Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, sau hơn 30 năm thực hiện chính sách đổi mới và mở cửa, Việt Nam đã và đang chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Việc gia nhập cộng đồng kinh tế toàn cầu, tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho sự phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Mặc dù dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu, nhưng với quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ và người dân cả nước, hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra đại dịch.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 8,02%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD; kim ngạch xuất siêu của Việt Nam ra thị trường nước ngoài đạt 11,2 tỷ USD, cao gấp gần 4 lần mức xuất siêu của năm 2021.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2022 đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% s so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Những kết quả này khẳng định sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát và nền kinh tế tiếp tục trở lại với quỹ đạo tăng trưởng ổn định, bền vững trong thời gian tới.
Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19, nhưng hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển.
Thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc vẫn tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Về hợp tác đầu tư, tính đến hết năm 2022, Trung Quốc đầu tư 3.567 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đạt 23,48 tỷ USD. Hiện tại, Trung Quốc đứng thứ 6 (tăng 1 bậc so với năm 2021) trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Riêng năm 2022, Trung Quốc đứng thứ 4 trong số các đối tác đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 283 dự án cấp mới có giá trị 1,35 tỷ USD (trên 2,51 tỷ USD tổng số vốn đăng ký).
Theo ông Hoàng Minh Chiến, hòa chung trong dòng chảy thương mại phát triển ổn định, bền vững của hai nước, hợp tác thương mại giữa Việt Nam và tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) cũng có những bước phát triển đầy lạc quan.
Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và tỉnh Sơn Đông đạt gần 14 tỷ USD, tăng 35,1% so với năm 2021, chiếm 2,79% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Sơn Đông với thế giới và chiếm 14,14% kim ngạch xuất nhập khẩu của Sơn Đông với ASEAN.
Sơn Đông là thị trường giàu tiềm năng có quy mô lớn và là tỉnh có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc. Đây cũng là địa phương giữ vai trò nền tảng về công nghiệp với 41 ngành công nghiệp lớn, quan trọng và là điểm kết nối quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực phía Bắc của Trung Quốc.
Với vai trò, vị trí và quy mô thị trường, tiềm năng và dư địa để khai thác và phát triển hợp tác kinh tế, thương mại giữa các địa phương của Việt Nam và tỉnh Sơn Đông còn rất lớn.
Để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và tỉnh Sơn Đông phát triển ổn định, ông Hoàng Minh Chiến cho rằng, hai bên cần khuyến khích và tích cực tổ chức doanh nghiệp tham dự các hoạt động hội chợ, triển lãm lớn, có uy tín được tổ chức tại mỗi bên nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, thương hiệu và kết nối, giao thương.
Đồng thời, ông Hoàng Minh Chiến đề nghị tỉnh Sơn Đông tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường Trung Quốc bằng hình thức chính ngạch.
Về phía Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại sẵn sàng phối hợp với Ủy ban Xúc tiến thương mại tỉnh Sơn Đông tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tỉnh Sơn Đông kết nối, giao thương và hợp tác lâu dài với doanh nghiệp Việt Nam nhằm phát huy tính bổ sung lẫn nhau trong hợp tác kinh tế, thương mại...
Chia sẻ tại hội nghị, ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, Trung Quốc là đối tác quan trọng đối với Việt Nam khi liên tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất và là nguồn cung hàng hóa lớn nhất của Việt Nam.
Bởi vậy, Trung Quốc nói chung và các địa phương của Trung Quốc nói riêng luôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong chính sách phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại giữa các địa phương Việt Nam và tỉnh Sơn Đông hiện vẫn còn rất khiêm tốn, chiếm chưa tới 6% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, chưa tương xứng với tiềm năng, tính bổ trợ lẫn nhau của nền kinh tế và nhu cầu hợp tác thực tế của doanh nghiệp hai bên.
Những năm qua, nền kinh tế và doanh nghiệp hai nước bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch COVID-19 và diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, các doanh nghiệp hai bên không có cơ hội giao thương tiếp xúc trực tiếp để tìm kiếm các cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư.
Do đó, ông Tô Ngọc Sơn yêu cầu doanh nghiệp hai bên chủ động trao đổi, kết nối thông tin về nhu cầu thị trường và các quy định, chính sách thương mại của mỗi nước thông qua hệ thống các Thương vụ/Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại các địa phương của Trung Quốc như: Bắc Kinh, Quảng Châu, Nam Ninh, Côn Minh, Trùng Khánh, Hàng Châu và tới đây là Hải Khẩu, Thành Đô.
Bên cạnh đó, tích cực tham dự các Hội chợ triển lãm quốc tế được tổ chức tại mỗi nước như Hội chợ quốc tế hàng tiêu dùng tại Hải Nam, Hội chợ Thực phẩm quốc tế, Foodexpo, Hội chợ thương mại quốc tế Viet Nam Expo... để kết nối trực tiếp, đẩy mạnh các hoạt động giao thương, hợp tác kinh tế, thương mại ổn định, lâu dài, hiệu quả.
Các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung và tỉnh Sơn Đông nói riêng hỗ trợ doanh nghiệp nông, thủy sản của Việt Nam trong lĩnh vực chế biến, chuỗi cung ứng lạnh để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cũng như đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường Trung Quốc.
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cũng như Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung Quốc, tỉnh Sơn Đông để làm cầu nối hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên triển khai các hoạt động hợp tác trong tương lai.
Đại diện phía Trung Quốc, ông Lâm Nguyên – Phó Chủ tịch Uỷ ban Xúc tiến thương mại tỉnh Sơn Đông (CCPIT Sơn Đông), đánh giá cao ý nghĩa và vai trò của Hội nghị; trong đó, việc tổ chức Hội nghị sẽ góp phần phúc đẩy, làm sâu sắc hơn sự hợp tác, giao lưu kinh tế giữa hai nước cũng như thực hiện tốt nhận thức chung của Chính phủ hai nước về hợp tác kinh tế, đầu tư.
Còn theo ông Lý Chấn Dân – Tham tán thương mại Trung Quốc tại Việt Nam, thời gian qua hợp tác kinh tế, thương mai giữa hai nước đang phát triển tích cực; trong đó, nhiều đoàn doanh nghiệp Trung Quốc đã vào Việt Nam để tìm hiểu thị trường, đầu tư nhà máy sản xuất.
Đặc biệt, hợp tác địa phương hai bên được tăng cường. Theo đó, Sơn Đông là địa phương có nền kinh tế phát triển của Trung Quốc, nhiều lĩnh vực đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, nhất là công nghiệp. Đây là lợi thế để Việt Nam - Trung Quốc thúc đẩy, nâng cao hiêu quả hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
Tại Hội nghị, đại diện Cục Xúc tiến thương mại và đại diện Ủy ban Xúc tiến Thương mại quốc tế tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) đã giới thiệu các cơ hội hợp tác thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc. Đồng thời, trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn Lễ ký kết 7 Thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Sơn Đông.
Đặc biệt, điểm nhấn của Hội nghị là chương trình giao thương doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc (Sơn Đông) với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp trong 5 lĩnh vực chính: nông sản– thực phẩm, thiết bị máy móc, lốp cao su– phụ tùng ô tô, xây dựng – vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác.
Thông qua chương trình giao thương, các doanh nghiệp hai nước có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi trực tiếp về các vấn đề quan tâm với nhu cầu xuất – nhập khẩu từng mặt hàng cụ thể, qua đó góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam – Trung Quốc.