Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước (NSNN) có hiệu lực từ tháng 5/2022, được ngành Ngân hàng hết sức nỗ lực triển khai để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận, tuy nhiên tiến độ giải ngân rất thấp.
Đến cuối tháng 10/2023, gói này mới giải ngân được 873 tỷ đồng (chỉ đạt hơn 2,3% so với mục tiêu 40.000 tỷ đồng). Đây là một trong những giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp, người dân giảm chi phí kinh doanh, khôi phục sản xuất, hỗ trợ phục hồi, kích thích kinh tế nhưng đến nay, việc giải ngân hết gói hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết số 43/2022/ QH15 là không khả thi.
Phó Tổng thư ký Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn cho biết: “Chính sách hỗ trợ 2% lãi suất đang hướng đến khách hàng có khả năng phục hồi, rõ ràng các ngân hàng thương mại (NHTM) sử dụng tiền hỗ trợ từ ngân sách cho vay thương mại mà bảo đảm ‘có khả năng phục hồi’ - chắc là rất rủi ro. Ngoài ra, tâm lý của doanh nghiệp cũng ngại tình trạng thanh tra, kiểm tra sau khi vay, chúng tôi từng được biết, có những doanh nghiệp đã hoàn thành hồ sơ vay rồi, nhưng sau khi có phân tích là có thể có khả năng kiểm tra thì lại thôi".
Khảo sát doanh nghiệp của VCCI cho hay, chỉ có 29,5% doanh nghiệp biết tới chính sách này, trong đó có khoảng 2% doanh nghiệp đã nhận được khoản vay theo Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%; 56,7% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ 2%. Đa số các doanh nghiệp than phiền, điều kiện cho vay khó khăn là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Nghị quyết 43/2022/QH15 quy định tiêu chí cứng là "có khả năng phục hồi", đây là điều kiện để được hưởng chính sách ưu đãi này. Tuy nhiên, cả NHTM và doanh nghiệp đều rất khó xác định thế nào là "có khả năng phục hồi" nên rất khó thực hiện. “Việc triển khai thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất có nhiều mâu thuẫn. Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% hướng tới đối tượng doanh nghiệp khó khăn, báo cáo tài chính phải đi xuống... Nhưng nếu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, ngân hàng lại không mặn mà cho vay bởi nguy cơ nợ xấu”, ông Đoàn Quang Lê, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Trung Đô cho biết.
Nhiều doanh nghiệp than phiền, đối tượng thụ hưởng khó đáp ứng được yêu cầu về thủ tục hành chính. Thời gian hỗ trợ ngắn không giải quyết được bài toán khó khăn của doanh nghiệp. Trong khi đó, đối với khách hàng là hộ kinh doanh lại không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất...
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức tại cuộc họp báo Chính phủ mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Đào Minh Tú cho biết, quá trình giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% không được như mong muốn bởi nhiều nguyên nhân (do quy định chưa sát, điều kiện thực tiễn đã thay đổi,...).
“NHNN đã nhiều lần báo cáo, nên chuyển nguồn này sang các chính sách khác, những lĩnh vực đang thiếu vốn để tận dụng nguồn lực đang dôi dư”, ông Đào Minh Tú chia sẻ.
Kiến nghị chuyển sang hỗ trợ thuế
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết: Hết năm nay, số tiền chưa giải ngân được của gói hỗ trợ lãi suất 2% sẽ được chuyển nguồn sang cho chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và các chính sách hỗ trợ khác.
Ông Dũng cũng thừa nhận, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% của chương trình này chưa đạt được hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu do nền kinh tế gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp có đủ điều kiện vay lại không vay, do thiếu đơn hàng, do tình hình sản xuất khó khăn. Nhưng một số doanh nghiệp muốn vay lại không đủ điều kiện vay. Bên cạnh đó, quy định dự án ‘có khả năng phục hồi’, đã gây khó cho cả người cho vay và người vay.
Giới chuyên gia và doanh nghiệp đều đồng tình với đề xuất của Chính phủ trong bối cảnh tổng cầu có xu hướng suy giảm và doanh nghiệp đang gặp khó khăn, đặc biệt thị trường xuất khẩu. “Chuyển sang giảm thuế là hợp lý nhất. Khi bán sản phẩm ra là có thể thực hiện giảm thuế VAT. Hiện gói giải pháp giảm thuế VAT mang lại hiệu quả rõ nét và được đánh giá là gói giải pháp có hiệu quả", Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho biết.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, TS.Nguyễn Quốc Việt cho rằng, trong bối cảnh gói hỗ trợ lãi suất 2% “ế”, số tiền còn lại chưa được giải ngân nên chuyển sang sang mục đích chi khác để gói hỗ trợ này được hấp thụ tốt hơn. “Đề xuất giảm thuế, phí trực tiếp giống như đề xuất giảm thuế xăng dầu của Bộ Tài chính, vừa nhanh gọn, đơn giản, không cần thêm điều kiện, mà lại đúng mục tiêu chính sách từ đầu là hỗ trợ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh” TS.Nguyễn Quốc Việt nhận xét.