Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về xây dựng quy hoạch phát triển Cà Mau thành một trong những vựa tôm lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, đồng thời phấn đấu đến năm 2021 đạt 2 tỷ USD từ xuất khẩu thủy sản, việc xây dựng Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững nghề nuôi tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đối với địa phương càng trở nên cấp bách. Bởi, bên cạnh những thuận lợi mang tính đặc thù thì vẫn còn hàng loạt những khó khăn đang tồn tại, cản trở địa phương thực hiện mục tiêu đã đề ra.
Từ những triển vọng
Mô hình nuôi xen canh tôm càng xanh trên ruộng lúa ở Cà Mau những năm qua đã khẳng định tính hiệu quả. |
Cà Mau có tiềm năng, lợi thế rất lớn về phát triển thuỷ sản, đặc biệt là nuôi tôm, với ba mặt giáp biển, chiều dài bờ biển trên 254km với trên 80 cửa biển lớn. Vì thế, phần lớn diện tích đất tỉnh Cà Mau đều có nguồn nước mặn lợ với chất lượng khá tốt đáp ứng cho nhu cầu phát triển nuôi tôm nước lợ.
Hiện tại, tỉnh Cà Mau có 301.509 ha nuôi trồng thuỷ sản, trong đó diện tích nuôi tôm nước mặn, lợ là 278.642ha với nhiều loại hình nuôi như siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh kết hợp…
Ngoài ra, hiện Cà Mau có 32 nhà máy chế biến thuỷ sản, trong đó có 31 nhà máy chế biến tôm, công suất thiết kế trên 250.000 tấn thành phẩm/năm. Cùng với đó là một hệ thống dịch vụ phục vụ cho nghề nuôi tôm phát triển khá mạnh. Lực lượng cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản khá đông đảo và nguồn lao động trong lĩnh vực nuôi tôm dồi dào, hiện có trên 300.000 lao động.
Một triển vọng khác nữa chính là yếu tố thị trường. Theo dự báo của các chuyên gia, trong những năm tới sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi cho các nước có điều kiện tự nhiên nuôi tôm phát triển, trong đó có Việt Nam nói chung trong việc mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu tôm trên toàn thế giới.
Theo các nghiên cứu, dân số thế giới được dự báo đến năm 2020 đạt 7,76 tỷ người và nhu cầu tiêu thụ tôm nuôi sẽ đạt trên 80 gram/người/năm, bình quân tăng 6,91%/năm (nghiên cứu của FAO, 2016). Vì vậy, tổng nhu cầu tôm nuôi trên thế giới khoảng 6,55 triệu tấn. Nếu khu vực nuôi tôm trọng điểm của thế giới không bị tác động lớn bởi dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu thì nguồn cung chỉ đạt khoảng 4,44 triệu tấn vào năm 2018 (GOAL, 2016) và khoảng 4,49 triệu tấn vào năm 2020, bình quân tăng 4,14%/năm (FAO, 2016).
Như vậy, nhu cầu tôm nuôi trên thế giới có tỷ lệ gia tăng nhanh hơn nguồn cung và lượng tôm nuôi thiếu hụt khoảng 2,06 triệu tấn so với nhu cầu của thế giới vào năm 2020. Ngược lại, nếu các khu vực sản xuất tôm nguyên liệu bị tác động mạnh bởi ô nhiễm môi trường và dịch bệnh thì nguồn cung tôm nuôi sẽ bị thiếu hụt càng trầm trọng hơn.
Đồng thời, dự báo đến năm 2020, ba thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất trên thế giới là Mỹ, Nhật và EU thì thị trường Mỹ sẽ có tổng nhu cầu tiêu thụ tôm đạt khoảng 652.700 tấn, tăng bình quân 1,88%/năm; thị trường Nhật Bản sẽ có nhu cầu tiêu thụ 490.900 tấn; và thị trường EU có nhu cầu tiêu thụ tôm khoảng 889.800 tấn, bình quân tăng trưởng 0,66%/năm (FAO, 2016). Trong khi đó, tổng lượng cung tôm chế biến xuất khẩu của 9 quốc gia và khu vực hàng đầu thế giới trong đó có Việt Nam chỉ mới cơ bản đáp ứng nhu cầu của 3 thị trường Mỹ, Nhật và EU.
