Để hiểu rõ triển vọng kinh tế quý IV/2021 và cả năm 2021, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.
Làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ tư đã khiến cho tăng trưởng của nền kinh tế giảm sâu trong quý III/2021 và mức tăng thấp trong 9 tháng. Ông cho biết những khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là đối với khu vực doanh nghiệp?
Làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ tư bắt đầu vào cuối tháng tư năm nay, bùng phát mạnh ở các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang, đồng thời lan rộng ra hầu hết các quận huyện tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, các tỉnh miền Tây Nam bộ và Thủ đô Hà Nội. Giai đoạn khốc liệt của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư diễn ra trong toàn bộ quý III/2021 khiến các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội từng khu vực, địa phương, gây nên chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa bị đứt gãy và nhiều đơn hàng sản xuất trong nước bị hủy, thiếu hụt lao động phục vụ sản xuất… Dịch đã gây muôn vàn khó khăn cho khu vực doanh nghiệp - khu vực tạo ra trên 60% GDP của nền kinh tế.
Trong 9 tháng năm 2021, có 90,3 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp dừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể. Trong số đó có tới 50,1% doanh nghiệp đã và đang làm thủ tục rút lui vĩnh viễn khỏi thị trường. Lần đầu tiên, số doanh nghiệp gặp khó khăn tạm ngừng sản xuất, chờ làm thủ tục và đã làm thủ tục giải thể lớn hơn số doanh nghiệp mới thành lập.
Làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ tư gây khốn khó cho cộng đồng doanh nghiệp trên nhiều góc độ. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, trong tháng 9/2021 có đến 95% doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; 80% doanh nghiệp phải tăng chi phí đầu vào do dịch; 54,2% doanh nghiệp tăng chi phí do giá nguyên vật liệu tăng; 49,5% doanh nghiệp tăng chi phí về logistic; đặc biệt có đến 33,4% doanh nghiệp thiếu lao động và 40,8% doanh nghiệp thiếu nguyên vật liệu sản xuất.
Một trong những nguyên nhân khiến GDP 9 tháng năm 2021 tăng trưởng thấp là do thâm hụt thương mại. Phải chăng để lấy lại đà tăng trưởng trong quý IV/2021, Việt Nam cần giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, giảm dần thâm hụt tiến tới thặng dư thương mại?
Tăng trưởng kinh tế của một thời kỳ dựa vào kết quả sản xuất của nền kinh tế trong thời kỳ đó, đáp ứng nhu cầu trong nước và nhu cầu của thị trường thế giới thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội quý III/2021 giảm 28,3% so với cùng kỳ năm trước và 9 tháng năm 2021 giảm 7,1%, loại trừ yếu tố giá giảm 8,7% là mức giảm rất sâu. Đây là nguyên nhân cơ bản làm cho tăng trưởng GDP quý III/2021 giảm 6,17% và GDP của 9 tháng chỉ tăng 1,42% vì tổng cầu trong nước chiếm tỷ trong cao trong GDP của nền kinh tế.
Cơ cấu xuất, nhập khẩu của nền kinh tế cho thấy, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có kim ngạch xuất khẩu chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của toàn bộ nền kinh tế và xuất siêu. Khu vực kinh tế trong nước và khu vực dịch vụ thường nhập siêu, đặc biệt khu vực dịch vụ có giá trị nhập siêu khá lớn.
Số liệu 9 tháng năm 2021 phản ánh rõ điều này và cụ thể kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 240,5 tỷ USD; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 62,7 tỷ USD, chiếm 26,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 177,8 tỷ USD, chiếm 73,9%. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 242,6 tỷ USD; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 83,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 158,93 tỷ USD; nhập khẩu tư liệu sản xuất đạt 227,6 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá.
Cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,13 tỷ USD; trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 21 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 18,87 tỷ USD. Khu vực dịch vụ trong 9 tháng năm 2021 có kim ngạch xuất khẩu đạt 2,66 tỷ USD, giảm 59,6% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 14,35 tỷ USD, tăng 7,2%, nhập siêu dịch vụ trong 9 tháng gần 11,7 tỷ USD.
Như vậy, từ bức tranh kinh tế của nước ta cho thấy, để lấy lại đà tăng trưởng trong quý IV/2021 và những năm tiếp theo, chúng ta phải thúc đẩy và đáp ứng được tổng cầu trong nước. Đồng thời, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để tăng cường xuất khẩu, mở rộng thị phần của hàng hoá xuất khẩu Việt Nam.
Cùng với đó, chúng ta phải đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, các ngành sản xuất nguyên vật liệu đầu vào đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ như: dịch vụ du lịch, dịch vụ vẩn tải, viễn thông … Có như vậy mới giảm nhập siêu và dần đi đến xuất siêu, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.
