Nhằm góp thêm góc nhìn về các vấn đề mà nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt cũng như tìm ra các giải pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, đúng hướng, phóng viên thường trú Thông tấn xã Việt nam tại Washington (Hoa Kỳ) đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Thomas Jandl của Đại học Hoa Kỳ. Tiến sỹ Thomas Jandl của Đại học Hoa Kỳ. |
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Phóng viên: Rất cảm ơn tiến sỹ đã nhận lời trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam. Câu hỏi đầu tiên, ông nhìn nhận thế nào về nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện nay? Tiến sỹ Thomas Jandl: Trong các đánh giá mà chúng ta thường gặp trên báo chí và kể cả các tạp chí học thuật, có rất nhiều sự thổi phồng một cách quá đáng, lúc này thì họ nói Việt Nam là một hình mẫu kiểu mới, vài tháng sau họ lại nói mô hình của Việt Nam là một thảm họa và không còn hiệu quả nữa. Tôi thì luôn rất phản đối với những cách nhìn nhận kiểu như vậy bởi tôi cho rằng nếu chúng ta nhìn Việt Nam ở trong cả một tiến trình dài hạn, chúng ta sẽ thấy rằng Việt Nam đã và đang phát triển rất tốt.
Trước năm 1996, 70% người dân Việt Nam sống dưới mức nghèo khổ, hiện nay thì con số này chỉ còn là dưới 20%. Tôi nghĩ Việt Nam là một câu chuyện thành công. Do vậy tôi cho rằng nếu nhìn vào sự chững lại trong tăng trưởng từ 7% tụt xuống 5% để rồi nói rằng đang có vấn đề gì đó rất to lớn là không đúng. Nhưng mà nếu bảo Việt Nam là một hình mẫu thần kỳ, có thể tăng trưởng 10-15% thì cũng là không đúng. Tôi cho rằng Việt Nam đã làm khá tốt, có thể nói là rất tốt kể từ khi Đổi mới. Nhưng hiện nay Việt Nam cũng đang gặp nhiều thách thức.
Những thách thức đó một phần đến từ tác động của kinh tế toàn cầu và một phần từ thực tế rằng Việt Nam đang phải chuyển đổi từ một nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế theo mô hình công nghiệp hóa. Khi Việt Nam tăng trưởng trở thành một nước có thu nhập trung bình thì Việt Nam cần có một mô hình kinh tế khác và do đó Việt Nam cần phải thay đổi. Nhưng những thay đổi đó không có nghĩa là một thảm hoạ hay là Việt Nam đang lâm vào khủng hoảng. Tôi cho rằng tăng trưởng 5% là tốt và Việt Nam có thể làm tốt hơn.
Vấn đề đối với Việt Nam là cần phải làm gì trong dài hạn để có thể duy trì mức độ tăng trưởng đồng thời có thể chuyển đổi mô hình kinh tế từ giai đoạn công nghiệp hoá sang giai đoạn kinh tế tri thức. Việt Nam đang đi vào hay có thể nó là đang ở trong "bẫy thu nhập trung bình", đó là vấn đề song không phải là thảm họa hay khủng hoảng. Chính phủ Việt Nam cần giải quyết trong trung và dài hạn. Vấn đề thực sự cấp bách là chính phủ Việt Nam cần phải bắt đầu ngay từ bây giờ và tôi thấy chính phủ Việt Nam đang làm điều đó.
Phóng viên: Thưa tiến sỹ, một vấn đề lớn của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện việc này. Tiến sỹ đánh giá ra sao về vấn đề này?
Tiến sỹ Thomas Jandl: Hầu hết các quan chức Việt Nam mà tôi tiếp xúc đều hiểu tầm quan trọng của tái cấu trúc nền kinh tế. Nhưng tái cấu trúc là một vấn đề rất khó, không chỉ ở Việt Nam mà kể cả ở Mỹ cũng vậy. Nếu một ngành, một lĩnh vực nào đó phát triển mạnh thì ngành đó, lĩnh vực đó sẽ có quyền lực, tiếng nói rất lớn và rất khó cải cách.
