Tuy vậy, quá trình phát triển “nhanh chóng” này cũng đang đặt ra những thách thức mới về sự phát triển đồng bộ của hệ thống lưới điện, sử dụng đất, cơ chế giá điện, nguồn nhân lực, việc làm và nguồn tài chính... Chính vì vậy, cần thảo luận về hiện trạng phát triển hệ thống điện ở trung ương và địa phương, đưa ra các giải pháp đồng bộ, kết hợp với kinh nghiệm từ quốc tế... nhằm hướng tới chuyển dịch năng lượng đảm bảo công bằng và bền vững ở Việt Nam.
Để làm rõ hơn vấn đề này, Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu chùm 4 bài "Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam".
Bài 1: Hiện trạng và xu hướng phát triển
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, tổng sản lượng điện thương phẩm của năm 2019 dự kiến là 212 tỷ kWh. Như vậy, tính bình quân, cả nước cần khoảng 750 triệu kWh mỗi ngày, trong khi đó ngày cao điểm nhất gần đây (21/8), sản lượng điện Mặt trời chỉ đạt 27 triệu kWh, phần sản lượng còn lại vẫn là các nguồn điện truyền thống như điện than, điện khí, thủy điện… Nguồn năng lượng tái tạo góp phần quan trọng trong việc đảm bảo điện nói chung nhưng việc phát triển nguồn điện truyền thống ở Việt Nam vẫn cần phải được quan tâm tính toán kỹ lưỡng bởi điện Mặt trời chỉ phát công suất được khoảng 6 tiếng vào ban ngày; trong 18 tiếng còn lại, hệ thống điện vẫn phải huy động các nguồn năng lượng truyền thống.
Các dự án điện Mặt trời phát triển vượt quy hoạch cũng sẽ khiến việc giải tỏa công suất cho các dự án này rất khó khăn. Bởi xây dựng 1 nhà máy điện Mặt trời chỉ cần khoảng 6-10 tháng, nhưng một đường dây truyền tải 500 kV cần tới 3-5 năm, đường dây 110 kV khoảng 1 năm. Hệ số sử dụng công suất của các nguồn năng lượng tái tạo (gió, Mặt trời) tại Việt Nam chỉ khoảng 18-20%, thấp hơn đáng kể so với nguồn nhiệt than khoảng 75% và thủy điện khoảng 40-50%. Ngoài ra, nếu năng lượng tái tạo tham gia sâu vào hệ thống, việc vận hành sẽ gặp những thách thức như: Chất lượng điện năng cũng có xu hướng xấu đi, hiện tượng điện áp nằm ngoài ngưỡng quy định sẽ tăng thêm, đặc biệt tại các khu vực tập trung nhiều nguồn và cách xa trung tâm phụ tải, quá trình mất cân bằng trong hệ thống có xu hướng xảy ra nhanh và mạnh hơn.
Trong 3-5 năm tới, sự phát triển của các dự án điện Mặt trời cũng có thể vượt quá khả năng mang tải của lưới điện hiện có. Giới hạn vận hành của thiết bị tại các khu vực có tiềm năng điện Mặt trời lớn như Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hoà…sẽ liên tục bị vi phạm, gây bất ổn hệ thống, nguy hiểm cho thiết bị và phát sinh nhiều vấn đề về kỹ thuật mà các cấp điều độ phải xử lý.
Chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo đang là xu thế trên toàn cầu không chỉ vì mục tiêu khí hậu mà còn vì những lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường. Trong thời gian qua. Việt Nam cũng đã bắt đầu có những tín hiệu tích cực đầu tiên của quá trình chuyển dịch với nhiều chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và sự bùng nổ của các dự án điện Mặt trời.
Ông Lê Hải Đăng, Trưởng Ban Chiến lược, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đây được xem là một bước chuyển biến quan trọng và kỳ vọng sẽ tạo ra xu hướng mới cho tiến trình phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Do đó, với đặc thù năng lượng của Việt Nam hiện nay, 50% điện sử dụng do điện than đảm nhận. Trong các tháng đầu năm 2019, nguồn Mặt trời đã bổ sung tốt cho cung cấp điện. Công suất tối đa ghi nhận 3.519MW, sản lượng phát 25-26 triệu kWh, tương đương 1 nhà máy điện than 1.200MW như Vĩnh Tân 1, 2, Duyên Hải 1.
Tuy vậy, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cần phải có các giải pháp, tính toán, xác định giới hạn công suất truyền tải trên đường dây 500kV Bắc Nam; bổ sung thêm các hệ thống bảo vệ đặc biệt (sa thải phụ tải theo điện áp, theo giới hạn ổn định). Đồng thời, nghiên cứu khả năng ứng dụng thiết bị tích trữ năng lượng. Cụ thể, để đảm bảo cung cấp điện giai đoạn đến 2025, EVN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương tiếp tục khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo theo cơ chế giá FIT để có thể đưa vào vận hành thêm khoảng 12.700MW điện Mặt trời và 7.200MW điện gió trong giai đoạn đến năm 2023. Trong đó, sớm hoàn thiện và ban hành các quy định phát triển năng lượng tái tạo theo hình thức đấu thầu, nhằm tăng cường tính minh bạch và giảm giá mua điện từ các dự án.
Đề cập đến việc phát triển hệ thống lưu trữ điện gió, điện Mặt trời, ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Như hiện nay, các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn trên thế giới, ngân hàng lớn đang tập trung đầu tư, nghiên cứu sáng tạo ra hệ thống lưu trữ mới, đảm bảo môi trường. Khi hệ thống lưu trữ điện phát triển, thương mại hóa, giá thành hợp lý… năng lượng tái tạo có khả năng tươi sáng hơn.
Bài 2: Phát triển năng lượng tái tạo tại ĐBSCL