Vừa qua, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam từ 6,7% xuống còn 3,8%. Tuy vậy, ADB vẫn lạc quan về triển vọng trung và dài hạn của kinh tế nước ta. Theo ông, cơ sở nào để ADB và các định chế tài chính vẫn đặt niềm tin vào triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm nay?
Đầu năm nay, ADB đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Việt Nam ở mức 6,7% trên cơ sở năm 2020 được xem là một năm của những khó khăn và thách thức lớn đối với kinh tế thế giới nhưng là một năm thành công đối với kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái sâu, nghiêm trọng nhất trong lịch sử, tăng trưởng của các nền kinh tế lớn trong năm qua đều giảm sâu do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 nhưng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng 2,91% và Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương.
Tuy nhiên, đợt bùng phát đại dịch COVID-19 lần thứ 4 đã kéo triển vọng tăng trưởng năm 2021 đi xuống. Do giãn cách xã hội kéo dài tại các trung tâm kinh tế đã gây nên đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, gây nên thiếu hụt lao động và đứt gãy mạng lưới lưu thông phân phối.
Mặc dù rất nỗ lực vượt qua khó khăn nhưng khu vực doanh nghiệp bị tổn thương nghiêm trọng. Chỉ số quản trị mua hàng công nghiệp chế biến chế tạo tháng 6/2021 giảm xuống 44,1 điểm và đến tháng 8/2021 tiếp tục giảm xuống chỉ còn 40,2 điểm, báo động dấu hiệu suy thoái của khu vực công nghiệp.
Bức tranh kinh tế năm 2021 của nước ta có những nốt trầm do hậu quả của đại dịch COVID-19, song ADB và các định chế tài chính vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn.
Theo tôi, cơ sở của sự lạc quan này dựa trên sự phục hồi của cầu nội địa, với sức tiêu thụ của thị trường trên 97 triệu dân; môi trường vĩ mô ổn định, nền kinh tế năng động. Việt Nam đã là thành viên của nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương quan trọng có quy mô và tầm vóc lớn, đồng thời chúng ta đang mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới.
Bên cạnh đó, các nền kinh tế lớn như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và khu vực đồng tiền chung châu Âu có tính dẫn dắt kinh tế thế giới đã phục hồi sau đại dịch, đang đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu bùng phát sau hơn một năm bị thu hẹp.
Thêm nữa, Chính phủ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nâng cao năng lực và tạo sự đồng bộ hơn về cơ sở hạ tầng của nền kinh tế. Các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam, bằng chứng do đại dịch, dòng vốn đầu tư nước ngoài của thế giới suy giảm trên 30%, nhưng vốn FDI đổ vào nước ta vẫn tăng.
Thưa ông, trước những khó khăn của nền kinh tế, Chính phủ đã thực thi nhiều giải pháp để khắc phục. Xin ông cho biết khả năng phục hồi kinh tế trong quý IV/2021 và cả năm 2021?
Trong khó khăn, Chính phủ và các địa phương đã đồng hành với doanh nghiệp. Ngày 9/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, với mục tiêu tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi đại dịch. Chúng ta hy vọng Nghị quyết số 105/NQ-CP thực sự giúp doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh kịp thời tháo gỡ một phần khó khăn.
Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công như một giải pháp bù đắp một phần tăng trưởng cho khu vực doanh nghiệp. Tuy vậy, do tác động của đại dịch, các nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong khi thời gian còn lại quá ngắn, nền kinh tế không thể giải ngân hết được kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.
Làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ tư đã gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế; đặc biệt, đối với các trung tâm kinh tế của đất nước. Chỉ riêng tổng sản phẩm trên địa bàn của Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương chiếm 39% GDP của toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy, các địa phương này không phục hồi sản xuất sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tăng trưởng GDP của toàn nền kinh tế. Với các giải pháp và kết quả khống chế dịch trong thời gian qua, dự báo, trong quý IV/2021, các địa phương này khắc phục được suy giảm.
Với sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp, sự chỉ đạo sát sao nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn của Chính phủ và các địa phương, tôi cho rằng trong quý IV, kinh tế nước ta sẽ từng bước phục hồi, thoát khỏi tình trạng tăng trưởng âm của quý III/2021 đã là một thành công trong nỗ lực vượt khó chưa từng thấy của khu vực doanh nghiệp. Dự báo lạc quan kinh tế quý IV/2021 sẽ tăng từ 2-3% so với cùng kỳ năm trước, khi đó GDP cả năm tăng từ 1,6 - 2,1%.
Xin cảm ơn ông!