Chủ tịch Hội tư vấn thuế nói về áp lực của cán bộ trong việc hoàn thuế

Cơ quan Thuế vẫn tiếp tục rà soát các vướng mắc về chính sách liên quan để đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng, gỡ khó cho doanh nghiệp nhưng cũng phải kiểm soát để chống thất thu ngân sách. Phía cán bộ thuế cũng chia sẻ, họ luôn phải đối diện với nhiều áp lực, nếu làm sai. Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) đã trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề này.

Chú thích ảnh
 Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA).

Thưa bà, mặc dù ngành Thuế đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) nhưng nhiều doanh nghiệp chia sẻ, họ vẫn mệt mỏi khi chờ đợi quá lâu các thủ tục xác minh hồ sơ. Còn phía ngành Thuế vẫn phải thực hiện quyết liệt nhằm ngăn chặn gian lận hoàn thuế, chống thất thu ngân sách Nhà nước (NSNN). Vậy bà đánh giá về vấn đề này như thế nào?

Trước bối cảnh các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh năm 2023, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo sát sao ngành Thuế đẩy mạnh công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp quay vòng vốn, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, cùng với đó là nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ, phòng, chống gian lận hoàn thuế gây thất thoát ngân sách Nhà nước (NSNN).

Đây là 2 áp lực, trách nhiệm rất nặng nề của ngành Thuế cũng như cán bộ thuế trong công tác hoàn thuế hiện nay khi vừa phải đảm bảo tiến độ, thời hạn giải quyết theo quy định; vừa phải kiểm tra, xác định chính xác số thuế đủ điều kiện hoàn thuế theo quy định để đảm bảo không có sai sót trong quá trình thực thi công vụ trong bối cảnh các hành vi gian lận hoàn thuế ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Hiện nay tại một số Cục Thuế lớn, mỗi cán bộ thuế quản lý từ 300 đến 500 doanh nghiệp. Song song với nhiệm vụ giải quyết hoàn thuế GTGT, cán bộ thuế phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ quản lý như: Thanh tra, kiểm tra chống thất thu NSNN, chống chuyển giá, quản lý nợ thuế, quản lý và phòng chống gian lận hóa đơn, quản lý đăng ký, kê khai, hoàn thành nghĩa vụ thuế… 
Điều này gây sức ép, áp lực không nhỏ cho cơ quan thuế, cán bộ thuế trong việc thực hiện hoàn thuế hiện nay.

Giải pháp mới nhất của ngành Thuế với vấn đề này là như thế nào, thưa bà?

Mới đây, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 18/QĐ-TCT áp dụng quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế bằng ứng dụng công nghệ thông tin. Theo đó, Bộ chỉ số tiêu chí phân loại hồ sơ hoàn bao gồm 3 nhóm chỉ số tiêu chí. Chỉ số tiêu chí nhóm 1, nhóm 2 được áp dụng để đánh giá tổng quan về rủi ro hoàn thuế của doanh nghiệp. Chỉ số tiêu chí nhóm 3 được xây dựng để bổ sung phân tích rủi ro phù hợp với từng thời kỳ, từng yêu cầu quản lý.

Bộ chỉ số tiêu chí ban hành theo Quyết định số 18/QĐ-TCT tập trung vào xác định những hồ sơ hoàn thuế mà qua rà soát doanh nghiệp có sử dụng hóa đơn của những doanh nghiệp rủi ro cao trong công tác quản lý hóa đơn. Ngoài ra, Bộ chỉ số tiêu chí tập trung vào đánh giá về lịch sử tuân thủ pháp luật thuế của doanh nghiệp, của người đại diện/chủ sở hữu doanh nghiệp, lịch sử hoàn thuế và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tôi cho rằng, với Bộ chỉ số tiêu chí trên, cơ quan Thuế sẽ đánh giá rủi ro đối với doanh nghiệp hoàn thuế mang tính toàn diện nhằm tạo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên trong trường hợp cần thiết, cơ quan Thuế vẫn có thể đánh giá những doanh nghiệp có rủi ro cần tập trung quản lý theo từng thời kỳ, từng ngành hàng thông qua chỉ số tiêu chí Nhóm 3 (Ví dụ: chỉ số tiêu chí 16 Nhóm 3 “Doanh nghiệp có mặt hàng kinh doanh thuộc diện cảnh báo của cơ quan thuế theo từng thời kỳ”).

Trường hợp cơ quan Thuế xác định những ngành hàng có tính đặc thù và rủi ro cao, cơ quan Thuế có thể phân tích rủi ro của những doanh nghiệp thuộc ngành hàng này (thông qua việc đưa thêm các chỉ số tiêu chí Nhóm 3 bổ sung vào phân tích rủi ro) để ứng dụng phân loại tự động doanh nghiệp thuộc diện rủi ro cao, rủi ro trung bình và rủi ro thấp. Từ đó xác định những doanh nghiệp trọng điểm, rủi ro cao cần kiểm tra, xác minh hóa đơn.

Tôi cho rằng hoàn thuế ở mỗi ngành nghề khác nhau. Ví dụ với ngành gỗ, gỗ xuất khẩu nguyên liệu đầu vào là gỗ nhưng sản phẩm giấy nguyên liệu đầu vào cũng có thể là gỗ rừng trồng hoặc phế liệu. Với doanh nghiệp điện tử như Lioa chẳng hạn, nguyên liệu đầu vào có thể là đồng phế liệu…
Như vậy mỗi lĩnh vực, sản phẩm hoàn thuế cần phải có bộ tiêu chí riêng. Dựa trên cơ sở đó cơ quan thuế đánh giá được mức độ rủi ro của từng doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Thuế, tính đến hết ngày 31/10, cơ quan thuế đã ban hành 15.025 quyết định tương ứng số thuế đã hoàn 112.873 tỷ đồng, bằng 70,5% ước thực hiện đã báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội (160.000 tỷ đồng), bằng 91% cùng kỳ năm 2022.

Vấn đề hoàn thuế GTGT sẽ vẫn luôn là vấn đề nóng vì liên quan trực tiếp tới dòng tiền của doanh nghiệp. Nhiều cán bộ, công chức thuế còn e dè khi thực hiện vì rủi ro, nguy hiểm, theo bà, cần sửa đổi, bổ sung quy định như thế nào để hạn chế tình trạng trên?

Trong cuộc giám sát chuyên đề hoàn thuế GTGT của Uỷ ban Tài chính Ngân sách tại 6 Cục Thuế thời gian qua, cơ quan thuế các cấp, cán bộ thuế cũng đã được bày tỏ với Uỷ ban Tài chính Ngân sách về các băn khoăn, vướng mắc liên quan đến tâm lý e dè, thận trọng của cán bộ thuế trong thực thi công vụ, nhất là công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT. Chúng ta cần nhìn nhận trực diện vào vấn đề này, trong bối cảnh một số vụ án gian lận hoàn thuế GTGT gây thất thoát NSNN đã được cơ quan chức năng phát hiện, khởi tố, tuyên án thời gian qua.

Để giải quyết vấn đề này, cần có quy định để bảo vệ, miễn trừ, giảm thiểu trách nhiệm cho cán bộ, công chức ngành Thuế. 

Trong trường hợp, tại thời điểm giải quyết hoàn thuế GTGT công chức thuế đã căn cứ hồ sơ đề nghị hoàn thuế của người nộp thuế, hồ sơ, tài liệu, chứng từ người nộp thuế cung cấp cùng các thông tin, tài liệu mà cơ quan thuế quản lý trên hệ thống ứng dụng quản lý thuế để thực hiện giải quyết hoàn thuế GTGT theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Nhưng sau đó cơ quan chức năng phát hiện người nộp thuế có hành vi vi phạm, gian lận trong hoàn thuế dẫn đến phải truy cứu trách nhiệm hình sự, công chức thuế không phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của người nộp thuế.

Ví dụ hoàn thuế cho xuất khẩu gỗ, nếu cơ quan thuế kiểm tra đơn vị xuất khẩu có đủ sản phẩm, tờ khai hải quan, thông tin nước nhập khẩu, hóa đơn GTGT đầu vào hợp pháp, cán bộ thuế thực hiện thanh toán qua ngân hàng theo đúng quy định, trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, sau đó, các cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện doanh nghiệp cung cấp gỗ cho nhà máy sai phạm trong kê khai gỗ đầu vào, sử dụng hóa đơn chứng từ bất hợp pháp, hàng hóa nhập lậu hay cố tình kê khai nguyên liệu mua vào không đúng thực tế…, với trường hợp này, tôi cho rằng, không nên quy trách nhiệm cho cán bộ thuế. Đơn vị cung cấp nguyên liệu, nhà máy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nếu họ cố tình gian dối, gian lận hóa đơn chứng từ để được hoàn thuế, trục lợi ngân sách của Nhà nước.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Minh Phương/Báo Tin tức (ghi)
Sẽ ứng dụng công nghệ trong phân loại hồ sơ hoàn thuế
Sẽ ứng dụng công nghệ trong phân loại hồ sơ hoàn thuế

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Tin tức tại họp báo quý III/2023 của Bộ Tài chính chiều 5/10, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Mai Sơn cho biết: Trong quý IV/2023, Tổng cục Thuế sẽ triển khai toàn ngành ứng dụng công nghệ thông tin để phân loại tự động hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng theo các tiêu chí phân loại rủi ro, đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ trong các bước giải quyết hồ sơ hoàn thuế của cơ quan thuế các cấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN