Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Tháp đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ gần 15,7 tỷ đồng cho những người chăn nuôi lợn. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Để kịp thời hỗ trợ người chăn nuôi lợn vượt qua khó khăn, khôi phục và ổn định sản xuất, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, nhiều tổ chức tín dụng đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng vay chăn nuôi lợn; trong đó, chỉ riêng Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ gần 15,7 tỷ đồng cho những người chăn nuôi lợn .
Theo thống kê của Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có gần 12.000 hộ chăn nuôi lợn, với tổng đàn gần 200.000 con, tập trung chủ yếu tại huyện Châu Thành, thành phố Sa Đéc, huyện Tháp Mười. Sản lượng lợn chủ yếu chỉ cung cấp 3/4 nhu cầu thị trường trong tỉnh, phần còn lại phải thu mua thêm từ các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Bến Tre... Trong cuộc khủng hoảng thừa vừa qua, Đồng Tháp đã có hơn 30% các hộ dân nuôi lợn trên địa bàn phải treo chuồng.
Ông Nguyễn Văn Quế, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp cho biết, đơn vị đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai chính sách tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay chăn nuôi lợn, sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất thuốc thú y .
Cụ thể, là cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh đối với dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Ngoài ra, căn cứ vào khả năng tài chính, các tổ chức tín dụng có thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ khác như miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn, ưu tiên thu nợ gốc trước, nợ lãi sau.
Kết quả, đến ngày 20/5, dư nợ chăn nuôi lợn, sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất thuốc thú y trên địa bàn là 1.739 tỷ đồng với trên 25.000 khách hàng còn dư nợ; trong đó, cho vay ngành chăn nuôi lợn là 603 tỷ đồng.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Quế, một trong những đơn vị triển khai tích cực giải pháp này là Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Tháp. Ngoài ra, còn có Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt cũng đã triển khai gói cho vay ưu đãi lãi suất thấp hơn so với lãi suất thị trường đối với khách hàng chăn nuôi lợn .
Ông Quế cũng cho biết thêm, thị trường lợn đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại, giá lợn hơi đã tăng trung bình 5.000 đồng đến 7.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, với tinh thần sát cánh cùng người chăn nuôi, đơn vị vẫn sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng gia hạn thời gian trả nợ cho người dân tùy theo khả năng tài chính và chiến lược của từng đơn vị, hoặc nếu người dân có những phương án kinh doanh, sản xuất khả thi, hiệu quả.
Mặc dù vậy, ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh cho rằng, để tránh tình trạng khủng hoảng thừa như vừa qua, người chăn nuôi không nên ồ ạt tăng đàn tự phát khi thị trường có những chuyển biến tích cực.