Bà Phạm Thị Đào, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, cho biết, sau Tết, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã dần phát triển ổn định. Hiện tổng đàn gia cầm của Hải Dương ước đạt 13 triệu con, tăng 8,33% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, đàn gà ước đạt 10 triệu con.
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm H5N1 và H5N6 tại một số tỉnh, thành phố và nguy cơ lây lan dịch bệnh ra diện rộng, tỉnh Hải Dương đã sớm triển khai các biện pháp để phòng, chống.
Theo đó, tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh các loại cúm gia cầm, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan diện rộng. Đồng thời, phối hợp các sở, ngành tăng cường kiểm tra, kiểm dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lưu thông trên thị trường các loại gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm chưa qua kiểm dịch.
Sở Công Thương được chỉ đạo, tăng cường kiểm tra việc kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm, quản lý thị trường, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm, xử nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, đặc biệt là tại các chợ đầu mối.
Công an tỉnh Hải Dương chỉ đạo các đơn vị điều tra ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Sở Y tế tăng cường giám sát các trường hợp nghi nhiễm cúm A/H5N1 và các loại cúm gia cầm khác trên người, tăng cường giám sát tại cộng đồng, phát hiện sớm trường hợp mắc trên người, cách ly, khoanh vùng và xử lý triệt để, không để dịch lây lan; đồng thời khuyến cáo người dân các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm lây từ gia cầm sang người.
Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường truyền thông để người dân nhận biết sự nguy hiểm của vi rút cúm gia cầm, các biện pháp phòng chống; sử dụng gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, có kiểm dịch, không ăn thịt gia cầm ốm, không vứt xác gia cầm bừa bãi, bán chạy gia cầm bệnh; vận động người dân nuôi nhốt gia cầm tiêm phòng đầy đủ, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại...
Song song với đó, tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm, kiên quyết xử lý tiêu hủy gia cầm và sản phẩm gia cầm không có giấy kiểm dịch. Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn nếu để xảy ra dịch cúm sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố.
Các huyện, thị xã, thành phố vận động các tổ chức, đoàn thể tại địa phương giám sát dịch bệnh; rà soát đàn gia cầm, khẩn trương triển khai tiêm phòng bổ sung cho số gia cầm chưa tiêm vắc xin; tổ chức tiêu độc, khử trùng môi trường thường xuyên tại các nơi có nguy cơ cao.
Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đã ban hành Kế hoạch “Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường để phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm” trên địa bàn tỉnh từ ngày 10/2 - 10/3/2020. Cụ thể, việc tiêu độc khử trùng được thực hiện tại nhiều địa điểm như: cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm; cơ sở ấp nở trứng gia cầm; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; điểm tập kết, cửa hàng, chợ buôn bán gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm, nơi có ổ dịch cũ, hố chôn gia cầm bệnh…
Chi cục Thú y tỉnh cũng đã cử cán bộ kỹ thuật giám sát, đôn đốc việc thực hiện Tháng tiêu độc khử trùng; mặt khác, cấp phát hóa chất cho các địa phương.
Ông Lê Văn Tùng, Trưởng phòng Dịch tễ, Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương cho biết, Chi cục Thú y đã cấp phát 5.800 lít hóa chất khử trùng cho các địa phương. Riêng các trại chăn nuôi lợn tập trung, công ty chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung sẽ chủ động lo vật tư hóa chất, kinh phí và triển khai dưới sự giám sát của chính quyền và cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.