Việc xác định được những thị trường và mặt hàng có rủi ro cao từ tình trạng này sẽ giúp các ngành chức năng đưa ra những biện pháp xử lý chính xác và hiệu quả. Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN về hành lang pháp lý để tránh những tác động trực tiếp đến sản phẩm, giảm uy tín cũng như tính cạnh tranh của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTG ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”. Xin Thứ trưởng cho biết những yêu cầu đặt ra trong Đề án này đối với ngành Công thương?
Đề án 824 về “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” đã đặt ra 3 yêu cầu lớn cho các Bộ, ngành; trong đó, có Bộ Công Thương. Theo đó, các cơ quan cần tiếp tục nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc tham gia các FTA thế hệ mới, bảo đảm thực hiện nghiêm túc các cam kết trong khuôn khổ WTO và các FTA.
Mặt khác, các Bộ, ngành phải ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ để hưởng ưu đãi bất hợp pháp hoặc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài, giúp phát triển bền vững hoạt động xuất khẩu. Đặc biệt, Đề án đặt ra yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế; trong đó có quyền và lợi ích của các doanh nghiệp chân chính Việt Nam.
Có một thực tế là càng tham gia nhiều FTA thì tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa, hàng hóa nước ngoài “đội lốt” Việt Nam diễn ra ngày càng nhiều. Thứ trưởng nhận định thế nào về vấn đề này?
Không phải tham gia các FTA là dẫn đến tình trạng gian lận xuất xứ. Bằng chứng là Việt Nam đã tham gia FTA với các nước ASEAN hơn 20 năm, với Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác hơn 10 năm, nhưng hầu như không xảy ra tình trạng gian lận xuất xứ trong xuất khẩu vào các thị trường này.
Theo tôi, gian lận xuất xứ thường chỉ xảy ra khi lợi ích bất chính mà nó đem lại đủ lớn. Chẳng hạn như gian lận xuất xứ chênh lệch thuế nhập khẩu giữa hàng có xuất xứ Việt Nam và hàng có xuất xứ nước khác là rất lớn hoặc mức chênh lệch thuế tuy nhỏ, nhưng dung lượng thị trường nhập khẩu rất lớn nên lợi ích bất chính đủ lớn để xuất hiện động cơ gian lận.
Nhận thức được điều này sẽ giúp chúng ta xác định được những thị trường và mặt hàng có rủi ro cao. Từ đó, đưa ra những biện pháp xử lý chính xác và hiệu quả, không bị rơi vào tình trạng "rối như canh hẹ", nhìn đâu cũng thấy "lẩn tránh" dẫn đến phí sức mà hiệu quả không được bao nhiêu.
Phóng viên: Nhìn vào một số mặt hàng có sự tăng trưởng xuất khẩu bất thường kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung xảy ra như mặt hàng sản phẩm gỗ, có thể thấy tình trạng gian lận xuất xứ không còn là nguy cơ nữa. Thứ trưởng nhìn nhận vấn đề này ra sao?
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Tăng trưởng xuất khẩu đột biến là dấu hiệu quan trọng đầu tiên cần xét đến khi đánh giá có hay không có hiện tượng gian lận xuất xứ. Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu đột biến có thể xuất hiện vì nhiều nguyên nhân như năng lực sản xuất tăng hoặc công suất dư thừa được tận dụng hết.
Chính vì vậy, không nên chỉ nhìn vào xuất khẩu tăng trưởng đột biến rồi quy kết ngay là có "gian lận" mà hãy để kết luận đó cho các cơ quan chức năng.
Đề án 824 chủ yếu để chống gian lận xuất xứ đối với hàng xuất khẩu, còn đối với hàng hóa tiêu thụ tại thị trường nội địa thì tình trạng gian lận xuất xứ, hàng hóa nước ngoài đội lốt “Made in Vietnam” cũng không ít. Với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước, xin Thứ trưởng cho biết Bộ Công Thương sẽ có giải pháp gì để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng?
Sau khi trao đổi với các Bộ, ngành và được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.
Dự thảo Thông tư đã được đăng tải để lấy ý kiến người dân và doanh nghiệp. Nếu được ban hành, đây sẽ là công cụ giúp phân định như thế nào là hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.
Thứ trưởng có thể lý giải nguyên nhân vì sao đến nay Bộ Công Thương mới đưa ra quy định về cách xác định thế nào là hàng sản xuất tại Việt Nam?
Trên thực tế, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản quy định như thế nào thì một sản phẩm, hàng hóa được coi là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hay nói cách khác là có xuất xứ Việt Nam.
Tuy nhiên, các quy định này chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu, giúp hàng hóa của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế khi đi vào các thị trường nước ngoài hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương.
Với hàng hóa sản xuất và sau đó lưu thông trong nước, việc ghi nước xuất xứ được thực hiện theo Nghị định số 43/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Đây là lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ, không phải của Bộ Công Thương. Dù vậy, trước một số bất cập phát sinh từ nguyên tắc tự xác định và tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa, Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ nghiên cứu, xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật về việc như thế nào thì một sản phẩm, hàng hóa được coi là "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam".
Trong quá trình trao đổi cũng có ý kiến cho rằng, đây không phải là việc của Bộ Công Thương mà là việc của nhiều Bộ, ngành. Chẳng hạn như nên giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định như thế nào là nông sản Việt Nam. Tương tự, nên giao các Bộ Thông tin Truyền thông và Khoa học Công nghệ quy định thế nào là sản phẩm công nghệ Việt Nam, Bộ Xây dựng quy định thế nào là vật liệu xây dựng Việt Nam...
Sau khi trao đổi, làm rõ, trên cơ sở ý kiến thống nhất của một số Bộ, ngành có liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng văn bản này. Vì vậy, Bộ Công Thương ngay lập tức triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Xin Thứ trưởng cho biết thời gian tới Bộ Công Thương có giải pháp nào và phối hợp với các Bộ, ngành ra sao để triển khai hiệu quả Đề án 824 về “Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”?
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án 824, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chủ trì họp với các đơn vị liên quan để thảo luận, thống nhất các biện pháp triển khai cụ thể; đồng thời ban hành kế hoạch hành động của Bộ Công Thương triển khai Đề án này.
Bên cạnh đó, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thành lập Tổ công tác liên ngành về phòng chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ cùng kế hoạch triển khai chi tiết.
Đáng lưu ý, mới đây Bộ Công Thương đã xây dựng Danh sách hàng hóa cảnh báo sớm theo Đề án 824 gồm: 13 mặt hàng xuất khẩu sang 3 thị trường Hoa Kỳ, EU và Canada để gửi các Bộ, ngành liên quan và các địa phương nhằm triển khai các nhiệm vụ cụ thể mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra trong Đề án.
Hơn nữa, việc ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận xuất xứ đòi hỏi sự tham gia đồng bộ của nhiều Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính và cộng đồng doanh nghiệp.
Do đó, nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Công Thương đang triển khai là thiết lập cơ chế phối hợp; trong đó, phân định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các Bộ, ngành, đơn vị liên quan để đảm bảo triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả Đề án. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát đối với các nhóm hàng có rủi ro cao.
Ngoài ra, trao đổi với các cơ quan hữu quan của Hoa Kỳ, EU… về các chương trình hợp tác, chia sẻ thông tin cũng như đề xuất các biện pháp, cơ chế nhằm phát hiện, ngăn chặn hiệu quả các hành vi gian lận xuất xứ.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!