Có một chính trị gia Mỹ, hiện là thị trưởng Chicago, và từng là cố vấn cho ông Obama ở nhiệm kỳ trước, đã nói một câu rất nổi tiếng vào năm 2008 là “Đừng bao giờ để lỡ cơ hội mà khủng hoảng mang lại”. Ý ông ấy là, sẽ dễ dàng hơn để tái cấu trúc kinh tế và chính trị mỗi khi có khủng hoảng. Ở cái nhìn như vậy, tôi thấy không phải là điều hoàn toàn xấu khi Việt Nam phải đối mặt với những thách thức cùng lúc. Đó là cuộc đối đầu về chủ quyền biển đảo với Trung Quốc và tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo tôi, sẽ rất khó tái cơ cấu trước khi biết chắc chắn TPP sẽ như thế nào. Việt Nam cần phải chuẩn bị cho việc là một thành viên của TPP. Do quá trình đàm phán TPP vẫn chưa hoàn thành nên việc tái cơ cấu có thể diễn ra hôm nay song sẽ lại tái cơ cấu tiếp vào năm tới. Tuy nhiên, việc tái cấu trúc cần được thực hiện theo hướng tuân thủ các tiêu chuẩn là thành viên của TPP.
Tôi cho rằng chính phủ Việt Nam đã làm khá tốt trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng của một nền kinh tế hướng vào xuất khẩu. Bài toán tới đây là làm sao Việt Nam chuyển dịch sang một nền kinh tế dựa trên năng suất lao động thay vì mô hình dựa trên số giờ lao động và số tiền đầu tư. Điều đó có nghĩa là Việt Nam cần chuyển sang mô hình tăng trưởng hiệu quả hơn, dựa vào lao động được đào tạo kỹ năng hơn, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Đó là vấn đề cần phải xử lý trong thời gian tới nếu Việt Nam muốn thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình".
Phóng viên: Ông có đề xuất cụ thể nào nhằm giúp Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng? Tiến sỹ Thomas Jandl: Theo tôi, điều mà chính phủ Việt Nam cần làm là sửa đổi Luật Đầu tư Nước ngoài. Luật này đã giúp mang rất nhiều các nhà đầu tư đến Việt Nam song nó không nhắm nhiều đến mục tiêu là loại nhà đầu tư nào. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thay đổi điều này. Ví dụ như tập đoàn Intel đã đầu tư nhà máy lớn sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Vấn đề cần phải làm ngay trong khi chờ đợi TPP là Việt Nam cần nỗ lực thu hút các nhà đầu tư để giúp nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có cơ hội và đang thực hiện việc chuyển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... sang một số địa phương lân cận có giá đất và lao động rẻ hơn rất nhiều. Cũng có thể làm như vậy đối với hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng. Ví dụ có thể chuyển các nhà máy này từ Bình Dương sang Long An chẳng hạn, sau đó tập trung vào các nhà máy tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Chính phủ trung ương đã làm việc này bằng việc tạo ra các khu công nghiệp. Tuy nhiên, các chính quyền địa phương cũng có thể thực hiện việc này. Ví dụ, thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực phối hợp cùng Long An để chuyển các nhà máy sử dụng rất nhiều lao động tới Long An. Đây là câu chuyện rất có ý nghĩa. Không phải là đẩy các nhà máy này ra khỏi Việt Nam. Việt Nam hiện vẫn còn nhiều địa phương còn không gian để phát triển. Rất nhiều người lao động muốn trở lại địa phương làm việc từ các khu công nghiệp. Đây là điều mà Việt Nam thực sự có thể và nên tập trung để thực hiện.
Phóng viên: Ở trên, tiến sỹ có đề cập đến TPP và mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc. Một số người cho rằng việc tham gia vào TPP ngoài các điểm lợi như báo chí đã đề cập, đây còn là động lực để thúc đẩy nhanh hơn quá trình tái cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế mà TPP mang lại. Tiến sỹ đánh giá ra sao về vấn đề này?
Cả hai câu chuyện này đều buộc Việt Nam phải tính toán lại phương cách làm kinh tế trong tương lai. Hiện có rất nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có đầu vào nhập từ Trung Quốc. Đây cũng là vấn đề mà Việt Nam phải đối mặt khi gia nhập TPP. Ví dụ như nếu Trung Quốc ngừng xuất khẩu các nguyên vật liệu cho dệt may Việt Nam, ngành công nghiệp xuất khẩu dệt may của Việt Nam sẽ không thể hoạt động được nữa.
TPP cũng vậy, nó yêu cầu Việt Nam phải nhập nguyên liệu đầu vào cho dệt may từ các nước trong TPP mà Trung Quốc thì không phải ở trong TPP. Do đó, cả hai thách thức này đều đòi hỏi Việt Nam phải đa dạng hoá nguồn nguyên liệu đầu vào cho dệt may, tốt nhất là tự sản xuất từ trong nước. Do đó, tôi thấy Việt Nam rất sáng suốt khi tham gia TPP.
Do vậy, TPP rất có lợi cho Việt Nam, nó buộc chính phủ phải thực hiện những cải cách mà ai cũng biết là cần phải làm: cải cách doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hoá chúng, ít nhất là tái cơ cấu, loại bỏ các đặc quyền mà chúng được hưởng như về vốn, đất đai, hợp đồng…, điều đã kìm hãm tốc độ tăng trưởng chung và gây ra lạm phát. Bên cạnh đó, cũng phải thấy là một số doanh nghiệp nhà nước khác hoạt động rất hiệu quả, ví dụ như Tổng công ty viễn thông quân đội (Viettel).
Phóng viên: Ông có đề cập đến việc Việt Nam tốt nhất là nên tự sản xuất các nguyên liệu đầu vào cho ngành dệt may ở trong nước. Liệu đó có phải là ông mong muốn Việt Nam cần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ hay không? Tiến sỹ Thomas Jandl: Các bạn cần phải giải quyết vấn đề thực sự của đầu vào là công nghiệp phụ trợ. Các ngành công nghiệp có quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Ví dụ các bạn có rất nhiều các nhà máy dệt may. Các bạn cần có các ngành công nghiệp phụ trợ được xây dựng xung quanh để hỗ trợ. Việt Nam có nguồn nhân công rẻ, lực lượng lao động khá dồi dào. Tại sao Việt Nam không thu hút đầu tư sản xuất vải sợi và toàn bộ công nghiệp phụ trợ của ngành dệt may. Hiện Trung Quốc cung cấp rất nhiều nguyên liệu đầu vào của ngành này như vải sợi, cúc...
Các bạn đang xây dựng ngành công nghiệp ô tô. Vài năm trước tôi được biết hãng Ford có nhà máy sản xuất ô tô ở Việt Nam và các bạn đang thúc đẩy công ty này sản xuất gương chiếu hậu xe hơi ở Việt Nam. Hãng Ford cho biết hãng sản xuất chỉ 800 chiếc xe hơi một năm và không thể xây dựng nhà máy sản xuất gương chiếu hậu. Chắc chắn Ford không thể xây dựng nhà máy sản xuất gương chiếu hậu hay lốp ô tô cho Việt Nam khi nó chỉ sản xuất 800 chiếc/năm. Tuy nhiên, nó có thể xây dựng nhà máy sản xuất cho thị trường ASEAN.
Cái Việt Nam cần là phải xây dựng các trung tâm sản xuất phụ tùng ô tô. Việt Nam đã thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp đã định hình. Điều này là tốt. Tuy nhiên, Việt Nam chưa tập trung thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ nhất định. Việt Nam đang cố gắng thu hút đầu tư vào ngành công nghệ cao. Đây là điều tốt và rất quan trọng, song nó không phải là tất cả do ngành công nghệ cao và ngành dệt may là hai thái cực.
Chúng ta cần cái gì đó ở giữa. Đây là điều Việt Nam còn thiếu. Chúng ta cần các ngành hỗ trợ cho việc sản xuất các máy móc kém quan trọng hơn. Việt Nam nên tập trung rất nhiều vào thu hút bất kể nguồn đầu tư nào, kể cả đầu tư sử dụng nhiều lao động và đầu tư công nghệ cao. Nếu các khu và cụm công nghiệp của Việt Nam cung cấp các ưu đãi đặc biệt, cơ sở hạ tầng tốt, thuê đất thấp thì điều này sẽ thu hút các nhà đầu tư về công nghiệp phụ trợ.
Thay vì nói chung là kêu gọi đầu tư, Việt Nam nên kêu gọi đầu tư cụ thể. Việt Nam nên xây dựng các cụm nhà máy tại các tỉnh và các khu vực nhất định nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp.
Phóng viên: Xin hỏi ông câu cuối. Ông có dự đoán gì về nền kinh tế Việt Nam và thế giới trong năm 2015? Tiến sỹ Thomas Jandl: Tuần này hay tuần trước, Phòng thương mại Mỹ (Amcham) nói rằng Việt Nam sẽ là nước cung cấp hàng đầu các sản phẩm tới Mỹ. Đây là tin tốt đối với Việt Nam vì nền kinh tế Mỹ đang phát triển khá tốt và tôi không có lý do gì để cho rằng nó sẽ phát triển kém đi so với năm nay. Vấn đề là ở châu Âu. Châu Âu dường như không có hành động chung.
Nếu châu Âu thực sự quay trở lại thời kỳ suy thoái thì nền kinh tế toàn cầu sẽ bất lợi. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng sự thực là Việt Nam tập trung mạnh vào Mỹ và có được thị trường ASEAN mạnh mẽ cộng với thị trường Đông Á. Đây là điều tốt cho Việt Nam. Tôi sẽ nói rằng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015 sẽ khá tốt. Nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ khá tốt.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn tiến sỹ về cuộc phỏng vấn này.
Quang Hòa (
P/V TTXVN tại Washington)