bảo nguồn cung ứng đầy đủ các hàng hóa thiết yếu, thực phẩm tươi sống để phục vụ đời sống hàng ngày của người dân trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ.

“Hiện nay, tình hình hàng hóa sẽ thay đổi từng giờ nên TP Hồ Chí Minh cần phải xác định tính chất thời điểm khác, rất khác so với bình thường để có những giải pháp cụ thể để mở lại chợ, càng nhiều càng tốt, kể cả chợ đầu mối nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân nhưng vẫn phải đảm bảo quy định phòng dịch. Ngoài ra, việc lưu thông hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vẫn còn gặp khó khăn do một số địa phương áp dụng không đồng nhất, không theo quy định dù các bộ ngành đã có hướng dẫn về việc tạo điều kiện vận chuyển hàng giữa các tỉnh, thành với TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Vì vậy, sắp tới Bộ sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhất là địa phương để sớm nhất tháo gỡ công tác vận chuyển hàng hóa. Việc đảm bảo hàng hóa này không chỉ cho TP Hồ Chí Minh mà còn cho cả 18 tỉnh, thành còn lại của phía Nam đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16", ông Đỗ Thắng Hải nói.

Chú thích ảnh

 

Bài, ảnh, clip: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh tiếp nhận nghĩa tình từ quê Bác
TP Hồ Chí Minh tiếp nhận nghĩa tình từ quê Bác

Sáng 21/7, tại cảng Bến Nghé (TP Hồ Chí Minh), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố tổ chức lễ tiếp nhận hơn 290 tấn lương thực, thực phẩm trị giá trên 6,7 tỷ đồng do Tỉnh ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An hỗ trợ nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phòng, chống COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN