Sản xuất theo VietGap vẫn bấp bênh
Rau trồng theo tiêu chuẩn VietGap có chi phí cao và tốn công chăm hơn rau trồng theo cách truyền thống nhưng giá bán lại không có sự khác biệt so với các loại rau được sản xuất theo cách thông thường. Đây có thể được coi là một trong những rào cản ảnh hưởng đến việc phát triển của mô hình sản xuất này.
Thôn Nam Cầu, là 1 trong 5 thôn của xã Phạm Trấn (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) có 300 hộ tham gia trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap với quy mô 25 ha. Ở vùng chuyên canh rau màu này, người dân trồng các loại rau chủ lực gồm su hào, bắp cải, còn vụ xuân hè, dưa lê, dưa hấu.
Gia đình ông Phạm Văn Hải có 0,5 ha trồng rau VietGap cho biết, sản xuất theo yêu cầu của VietGAP là rất khó nhưng vụ đông xuân năm 2015 vừa qua, su hào theo VietGap chỉ đạt 12.000 đồng/kg, tương đương giá su hào bình thường trên thị trường. Sở dĩ giá rau VietGap không cao hơn là do việc nhận diện rau an toàn vẫn còn nhiều khó khăn.
Cánh đồng 25 ha của thôn Nam Cầu (xã Phạm Trấn) vào vụ. |
“Gia đình tôi đã được cấp chứng chỉ trồng rau an toàn theo quy trình VietGap từ năm 2012. Do chưa xây dựng được thương hiệu và có kênh phân phối riêng nên nông dân vẫn phải bán rau cho các thương lái để họ thu gom rồi bán đi các nơi. Một bất cập khác là là rau sạch sản xuất theo quy trình VietGap khi tiêu thụ trên thị trường lại không được cấp giấy chứng nhận của cơ quan chức năng. Chuyện thương lái có trà trộn thêm rau bẩn vào hay không thì chúng tôi cũng không biết được”, ông Phạm Văn Hai lo lắng.
“Do việc kiểm tra quy trình VietGap không thường xuyên nên việc nông dân có thực hiện theo VietGap hay không chỉ trông chờ vào đạo đức của người trồng rau”, ông Hải cho biết thêm.
Cùng quan điểm này, bà Trần Thị Thép (Đội 5, thôn Nam Cầu) cho biết: “Quy trình sản xuất an toàn thì chúng tôi được học rồi, việc áp dụng cũng không quá khó khăn nhưng khi bán ra thì đều phải bán cho thương lái. Thương lái đem bán ở đâu chúng tôi cũng không biết”.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), diện tích trồng trọt trên cả nước áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP hiện là 25.000 ha. Còn Cục Chăn nuôi cho biết, hiện toàn quốc có khoảng hơn 100 trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ thực tế cho thấy, việc cấp giấy chứng nhận VietGap cho các hộ dân chỉ là giúp người nông dân có hiểu biết về việc trồng rau, chăn nuôi an toàn. Còn việc người nông dân có thực hiện hay không phụ thuộc nhiều vào ý thức của các hộ nông dân.
Hậu kiểm quy trình sản xuất
Theo các chuyên gia, sản phẩm được nhận chứng nhận VietGAP chỉ là một khâu chứng nhận ban đầu về quy trình sản xuất an toàn. Để đảm bảo độ an toàn của sản phẩm phải kiểm tra đánh giá được cơ quan chức năng như lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, “hiện nay việc hậu kiểm là khá khó khăn, vì các cơ sở được chứng nhận VietGAP nhiều, trong khi việc xét nghiệm mẫu khá đắt, khoảng 7 triệu đồng/mẫu rau. Vì vậy, khả năng kiểm soát an toàn vẫn còn bỏ ngỏ”, ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty BigGreen cho biết.
Chính vì công tác hậu kiểm chưa đạt kết quả nên vừa qua đã có 80 con lợn được phát hiện có chất tạo nạc được trà trộn vào các lợn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap một cách dễ dàng ở TP Hồ Chí Minh.
VietGAP (là cụm từ viết tắt của: Vietnamese Good Agricultural Practices) có nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm. |
Ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc kiểm định chất lượng Hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm cho biết, nếu công tác hậu kiểm không được kiểm soát thì VietGAP cũng rất dễ bị trà trộn thực phẩm không đảm bảo. Tiêu chuẩn VietGAP rất tốt nhưng nếu mỗi năm chỉ kiểm tra lại một lần để cấp giấy chứng nhận sẽ khó đảm bảo an toàn. Trong khi đó, cứ sau vài tuần, vài tháng là một đợt sản xuất rau, củ... lại được tung ra thị trường. Do vậy, để đảm bảo chất lượng nông sản thì khâu kiểm tra, giám sát đồng ruộng là rất quan trọng.
Cùng nhận định này, ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty BigGreen, Chuyên cung cấp rau sạch, thực phẩm sạch cho biết: “VietGAP là một trong những điều kiện để sản xuất an toàn, nếu sản xuất theo quy trình này thì sản phẩm nông sản chắc chắn an toàn. Tuy nhiên, để mọi quy trình được an toàn, tạo ra rau, thịt, hải sản an toàn thì cần có công tác hậu kiểm, giám sát từ sản xuất tới tiêu thụ”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết: Để làm tốt công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm, cần xã hội hóa công tác phát hiện, kiểm tra. Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tổ chức tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về thực phẩm an toàn. Đây sẽ là những tai mắt để giám sát những tổ chức, cá nhân làm ăn gian dối. Tuy nhiên, Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra lại các đơn vị đã được chứng nhận cũng như toàn bộ quy trình này.
Ngoài ra, để tránh trường hợp trà trộn thực phẩm bẩn vào quá trình thu gom, chế biến, cần có sự kiểm tra ở tất cả các khâu trong sản xuất nông nghiệp từ sản xuất tới thu hoạch, chế biến, giết mổ… tới tiêu thụ đối với các sản phẩm gia súc, gia cầm và các sản phẩm khác là chế biến và tiêu thụ; từ đó mới biết được việc mất an toàn thực phẩm ở khâu nào, ông Tám cho biết.