Trồng chè chất lượng cao mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: TTXVN |
Để người dân làm quen với kỹ thuật trồng chè mới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức trên 30 lớp tập huấn cho trên 2.000 hộ nông dân sản xuất chè thuộc các xã vùng dự án như Thanh Bình, Bản Xen, Bản Lầu, Lùng Vai (huyện Mường Khương), Phú Nhuận, Phong Hải, Phong Niên (huyện Bảo Thắng).
Gia đình anh Phạm Xuân Trường, xã Thanh Bình (Mường Khương) là một trong những hộ trồng và chế biến chè lâu năm cho biết, cách chế biến chè theo phương thức cũ khiến chất lượng chè thành phẩm chưa ngon mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Sau khi được cán bộ hướng dẫn trồng và chăm sóc chè theo quy trình VietGap, sản phẩm chè của gia đình anh đã được nâng cao cả về năng suất và chất lượng.
Gia đình chị Lù Thị Vương ở xã Thanh Bình trồng 0,5 ha chè. Trồng chè theo phương pháp VietGap nên năng suất chè tăng gấp đôi, chất lượng cao, búp đẹp và bán được giá cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với phương pháp trồng thông thường.
Đến hết năm 2015, Lào Cai có vùng nguyên liệu đạt khoảng 2.500 ha với 3.000 hộ tham gia. Sản lượng chè búp tươi được nâng lên rõ rệt qua từng năm. Năm 2015 sản lượng đạt gần 6.300 tấn, giá trị vùng nguyên liệu đạt 40,9 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đạt từ 20 triệu đồng/ha năm 2012 lên 46 triệu đồng/ha năm 2015, tạo việc làm cho trên 8.000 lao động địa phương, tạo thu nhập ổn định cho các hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, người dân vươn lên làm giàu từ cây chè. Mặt khác, chất lượng chè được nâng cao vì vậy chế biến được những sản phẩm chất lượng tốt.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Lào Cai, quy trình sản xuất chè VietGap phải tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu chọn đất, lấy mẫu đất, mẫu nước đủ điều kiện mới cấp chứng chỉ cho phép sản xuất. Còn với người dân tham gia dự án phải tuân thủ theo quy trình sản xuất, không để thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến chất lượng của chè. Muốn vậy, nông dân phải được tập huấn kỹ, nắm được quy trình và tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về kỹ thuật trong quá trình thực hiện.
"Chè phải sạch đúng nghĩa"
Đó là mục tiêu cao nhất mà vùng nguyên liệu chè cần đạt được nhằm đảm bảo thị trường xuất khẩu cho cây chè Lào Cai được ông Bùi Văn Rạng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên chè Thanh Bình đề xuất tại Hội nghị đánh giá kết quả phối hợp quản lý, duy trì sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGaP tổ chức ngày 22/12 tại huyện Mường Khương.
Theo ông Rạng, thách thức lớn nhất đối với Công ty chính là xây dựng vùng nguyên liệu thật sự an toàn để sản phẩm chè khô sẽ không chứa các hóa chất tồn dư. Người nông dân không được sử dụng các loại thuốc cấm như: thuốc trừ cỏ, các loại chất kích thích sinh trưởng, các loại thuốc sâu không nằm trong danh mục được phép phun cho chè.
Hiện nay, để sản xuất chè theo hướng VietGaP, Công ty chè Thanh Bình đã làm sổ nhật ký đồng ruộng cho từng gia đình làm chè theo dõi chăm sóc đồi chè của từng hộ (như ngày nào phun thuốc, phun loại gì, ngày hái, số ngày cách ly...). Đồng thời cắm biển hướng dẫn nông dân thực hiện tốt "6 điều phải làm và 6 điều không được làm"...
Giai đoạn 2015 - 2020, Lào Cai phấn đấu có 3.800 ha chè theo tiêu chuẩn VietGap, gần bằng 50% diện tích chè hiện có trong toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở huyện Mường Khương và Bảo Thắng. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Lào Cai, để sản xuất một ha chè theo tiêu chuẩn VietGap cần phải đầu tư 4 - 5 triệu đồng, bao gồm mọi chi phí từ tập huấn nhân lực đến khâu trồng, chăm sóc, thu hái bảo quản và chế biến... Vì vậy, với mục tiêu trên ngành nông nghiệp Lào Cai cần hỗ trợ khoảng 2 tỷ đồng/ha.
Qua tìm hiểu ý kiến của những người trồng chè, bà con đều cho rằng, việc chăm sóc chè theo cách làm của VietGap mặc dù có tốn nhiều công hơn, nhưng bù lại, bà con thu lượng búp nhiều hơn. Các hộ dân đều cho rằng, lượng búp đã tăng ít nhất từ 15 - 20%.
Nông dân vùng chè VietGap huyện Bảo Thắng đang bán chè búp tươi với giá bình quân 5.000 đồng/kg. Hiện nay một số nơi vẫn chưa đánh giá đúng giá trị sản phẩm chè VietGap, nên bà con kiến nghị cần có sự đánh giá xác đáng hơn giữa hai loại chè để có giá thu mua hợp lý giữa chè sản suất theo tiêu chuẩn VietGap và chè sản xuất bình thường.
Do đó, việc thực hiện sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa 4 nhà là: Nông dân, khoa học, nhà nước và doanh nghiệp để việc thực hiện dự án mang lại thành công, mở ra cơ hội nhân rộng diện tích chè theo tiêu chuẩn VietGap lên toàn bộ diện tích gần 4.000 ha chè kinh doanh hiện có của Lào Cai. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để nông dân trong tỉnh chuyển đổi cơ cấu lao động theo chương trình xây dựng nông thôn mới, tiến đến việc sản xuất chè an toàn theo hướng công nghiệp.