Trao đổi với phóng viên TTXVN tại La Habana, ông González bày tỏ ấn tượng với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 8,02% của Việt Nam trong năm 2022. Theo chuyên gia kinh tế này, việc sửa đổi khung pháp lý để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất không chỉ giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm mà còn phục vụ chiến lược trung và dài hạn.
Tiến sĩ González - hiện cũng là điều phối viên quốc gia tại Cuba của Hiệp hội Nghiên cứu Mỹ Latinh về châu Á và châu Phi, chỉ rõ Việt Nam đã từng bước hiện thực hóa công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thông qua những hành động cụ thể như ban hành Luật đầu tư mới năm 2020 và Luật Doanh nghiệp tháng 1/2021. Tận dụng các điều kiện sẵn có để trở thành trung tâm sản xuất của tiểu vùng, chính sách cân bằng của Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và những thay đổi của cục diện thế giới. Đầu năm 2022,
Chính phủ Việt Nam đã dỡ bỏ những hạn chế cuối cùng liên quan đại dịch COVID-19, đây là yếu tố góp phần giúp quốc gia Đông Nam Á này tăng mạnh mẽ mức tiêu dùng nội địa và doanh số bán lẻ. Tiêu dùng của Việt Nam tăng không chỉ nhờ sức mua của người dân mà còn nhờ nới lỏng hạn chế nhập cảnh khiến lượng khách du lịch quốc tế tăng đều đặn từ đầu năm. Việt Nam đã khéo léo kết hợp các biện pháp phòng chống đại dịch với mức độ mở cửa hợp lý, nắm bắt cơ hội để bắt đầu quá trình phục hồi kinh tế. Mặc dù tình hình đại dịch COVID-19 trên thế giới vẫn chưa thực sự được kiểm soát trong năm 2022 nhưng Việt Nam đã thành công dần vực dậy nền kinh tế và tiếp tục thúc đầy kinh tế số với tầm nhìn dài hạn.
Nhà nghiên cứu của Cuba nhận định mức tăng trưởng năm 2022 phản ánh khả năng phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế phức tạp với lạm phát ngày càng gia tăng, căng thẳng Mỹ-Trung leo thang, các cuộc xung đột tác động đến thương mại toàn cầu, cũng như các vấn đề tài chính gần đây ở các nước phương Tây đang tạo ra nhiều thách thức cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay.
Chuyên gia của Hiệp hội Nghiên cứu Mỹ Latinh về châu Á và châu Phi khuyến nghị Việt Nam tiếp tục tăng cường sản xuất ở một số ngành, nhưng cần tính đến lợi thế so sánh của quốc gia nằm ở lĩnh vực nào. Tiến sĩ González chỉ rõ giá trị xuất khẩu cao nhất mà Việt Nam thu được không phải từ xuất khẩu gạo hay cà phê mà từ các sản phẩm công nghệ như điện thoại, linh kiện điện tử và phụ tùng, v.v. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, giúp cải thiện mô hình nội tại và giảm sự phụ thuộc vào khu vực bên ngoài.
Đề cấp đến triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay, ông González cho rằng tuy mức tăng trưởng quý I/2023 chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đây không phải là xu thế quyết định, bởi nền kinh tế Việt Nam thường có xu hướng tăng trưởng thấp vào đầu năm và đạt mức đáng khích lệ trong quý II và quý III. Nhà nghiên cứu chính sách quốc tế tin tưởng nền kinh tế năng động của Việt Nam sẽ tăng trưởng trên 5% trong năm nay bất chấp bối cảnh phức tạp hiện tại.
Tiến sĩ González lưu ý rằng các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng không đạt được mức tăng trưởng nêu trên, kể cả những nền kinh tế đã đạt đến giai đoạn phát triển tiên tiến. Việt Nam đã rất thành công trong quá trình không ngừng chuyển đổi và thích ứng với các đặc điểm của thời đại, vì vậy Việt Nam phải tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với sự năng động của bối cảnh hiện tại. Cho đến nay, Việt Nam đã làm rất tốt, điều quan trọng là phải tiếp tục thúc đẩy không chỉ các chính sách kinh tế, mà cả các chính sách xã hội tạo việc làm và tăng thu nhập để có thể góp phần nâng cao tiêu dùng trong nước.
Theo chuyên gia kinh tế này, Việt Nam có nguồn thu lớn từ đầu tư nước ngoài và xuất khẩu, những yếu tố này cùng với môi trường kinh doanh ngày càng hấp dẫn là động lực để nền kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng. Mặc dù vậy, môi trường kinh tế quốc tế phức tạp đòi hỏi phải chuẩn bị sẵn sàng cho tác động của một cuộc khủng hoảng kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy tiêu dùng trong nước, nhờ đó nền kinh tế Việt Nam có thể chịu ít tác động hơn và có khả năng phục hồi tốt hơn.
Nhà nghiên cứu González khuyến nghị Việt Nam quan tâm đến vấn đề lạm phát trong bối cảnh xu hướng này đang tăng ở nhiều nước do khu vực ngoại thương gặp khó khăn. Duy trì tính năng động của lĩnh vực sản xuất là rất quan trọng đối với xuất khẩu và trong không gian này, việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường là rất quan trọng.
Liên quan đến việc doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Cuba, chuyên gia kinh tế González chỉ ra rằng tình hình thế giới phức tạp, các biện pháp bao vây cấm vận kéo dài hơn 6 thập kỷ đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới môi trường kinh doanh tại đảo quốc Caribe này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tiềm năng để Cuba và Việt Nam tiếp tục tăng cường quan hệ và doanh nghiệp của cả hai nước còn nhiều dư địa để tiếp tục khám phá các cơ hội kinh doanh. Nhu cầu lớn hiện nay trong xã hội Cuba đối với các mặt hàng bán lẻ có thể mở ra không gian để tăng cường trao đổi thương mại về các sản phẩm thiết yếu. Cuba và Việt Nam cũng có thế tiếp tục đánh giá hợp tác tài chính và chia sẻ kinh nghiệm trong các vấn đề liên quan đến chính sách hối đoái và tiền tệ.
Nhà nghiên cứu Cuba đánh giá cao kinh nghiệm của Việt Nam trong vai trò lãnh đạo quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch ở Đông Nam Á. Theo ông González, không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam vượt Thái Lan trở thành quốc gia Đông Nam Á có công suất lắp đặt điện Mặt Trời lớn nhất. Chuyên gia phân tích chính sách này cũng cho rằng Việt Nam và Cuba chưa khai thác hết dư địa hợp tác trong lĩnh vực y học và công nghệ sinh học.