Xung quanh vấn đề này, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã có những chia sẻ về giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, khơi dậy nguồn lực, chống lãng phí…, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đại biểu Nguyễn Hữu Huân (Đoàn Bình Dương): Doanh nghiệp nhà nước dẫn đường
Giai đoạn chuẩn bị vươn mình bước vào kỷ nguyên mới, Việt Nam vẫn đang có mức thu nhập ở mức trung bình thấp, do đó, cần dựa vào các doanh nghiệp “đầu đàn” của nhà nước, tăng thu nhập bình quân đầu người.
Công cụ để phá vỡ “bẫy” thu nhập trung bình là vận dụng tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển, năng lực hiện có; đào tạo lao động, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Điều này không thể chỉ dựa vào các doanh nghiệp tư nhân, vì có tới 95% doanh nghiệp loại này ở mức nhỏ và vừa sẽ không thể tạo ra các đột phá. Do đó, cần đến các doanh nghiệp nhà nước “đầu đàn”. Cùng với đó, cần giữ tăng trưởng kinh tế tối thiểu 7%/năm liên tục để đến năm 2045, Việt Nam sẽ “bước chân” vào nước thu nhập cao.
Trong giai đoạn hiện nay, để bước vào kỷ nguyên vươn mình, doanh nghiệp nhà nước sẽ đóng vai trò rất quan trọng tạo ra bước đột phá, khơi thông, dẫn đường ngay từ đầu. Tiếp theo đó, các ngành chức năng xây dựng chính sách cho các doanh nghiệp khác cùng phát triển.
Hiện nay, nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp nhà nước là rất lớn vì vậy, cần tận dụng nguồn vốn này. Nguồn vốn này nếu được khai thông, sử dụng hiệu quả sẽ tránh thiệt hại, lãng phí.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Hoàn thiện hệ thống pháp luật
Đảng, Quốc hội, Chính phủ quyết tâm tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, tạo ra bước phát triển mới. Để làm được việc đó, cần cải cách mạnh về thể chế, tạo ra môi trường pháp lý, tạo cơ hội chứ không phải chỉ là tháo gỡ. Bên cạnh hành động của Chính phủ trong thực thi chính sách, cũng cần sự chung tay của chính những doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng phải có chiến lược trong việc đầu tư để tạo lập doanh nghiệp trong nước trở thành doanh nghiệp trụ cột. Cùng với đó, một yếu tố rất quan trọng để đất nước muốn vươn mình đó chính là con người. Bởi, con người là động lực quan trọng và cần phải huy động tối đa năng lực, sức mạnh người lao động.
Nguồn lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng đến từ con người và phải được khơi thông. Nếu không có đổi mới sáng tạo, không có đổi mới về khoa học công nghệ, không có người lao động đủ khả năng thì đất nước khó có thể vươn mình. Con người Việt Nam phải thay đổi, phải trở thành người làm chủ trong chuỗi giá trị, mới tạo ra được giá trị tăng cao.
Để nguồn lực con người có thể phát huy, cần có cơ chế để tháo gỡ chính những người quản lý; phải bảo vệ, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm đổi mới cơ chế. Nếu không phát huy được khả năng dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo, đổi mới của người quản lý sẽ không có được cơ chế mới và từ đó không thể có được sự bứt phá.
Nhìn lại lịch sử, mỗi lần đất nước đổi mới, bứt phá đều là do sự thay đổi về cơ chế. Điển hình như khoán 10 trong nông nghiệp, thay đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Do đó, cần chủ động tạo ra cơ chế mới để cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm và phải có cơ chế để bảo vệ, ghi nhận, đánh giá kết quả đạt được.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn Phú Thọ): Sử dụng tiết kiệm nguồn lực đất đai
Hiện nay, việc khai thác và sử dụng nguồn lực đất đai vẫn chưa theo kịp nhu cầu, tiềm năng và cơ hội của đời sống kinh tế - xã hội. Điều này đặt ra vấn đề lớn trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trong đó, có sự chuyển biến chậm ở một số ngành, lĩnh vực trong việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp; sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất, tài sản công của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn các địa phương.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã có những chỉ đạo, yêu cầu cụ thể trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của những người đứng đầu đối với diện tích đất bỏ hoang, sử dụng sai mục đích, đất nông, lâm nghiệp được thu hồi. Tuy nhiên, chưa có phương án để đấu tranh chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thực tế là có địa phương rất tích cực, chủ động đề xuất, triển khai các dự án để phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt với các quỹ đất trên nhưng lại gặp rất nhiều rào cản, trở lực dẫn đến chưa thể khai thác tối ưu hiệu quả nguồn lực đất đai.
Việc để "đất khóc, người than" có nhiều nguyên nhân; trong đó có sự “lùng nhùng”, vướng mắc trong việc phân định phạm vi, trình tự giữa việc sắp xếp, xử lý tài sản công với việc thu hồi đất.
Trên cơ sở những quy định của pháp luật mới, với quan điểm phát triển bám sát thực tiễn, tránh tư duy pháp lý thuần túy trong điều kiện hệ thống pháp luật còn chưa đồng bộ, tôi đề nghị các bộ, ngành tiếp tục xem xét giải quyết, tạo điều kiện nhanh nhất cho các địa phương thuận lợi khai thác các quỹ đất trong phạm vi chỉ tiêu đã được phân bổ. Cùng đó, sớm chuyển giao các cơ sở nhà đất do bộ, ngành đang quản lý nhưng không có nhu cầu sử dụng về địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những vị trí đã hoang hóa hàng chục năm.