Kết thúc tháng 7, thị trường chứng khoán Hong Kong (Hồng Công, Trung Quốc) tăng 1,83% so với tháng 6 và tái lập một hiện tượng chỉ mới diễn ra 2 lần trong 25 năm qua, khiến các nhà đầu tư đặt kỳ vọng lớn vào xu thế tăng của thị trường trong thời gian còn lại của năm 2012.
Trong ba phiên cuối cùng của tháng 7, vào các ngày 27, 30 và 31, thị trường trong tình trạng đáy của hôm sau cao hơn đỉnh của hôm trước. Đây là lần thứ 3 trong 25 năm qua xuất hiện hiện tượng này và nó khiến các nhà đầu tư nhớ lại diễn biến sau các phiên ngày 29, 30 và 31/8/2006.
Khi đó, tình hình xảy ra tương tự, chỉ số Hang Seng tăng từ 16.922 điểm lên 17.392 điểm rồi đi vào xu thế tăng dài hạn, đạt đỉnh ở mức 32.000 điểm vào tháng 10/2007.
Không chỉ có vậy, thống kê còn cho thấy chỉ số Hang Seng tháng 7 đã tăng 1,83% so với tháng 6. Trong khi đó, thống kê 10 năm qua cho thấy biểu hiện của thị trường vào tháng 7 tương đối giống với diễn biến trong thời gian còn lại của năm.
Cụ thể 10 năm qua, chỉ số Hang Seng tháng 7 có 5 lần tăng, sau đó đà tăng tiếp tục được duy trì vào tháng 8 và cả năm. Còn trong hai lần chỉ số Hang Seng tháng 7 giảm, thị trường tháng 8 đã đi xuống và đây cũng là xu thế cả năm.
Kỳ vọng lịch sử lặp lại, cộng thêm năng suất lao động quý II/2012 của Mỹ cao hơn mức dự kiến của chuyên gia và lãi suất trái phiếu của Tây Ban Nha, Italy giảm xuống, tất cả đã tăng thêm niềm tin cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Hong Kong.
Đây chính là nguyên nhân giúp thị trường những ngày đầu tháng 8 có nhiều phiên tăng điểm liên tiếp, lần đầu tiên trong 3 tháng qua đã vượt và trụ lại khá vững ở ngưỡng cảm tâm lý 20.000 điểm.
Nhiều nhà đầu tư tỏ ra lạc quan cho rằng xu thế gia tăng đã xác định. Tuy nhiên, với một thị trường mang tính quốc tế và độ mở lớn như thị trường chứng khoán Hong Kong, tác động của các nhân tố bên ngoài là không tránh khỏi.
Dù thị trường kỳ vọng vào việc Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ sau khi lạm phát tháng 7 của nước này giảm xuống mức thấp nhất trong 30 tháng, nhưng việc chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 7 của Trung Quốc âm liên tiếp trong 5 tháng cho thấy sự đi xuống về nhu cầu trong nước cũng như tình trạng dư thừa sản xuất, khiến lợi nhuận doanh nghiệp có thể giảm mạnh.
Ở châu Âu, nền kinh tế đã bộc lộ dấu hiệu sa sút rõ ràng hơn khi hai "đầu tàu" là Đức, Pháp bắt đầu hứng chịu tác động nặng nề từ cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực sử dụng đồng euro.
Trong khi Bộ Kinh tế Đức thông báo sản lượng công nghiệp tháng 6 của nước này giảm 0,9% so với tháng trước, Ngân hàng Trung ương Pháp cũng cảnh báo kinh tế nước này có thể sẽ rơi vào thời kỳ suy thoái thứ hai trong vòng ba năm nay.
Ngoài ra, lo ngại về khả năng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ lặp lại vết xe đổ giảm mạnh của tháng 8 năm ngoái cũng tạo ra lực cản đối với thị trường chứng khoán Hong Kong.
Dẫu vậy, thị trường chứng khoán vẫn là một thị trường mang nhiều kỳ vọng. Trước mắt, các nhà đầu tư hi vọng vào trung tuần tháng 8, chỉ số Hang Seng sẽ phá mốc 20.300 điểm và sau đó chinh phục ngưỡng 20.800 điểm.
Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hong Kong)