Đã xuất hiện những quan ngại khi tăng trưởng xuất khẩu giảm dần qua các tháng. Đầu tư nước ngoài cũng giảm và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là thủy sản cũng gặp một số trở ngại mới ở các thị trường lớn.
Bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã ghi nhận một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội bình luận và đánh giá về những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời gợi mở một số giải pháp định hướng giúp cho doanh nghiệp có thể thích ứng với tình hình này.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Đoàn Thái Bình): Những biện pháp bảo hộ, trả đũa qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư của Việt Nam theo những chiều hướng rất khác nhau, đặc biệt trong lâu dài.
Theo ông Lộc, hàng hóa Trung Quốc khó vào thị trường Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác. Việt Nam đứng trước nguy cơ nhập siêu lớn hơn từ Trung Quốc, kéo theo cạnh tranh trên thị trường nội địa có thể sẽ phức tạp hơn. Thêm vào đó, một phần hàng hóa lẽ ra buộc phải tiêu dùng trong nội địa Trung Quốc sẽ được xuất khẩu sang Việt Nam, trong khi, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này có thể sẽ khó khăn hơn.
Việc Mỹ gia tăng biện pháp thuế chống bán phá giá với cá tra, cá basa, thực thi các biện pháp kiểm soát chất lượng, quy trình sản xuất thủy sản nhập khẩu; EU áp dụng "thẻ vàng" IUU, kiểm tra với tần suất 100% các lô hàng đối với thủy sản Việt Nam... sẽ là áp lực lớn đối với ngành hàng này trong thời gian tới. Với mặt hàng nhôm, thép cũng sẽ có những biến động.
Do đó, với các doanh nghiệp Việt Nam, việc có thể làm và cũng cần thiết phải làm là nên tập trung vào hai hướng. Một là quan sát chặt chẽ động thái từ các thị trường, từ các quyết định cấp vĩ mô của các Chính phủ, các diễn biến ở thị trường quan trọng như tài chính, thị trường mua bán hàng hóa tương lai đến các quyết định trực tiếp của các đối tác hiện tại và tiềm năng.
Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động tính toán những biện pháp thích hợp để tận dụng cơ hội hoặc tránh bị thiệt hại ở mức có thể.
Hai là doanh nghiệp tận dụng triệt để những hiệp định thương mại tự do đang hoặc sẽ có hiệu lực. Đây là những con đường ưu tiên, ổn định và rất có hiệu quả cho doanh nghiệp trong tiếp cận các thị trường, ông Lộc nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Đoàn Quảng Trị): Liên quan tới việc chuyển dịch nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc về Việt Nam đã lên tới hàng tỷ đô la Mỹ như nhiều kênh thông tin đại chúng đưa tin thì hiện nay chủ yếu các nguồn này đều đổ về lĩnh vực chế biến, chế tạo.
Tuy nhiên, lưu ý là trong 7 tỷ USD thu hút đầu tư được trong giai đoạn vừa rồi, có 3,8 tỷ USD là của Tổng công ty Bia- Rượu - Nước giải khát Sài Goàn (Sabeco) do 1 doanh nghiệp Thái Lan góp vốn vào. Vì họ có thành lập 1 doanh nghiệp tại Hồng Kông (Trung Quốc) nên tư cách pháp nhân ấy khiến nguồn FDI từ Trung Quốc tăng vọt lên là vì lý do này. Về mặt bản chất thì tiền đó là khoản tiền từ Thái Lan đổ vào Việt Nam.
Theo phân tích của ông Dũng, thực tế, sự chuyển dịch đầu tư là chuyện bình thường, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại toàn cầu đang diễn ra căng thẳng như hiện nay. Đương nhiên, vì lợi ích của mình nên các doanh nghiệp nước ngoài phải tính toán rút vốn và chuyển hướng đầu tư tới những nơi an toàn hơn để tránh tác động và thiệt hại cũng là điều dễ hiểu. Đó cũng có thể là cơ hội tốt cho Việt Nam nhưng không thể thiếu sự thận trọng nhất định.
Ông Dũng cho biết thêm, Bộ Kế hoạch Đầu tư đang trình Chính phủ đề án định hướng thu hút vốn đầu tư sau 30 năm thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài. Theo đó, thời gian tới sẽ tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài theo hướng có chọn lọc hơn vào các dự án về công nghệ đem lại giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, chi phí ít nguyên liệu đầu vào... để đưa ra 1 thông điệp với quốc tế rằng, Việt Nam sẽ thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc.