Khép lại phiên này, chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 145,56 điểm, tương đương 0,78%, lên 18.712,75 điểm, phá vỡ mức cao kỷ lục đóng phiên trước đó vào tháng 7/2024. Chỉ số S&P 500 tăng 9,45 điểm, hay 0,16%, lên 5.832,97 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 154,52 điểm, tương đương 0,36%, xuống 42.233,05.
Alphabet, một trong bảy công ty công nghệ có vốn hóa lớn của Mỹ (Magnificent Seven), đã báo cáo doanh thu quý III vượt dự kiến.
Đây là tuần công bố kết quả kinh doanh sôi động nhất của các công ty có mặt trong chỉ số S&P 500, với sự chú ý đổ dồn vào 5 trong số bảy “ông lớn" công nghệ. Kết quả của nhóm này sẽ là yếu tố quyết định liệu Phố Wall có thể duy trì sự lạc quan về công nghệ và trí tuệ nhân tạo hay không. Đây là yếu tố đã đẩy các chỉ số chứng khoán lên mức cao kỷ lục trong năm nay.
Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ phiên này còn chịu sức ép khi lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ chạm mức 4,3% lần đầu tiên kể từ đầu tháng 7/2024.
Giới đầu tư đang dự đoán thị trường chứng khoán sẽ có một vài tuần biến động với sự chi phối của các nhân tố như: các báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, tình hình căng thẳng ở Trung Đông, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 5/11 và sau đó là cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Tại thị trường Việt Nam, khép phiên 29/10, chỉ số VN - Index tăng 7,01 điểm (0,56%) lên 1.261,78 điểm. Chỉ số HNX - Index tăng 0,97 điểm 0,43%) lên 225,56 điểm.