Hoạt động “chui”
Theo Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) Trần Bảo Ngọc, cả nước hiện có 10 tỉnh, thành là: Hà Nội, Lào Cai, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho phép thí điểm hoạt động xe điện 4 bánh để chở khách du lịch trong nội đô, với khoảng 1.300 chiếc của 40 doanh nghiệp. Sau gần 4 năm thí điểm hoạt động, phương tiện này đang đem lại hiệu quả trong việc thu hút du khách tham quan tại các địa phương vì ít gây ô nhiễm, thay thế được các loại phương tiện như: Xe ngựa, xe ôm, xe đạp, xích lô... Bên cạnh đó, xe điện 4 bánh có tốc độ di chuyển thấp, đảm bảo an toàn khi lưu thông nên đến nay chưa xảy ra vụ tai nạn nào liên quan đến loại xe này.
Xe điện 4 bánh hoạt động tại Huế. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN |
Tuy nhiên, do phương tiện này chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ nên hiện nay việc thực hiện thủ tục đăng ký, cấp biển số, đăng kiểm an toàn kỹ thuật, áp biểu tính các loại thuế, phí cầu đường, biểu tính thu tiền quỹ bảo trì đường bộ... đều gặp khó khăn cho cả doanh nghiệp và cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Hữu Trí, Cục phó Cục Đăng kiểm thừa nhận: Trong số 1.300 xe điện được nhập khẩu đang hoạt động tại Việt Nam, hiện mới có 176 xe được đăng kiểm, chiếm 13,5%. Số xe còn lại đang hoạt động “chui”. Còn thống kê của Cục Cảnh sát giao thông thì số lượng xe đang nằm ngoài vùng quản lý, không đủ giấy tờ đăng ký, đăng kiểm còn nhiều hơn con số này, vì không có nguồn gốc hồ sơ giấy tờ, thuế, nên nhiều doanh nghiệp không đến cơ quan công an đăng ký...
Trao đổi vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết: Hiện xe điện 4 bánh hoạt động do chính quyền địa phương quy định. Có địa phương quản lý rất tốt và cũng có địa phương quản lý chưa tốt. Số lượng xe hiện nay có thể tăng đột biến, phát sinh tự phát, xe chạy theo quy hoạch luồng tuyến thì lại để chạy ra ngoài, gây bức xúc dư luận. Hiện nay, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 15, Bộ GTVT có Thông tư 86 quy định quản lý, nhưng chỉ mang tính chất tạm thời, chưa chặt chẽ.
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Đại diện Công ty Điện tử tin học viễn thông (Hải Phòng), doanh nghiệp có 50 đầu xe hoạt động ở khu du lịch Đồ Sơn, Cát Bà, Hải Phòng cho biết: Thông tư 86/2014/TT - BGTVT của Bộ GTVT quy định điều kiện đối với xe chở người 4 bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế thì doanh nghiệp phải có giấy tờ nguồn gốc chứng nhận đăng kiểm. Nhưng trước khi có thông tư này, do chưa có quy trình tiêu chuẩn chất lượng cho xe điện 4 bánh nên các nhà sản xuất chưa có giấy chứng nhận đăng kiểm. Vì vậy, doanh nghiệp kinh doanh vận tải sẽ gặp nhiều khó khăn nếu cơ quan chức năng yêu cầu.
Phó giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa Vương Quốc Tuấn chia sẻ: Thị xã Sầm Sơn có hơn 400 xe điện 4 bánh hoạt động, nhưng tất cả vẫn chưa có đăng ký, đăng kiểm đúng luật. Các xe này đều sản xuất trong nước, chỉ có giấy chứng nhận xuất xưởng của cơ sở sản xuất, có giấy chứng nhận sản xuất thí điểm. Do không có giấy chứng nhận đăng kiểm của Cục Đăng kiểm, nên không làm được thủ tục đăng ký. Mặc dù, thị xã Sầm Sơn đã chủ động nộp thuế với cơ quan quản lý thuế, nhưng vẫn không đăng kiểm được theo Thông tư 86...
“Hiện nay, các doanh nghiệp du lịch rất muốn đăng ký, đăng kiểm và gửi văn bản đến Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị có hướng dẫn cụ thể để đăng kiểm và đưa ra giải pháp trước mắt là chưa đăng ký được thì theo đánh số thứ tự trên xe vẫn cho đăng ký theo Thông tư 86, để quản lý hoạt động trong phạm vi hẹp”, ông Tuấn cho biết.
Trước thực tế trên, hiện nay nhiều cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ GTVT và các cơ quan liên quan sớm hoàn thiện và ban hành quy định quản lý hoạt động về quản lý đăng ký, đăng kiểm. Đồng thời đề xuất Chính phủ nên có cơ chế riêng để hợp thức hóa số lượng xe điện 4 bánh trên được đăng ký, đăng kiểm để quản lý chặt chẽ hơn.
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Sở GTVT 10 địa phương trên đang rà soát số lượng xe hiện có, đề xuất các giải pháp quản lý, để Bộ GTVT tổng hợp, bổ sung vào Nghị định 86/CP về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô sát với thực tiễn, không trở thành rào cản. Dự kiến, trong 2 tháng tới sẽ hoàn chỉnh văn bản quy phạm pháp luật quản lý phương tiện này.
“Thủ tục đăng ký, đăng kiểm xe điện 4 bánh phải phân tích ra thiếu đủ cái gì để kiến nghị giải pháp, tránh trường hợp thất thoát thuế của Nhà nước, nhưng cũng tạo điều kiện cho đăng ký, đăng kiểm. Thuế chưa đóng thì hồi tố lại ở mức nào đó, đăng kiểm xác nhận về an toàn kỹ thuật môi trường rồi đem đi đăng ký, cấp biển”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định.