Đây là ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo tập hợp ý kiến doanh nghiệp và rà soát thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 20/12.
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cho rằng, với nỗ lực của Chính phủ và sự phản biện quyết liệt của cộng đồng doanh nghiệp, trong vài năm trở lại đây, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã có chuyển biến khá tốt nhưng đây vẫn là vấn đề nổi cộm, nhức nhối đối với các doanh nghiệp.
Cụ thể, thời gian thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn còn kéo dài, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đưa nguyên vật liệu vào sản xuất và giao hàng tới đối tác. Điều đó kéo theo việc gia tăng chi phí, ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và tác động tiêu cực lên môi trường kinh doanh.
Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp và thống kê chưa đầy đủ đã có tới hơn 800 văn bản quy phạm pháp luật, 365 thủ tục, hơn 300 biện pháp kiểm tra, kiểm soát liên quan tới quản lý chuyên ngành; trong đó, có nhiều mặt hàng phải thực hiện nhiều yêu cầu kiểm tra chuyên ngành khác nhau, do nhiều bộ, ngành khác nhau quản lý.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM cho biết, cải cách kiểm tra chuyên ngành là một trong những mục tiêu trọng tâm của Chính phủ trong 5 năm gần đây, thông qua Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được điều chỉnh, ban hành từng năm; quyết định 2026/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành khác.
Nhờ đó, những cải cách về thủ tục hải quan và quản lý chuyên ngành đã có chuyển biến, nhưng kết quả đạt được chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, các địa phương khác nhau. Thời gian và chi phí thực hiện kiểm tra chuyên ngành để thông quan vẫn còn cao.
Trong khi một số bộ, ngành như Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế đã có những cải cách tích cực trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành thì ở một số bộ, ngành khác chưa có sự chuyển biến nào cụ thể. Số lượng mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành quá lớn với khoảng 78.000 nhóm/mặt hàng khác nhau, có xu hướng mở rộng hơn so với quy định của luật. Nhiều mặt hàng chịu sự kiểm tra chồng chéo giữa các bộ hoặc giữa các đơn vị trong một bộ. Tình trạng này đã được doanh nghiệp phản ánh nhiều lần, nhiều nơi nhưng chưa được giải quyết.
Đại diện Hội Xuất nhập tỉnh Đồng Nai cũng chỉ ra nhiều bất cập trong cải cách thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, nhiều thủ tục hành chính đã được điện tử hóa nhằm rút ngắn thời gian, chi phí cho doanh nghiệp nhưng vẫn phải nộp chứng từ gốc cho hải quan mới được thông quan. Như vậy điện tử hóa chỉ là hình thức và không còn ý nghĩa với các doanh nghiệp. Chưa kể, việc giám sát hoạt động của các trung tâm giám định, kiểm định chưa được quan tâm dễ khiến nảy sinh các vấn đề tiêu cực trong quá trình giám định, kiểm định…
Ông Trần Ngọc Liêm cho rằng, một khi vẫn tồn tại lợi ích của các bộ, ngành trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành thì khi đó hoạt động rà soát, cắt giảm thủ tục, quy định kiểm tra chuyên ngành khó có thể cải cách triệt để. Việc kết nối theo kiểu nửa vời, không chia sẻ thông tin giữa các bộ ngành khiến doanh nghiệp phải đi lại nhiều, vừa tốn thời gian vừa phát sinh thêm chi phí. Do đó, phải điện tử hóa, ứng dụng công nghệ thông tin một cách đồng bộ trong kiểm tra chuyên ngành, kết nối với cổng thông tin điện tử quốc gia.
Việc rà soát, lại các văn bản, thủ tục cũng như quy trình thực hiện kiểm tra chuyên ngành cần có lộ trình rõ ràng, cụ thể nhằm loại bỏ các thủ tục kiểm tra chuyên ngành không cần thiết ở từng cơ quan, từng lĩnh vực cụ thể. Song song đó phải cải cách hoạt động kiểm tra theo hướng nâng cao tính khả thi và hiệu quả thực tế cho doanh nghiệp.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, muốn cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành cần phải chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng phương thức quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân. Muốn thực hiện được điều đó, cần loại trừ lợi ích của các bộ, ngành trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể là nên xã hội hóa các trung tâm kiểm định, giám định, cấp giấy chứng nhận…để đảm bảo sự khách quan. Thêm vào đó, cần phải nâng cao năng lực nhận biết, đánh giá mức độ rủi ro cho đội ngũ nhân lực thực hiện hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Việt Nam cần có cơ chế chủ động công nhận chất lượng của các nhãn hiệu, các nhà sản xuất nổi tiếng, hàng hóa được sản xuất tại các nước, khu vực có tiêu chuẩn chất lượng cao hơn; đồng thời, phải điện tử hóa một cách thống nhất giữa các bộ, ngành quản lý với cổng thông tin một cửa quốc gia, xóa bỏ tình trạng cải cách, điện tử hóa nhưng vẫn yêu cầu hồ sơ giấy.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hồ Chí Minh đề xuất, cần xem xét, đánh giá một cách nghiêm túc sự cần thiết của các thủ tục kiểm tra chuyên ngành để có cải cách mang tính đột phá. Không nên để tình trạng ngành nào, bộ nào cũng tham gia, ban hành và thực hiện kiểm tra chuyên ngành mà nên mạnh dạn thực hiện quy trình ngược lại là tạm thời xóa bỏ các thủ tục kiểm tra chuyên ngành (trừ các thủ tục nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn thực phẩm..).
Sau đó bộ, ngành nào đề xuất kiểm tra thì phải chứng minh sự cần thiết của thủ tục đó. Chính phủ cũng cần tập hợp các thủ tục/yêu cầu kiểm tra chuyên ngành vào một nghị định duy nhất, tránh việc ban hành văn bản chồng chéo giữa các bộ, ngành.
Theo ông Nguyễn Đình Tuệ, quan trọng nhất là cần thay đổi tư duy, cách làm trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành, thay vì các doanh nghiệp phải chạy tới, chạy lui xin cấp chứng nhận này, chứng nhận kia thì các cơ quan quản lý nên có mặt các địa điểm nhất định như cảng, cửa khẩu để thực hiện chức năng kiểm soát của mình. Chỉ khi nào hoạt động kiểm tra chuyên ngành thoát ra khỏi cơ chế “xin - cho” thì mới có thể đáp ứng được mục tiêu đảm bảo công tác quản lý nhà nước mà vận tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển.