Chỉ thực hiện đối với 2 - 3 giao dịch gần nhất
Cả một thời gian dài, câu chuyện hoàn thuế với một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ luôn rất căng thẳng và đã “lan sang” nhiều lĩnh vực xuất khẩu khác. Những năm gần đây, khi ngành Thuế bắt đầu áp dụng hóa đơn điện tử đã phát sinh nhiều trường hợp xuất hóa đơn khống, gian lận về hóa đơn nhằm trục lợi thuế GTGT. Điều này buộc ngành Thuế phải truy tìm nguồn gốc hàng hóa từ đơn vị xuất hóa đơn đầu tiên đến đơn vị cuối cùng.
Clip đóng góp ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho rằng trong việc thúc đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế:
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) nhấn mạnh: Thủ tướng Chính phủ đã có công điện, Thường vụ Quốc hội cũng đã có sự chỉ đạo nhưng vẫn vướng, thực tế chưa chuyển dịch gì nhiều. Thống kê sơ bộ các doanh nghiệp ngành Gỗ đang bị nợ đọng 6.100 tỷ đồng tiền thuế GTGT chưa được hoàn, nhưng thực tế có thể gấp đôi con số này vì nhiều doanh nghiệp e ngại, không dám chia sẻ.
Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên báo Tin tức, lý do doanh nghiệp không được hoàn thuế là bởi ngành Gỗ bị đưa vào “danh sách đen”, có nhiều rủi ro nên bị đưa vào diện tiền kiểm. Nhiều doanh nghiệp dăm gỗ than thở: Cả chuỗi cung ứng rất dài, sản phẩm gỗ rất phức tạp, từ hộ nông dân trồng rừng qua rất nhiều thương lái và nhiều người làm dịch vụ, qua nhiều khâu chế biến. Mỗi hộ nông dân chỉ có vài ha rừng, phân bố rải rác ở nhiều nơi, thương lái đi thu gom cũng không thể đảm bảo hết tất cả hồ sơ đầu vào… Nhưng quy định của cơ quan Thuế vẫn phải truy xuất đến tận người trồng rừng, điều này vô cùng tốn kém, hay thậm chí là không thể thực hiện được.
“Các doanh nghiệp gỗ, đặc biệt ngành dăm gỗ kiến nghị sửa đổi chính sách, tức là cơ quan Thuế chỉ xác minh tới người thu mua, không xác minh tới cá nhân trồng rừng đối với mặt hàng dăm gỗ. Trong quá trình doanh nghiệp thu mua của dân, trường hợp nào vi phạm thì xử lý ở khâu thu mua và lâu dài doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi chính sách là đối tượng không chịu thuế GTGT - điều này tôi thấy là phù hợp. Chúng tôi đã tiếp thu và báo cáo Tổng cục Thuế về vấn đề này”, ông Mai Chiến Thắng - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh cho biết.
"Cần thay đổi quy định theo hướng việc xác minh hóa đơn hàng hóa chỉ thực hiện đối với 2 - 3 giao dịch gần nhất, còn các giao dịch trước đó có thể hậu kiểm. Nếu phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận hóa đơn thì chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định", Giám đốc một công ty tư vấn thuế Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ dẫn chứng, qua phân tích số liệu của hơn 1.500 doanh nghiệp, bài toán dòng tiền vẫn là câu chuyện cấp bách nhất hiện nay. Nguyên nhân vì tổng cầu giảm, tích lũy đã chi tiêu trong dịch COVID-19 hết, câu chuyện tiếp cận vốn rất khó khăn. "Ví dụ về vấn đề hoàn thuế, riêng nhóm ngành Gỗ đã có tới 6.100 tỷ đồng đang đọng ở hoàn thuế, có gần 10 ngành cũng đang có tiếng kêu tương tự", Phạm Thị Ngọc Thủy trăn trở.
Mục tiêu ngành Thuế muốn kiểm soát chống gian lận thuế là không sai; nhưng việc lập tức chậm hoàn thuế đã khiến nhiều doanh nghiệp bị ách tắc dòng tiền bởi phần điều tra, xác minh nguồn gốc thu mua nguyên liệu hàng hóa không nằm trong chức năng, khả năng thực sự của ngành Thuế mà phải có sự phối hợp với lực lượng công an. Trong khi việc xác minh này phục vụ cho quy trình thủ tục hành chính, không phải dạng điều tra, bắt tội phạm nên đây cũng không phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của cơ quan công an.
Một vấn đề băn khoăn cũng được đại diện Ban IV nêu: Theo công bố của Tổng cục Thuế, ngành Thuế đã giải quyết được hàng nghìn hồ sơ hoàn thuế trong năm 2022 và 2023, số hồ sơ chưa được hoàn chỉ tính bằng trăm. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chia sẻ, những bộ hồ sơ được giải quyết hoàn thuế là những đơn hàng xuất khẩu từ năm 2020 và có thể 3 quý của năm 2021, còn những đơn hàng đã xuất khẩu của quý cuối năm 2021 và cho đến nay vẫn thuộc diện hồ sơ chờ.
“Nếu hồ sơ đầu tiên của doanh nghiệp nộp chưa giải quyết xong thì hồ sơ thứ 2 sẽ không được nộp để giải quyết. Có doanh nghiệp chia sẻ, hiện họ bị tồn đọng số lượng lớn hồ sơ xuất khẩu đang không được vào diện được nộp và được ghi nhận của cơ quan thuế. Nên doanh nghiệp càng làm càng lỗ, vay vốn cũng không hề đơn giản”, Giám đốc Văn phòng Ban IV cho biết.
Cần phân loại quản lý rủi ro về thuế
Từ thực tế trên, một số doanh nghiệp xuất khẩu kiến nghị: Ngành Thuế cần phân loại quản lý rủi ro về thuế theo dấu hiệu vi phạm của từng khâu, đối tượng cụ thể; giảm bớt số hồ sơ thuộc diện kiểm trước - hoàn sau. Trong đó, ưu tiên hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp xuất khẩu lâu năm, có uy tín, có quá trình tuân thủ nghiêm chỉnh quy định pháp luật về thuế.
Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định: Ngành Thuế cần phân định 2 nhóm là các doanh nghiệp có chủ đích gian lận, trục lợi về thuế thông qua việc mua bán hoá đơn và nhóm doanh nghiệp chỉ liên quan.
“Không nên đánh đồng các doanh nghiệp với nhau. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để hài hòa được lợi ích của doanh nghiệp nhưng vẫn phải bảo vệ được nguồn ngân sách Nhà nước”, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI chia sẻ.
Ông Đậu Anh Tuấn cũng đưa ra kiến nghị: Về mặt dài hạn, cần có một cơ chế quản lý rủi ro tốt hơn, tức là để tránh việc doanh nghiệp ‘ma’, tránh việc mua bán hóa đơn thì cần có cơ chế giám sát rủi ro tốt hơn để quy trách nhiệm, tránh việc đẩy những rủi ro này cho doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, tuân thủ pháp luật thuế tốt; cần có cơ chế cảnh báo, giám sát tốt hơn để tránh những trường hợp doanh nghiệp tuân thủ nộp thuế tốt chưa từng trốn thuế hay chưa từng có vi phạm pháp luật về thuế nhưng vẫn bị đình trệ lớn tạo ra tác động tiêu cực cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng giám đốc tư vấn thuế của Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, việc ách tắc trong khâu hoàn thuế kéo dài sẽ ảnh hưởng dòng tiền, ảnh hưởng gián đoạn quá trình kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, họ phải đàm phán nhà cung cấp tăng thời hạn trả nợ nhà cung cấp hoặc đi vay ngân hàng.
“Tôi nghĩ rằng, vụ ‘xuất khẩu giả, hoàn thuế thật’ Thuduc House đã ảnh hưởng tâm lý cán bộ thuế nên họ tăng tính thận trọng hơn trong việc xét duyệt hồ sơ hoàn thuế. Tuy nhiên, ở góc độ nào hơi quá mức. Có cán bộ thuế không dám chịu trách nhiệm, dù đúng thủ tục. Cơ quan thuế nên nhìn ở góc độ tích cực hơn. Nếu yếu tố gian lận nghi vấn thì chuyển sang bộ phận khác để giải quyết và thông báo doanh nghiệp cung cấp thêm hồ sơ. Đối với các hồ sơ thuộc diện ‘hoàn trước, kiểm sau’ thì nên thực hiện nhanh chóng, sau đó vẫn tiến hành kiểm tra theo quy định”, ông Bùi Ngọc Tuấn nêu giải pháp.
“Chúng tôi kiến nghị cơ quan thuế cần kết hợp việc phân loại theo từng doanh nghiệp, chứ không chỉ đánh giá rủi ro theo ngành. Giống như phân loại luồng xanh, xanh đỏ của ngành Hải quan đối với các doanh nghiệp khi làm thủ tục hải quan. Tôi nghĩ cần có Hội nghị đối thoại về việc này, ít nhất phải là lãnh đạo Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính chủ trì đối thoại với các doanh nghiệp và những chuyên gia kinh tế”, đại diện Ban IV nêu.
Xử lý tận gốc việc lập hóa đơn, chứng từ giả
Để giải quyết tận gốc việc chậm hoàn thuế GTGT, bà Nguyễn Thị Cúc nêu ý kiến: Hiện nay vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp chưa hiểu biết hết pháp luật về thuế, chưa hiểu hết tầm quan trọng của hóa đơn chứng từ. Vẫn có tình trạng doanh nghiệp khi sử dụng hàng hóa không có hóa đơn chứng từ thì họ sẵn sàng đi tìm hóa đơn chứng từ để hợp thức hóa các khoản chi đó, không chỉ hoàn thuế mà cả chi tiêu đưa vào chi phí tính thuế. Doanh nghiệp vẫn có ý tưởng là phải tìm hóa đơn để hợp pháp hóa. Đây là suy nghĩ còn đang tồn tại trong những người làm kế toán của doanh nghiệp. Chừng nào suy nghĩ đó vẫn còn thì việc sử dụng hóa đơn giả vẫn còn và người bán hóa đơn giả vẫn còn tồn tại.
Trước ý kiến cho rằng "để hoàn thuế GTGT diễn ra thuận lợi, nhanh chóng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì nên đưa mặt hàng gỗ ra khỏi danh sách rủi ro hoặc không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT", bà Nguyễn Thị Cúc chia sẻ: Nếu những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có mua hàng, sản xuất, xuất khẩu có đầy đủ chứng từ nhưng không được hoàn thuế hoặc hoàn thuế chậm thì sẽ thiệt cho họ.
“Không thể đưa một ngành nào ra khỏi "danh sách đen" mà phải lựa chọn trong đối tượng đó. Mình lựa chọn đối tượng nộp thuế vàng, yên tâm, chắc chắn mua hàng có nguồn gốc… Tại Nhật Bản, hoàn thuế GTGT không cần hóa đơn như ở Việt Nam. Họ nắm luồng tiền và hàng. Dòng tiền đi với dòng hàng nên tránh được việc mua hóa đơn giả. Còn tại Việt Nam đang xử lý theo phần ngọn, hoàn thuế dựa trên hóa đơn. Hóa đơn là chứng từ hợp pháp”, Chủ tịch VTCA nêu.
“Việc phân loại để xác định các doanh nghiệp ít rủi ro được hoàn thuế trước rất quan trọng. Do vậy, cơ quan thuế cần phải loại, xem xét trường hợp nào giải quyết được thì chỉ đạo quyết liệt hoàn thuế cho doanh nghiệp. Với những trường hợp không đủ điều kiện cơ quan thuế trả hồ sơ lại doanh nghiệp bổ sung. Những trường hợp có dấu hiệu vi phạm, cơ quan thuế sẽ chuyển sang cơ quan điều tra xử lý. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng việc thành lập doanh nghiệp hiện nay còn quá dễ dàng nên mới xảy ra tình trạng doanh nghiệp ma, mua bán hóa đơn bất hợp pháp. Vì thế, cần sửa đổi bổ sung các điều kiện, thủ tục trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp cũng như vấn đề hậu kiểm đối với doanh nghiệp sau khi thành lập, nâng mức xử phạt để tăng tính răn đe…”, bà Nguyễn Thị Cúc nhấn mạnh.
Với cách làm này, các ngành địa phương cần phối hợp với cơ quan thuế để có biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nâng cao ý thức chấp hành các chính sách pháp luật về thuế, hóa đơn. Doanh nghiệp phải xác định mua hàng hóa có hóa đơn chứng từ hợp pháp, tránh tình trạng mua hàng hóa trôi nổi rồi hợp thức hóa các hóa đơn chứng từ.
Bài cuối: Gỡ bất cập trong điều kiện hoàn thuế đúng đối tượng