Đối với thị trường trong nước, theo nghiên cứu của các chuyên gia, kết hợp với các dự báo của VASEP (2017) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2011) về mức tiêu thụ thuỷ sản của người Việt Nam đến 2020 thì tỷ lệ tăng trưởng tiêu thụ nội địa bình quân tăng 5%/năm. Vì vậy, tổng nhu cầu tiêu thụ tôm nước lợ nội địa đến năm 2020 là khoảng hơn 187.000 tấn.
Từ các yếu tố trên, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau khẳng định, địa phương có nhiều thuận lợi để phát triển nghề nuôi tôm nước lợ với con tôm sú và tôm thẻ theo nhiều hình thức, từ tôm - lúa đến tôm - rừng theo hình thức quảng canh. Đồng thời, nâng cao hơn là nuôi thâm canh, hình thành nhiều vùng nuôi siêu thâm canh với quy mô lớn, khả năng ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra một lượng lớn, đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu ngày càng được mở rộng.
Đến những thách thức to lớn
Tôm sau khi thu hoạch được giữ sống để tăng giá trị kinh tế. |
Tuy triển vọng là vậy, nhưng theo đánh giá của ngành nông nghiệp, trong thời gian qua, nghề nuôi tôm Cà Mau phát triển chưa ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn thách thức. Trong đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; kết cấu hạ tầng phục vụ cho nuôi tôm chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất; dịch bệnh trên tôm nuôi còn diễn biến phức tạp gây thiệt hại không nhỏ cho người dân; môi trường nuôi tôm ngày càng xấu.
Bên cạnh đó, đất đai bị ô nhiễm, bạc màu; tổ chức sản xuất còn manh mún nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chất lượng sản phẩm ngành hàng tôm còn hạn chế, giá cả còn bấp bênh, sản phẩm làm ra chưa đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Ngoài ra, nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu cho phát triển sản xuất; trình độ nắm bắt kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế, khó khăn trong việc tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng các quy trình kỹ thuật.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về xây dựng quy hoạch, phát triển Cà Mau thành vựa tôm lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, đề án xác định, đến sau năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản phải đạt 2 tỷ USD, tăng gấp đôi so với thời điểm hiện tại. Đến năm 2030, đạt sản lượng tôm nuôi phải đạt trên 412.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 3 tỷ USD.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã nhanh chóng hoàn thành dự thảo Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững nghề nuôi tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Thế nhưng, tại các phiên góp ý hoàn thành dự thảo, nhiều đại biểu tỏ ra rất băn khoăn đến tính khả thi của đề án. Theo đó, trong giai đoạn 2010 – 2015, sản lượng tôm tăng trưởng trung bình chỉ đạt 4,12% năm. Để kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 2 tỷ USD vào sau năm 2020, tỉnh phải sản xuất ra 280.000 tấn tôm, sản lượng tôm tăng trung bình tới 17,85%/năm, tăng gấp 4 lần so với giai đoạn trước đây.
Để thực hiện được vấn đề tăng năng suất, sản lượng trong thời gian ngắn, tỉnh phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quy hoạch, đầu tư hạ tầng để phát triển diện tích nuôi tôm siêu thâm canh từ 175ha ở thời điểm này lên 1.000 ha vào năm 2020. Chuyển 170.000 ha nuôi tôm quảng canh lên quảng canh cải tiến, đưa năng suất tôm nuôi từ 550 kg/ha/năm lên 700 kg/ha/năm. Đồng thời, tăng diện tích nuôi thâm canh (nuôi công nghiệp) thêm 3.000 ha.