Đây cũng là thành công của dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm "Vải trứng Hưng Yên" triển khai tại huyện Phù Cừ, do Công ty TNHH phát triển tài sản trí tuệ Việt thực hiện trong năm 2019.
Dự án nhằm mục tiêu là đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu, hoàn thiện các công cụ quản lý nhãn hiệu chứng nhận; xây dựng công cụ quảng bá, giới thiệu phát triển sản phẩm tạo tiền đề cho quả vải trứng Hưng Yên phát triển đúng với tiềm năng và thế mạnh vốn có. Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Tiến (xã Phan Sào Nam) là đơn vị được quyền sử dụng mã số cho sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Vải trứng Hưng Yên”.
Vải trứng được trồng khởi điểm ở xã Phan Sào Nam và được nhân rộng ở nhiều nơi trên đồng đất huyện Phù Cừ. Đây là loại vải có nhiều ưu thế vượt trội so với các loại vải khác như quả to hình thù như trứng gà, trọng lượng từ 18 - 22 quả/kg, vỏ mỏng có màu đỏ tươi, cùi dày, vị ngọt sắc và thơm mát đặc trưng.
Do chất lượng thơm ngon độc đáo, vải trứng được bán tại vườn với mức 70.000 đồng/kg, cao gấp hơn 3 lần so với vải lai chín sớm, gấp 10 lần vải thiều chính vụ của các vùng khác.
Ông Nguyễn Hồng Chuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ cho hay, hiện nay, diện tích trồng vải chín sớm trên địa bàn huyện là gần 2.000 ha, với hơn 800 ha đang cho thu hoạch; trong đó vải trứng là 200 ha với gần 40 ha đang cho quả. Huyện đang mở rộng chuyển đổi các vùng trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng vải trứng ở các xã Phan Sào Nam, Minh Tân, Quang Hưng, Đoàn Đào, Minh Hoàng, thị trấn Trần Cao... nhằm phát triển diện tích cây vải trứng theo hướng hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng, việc đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu "Vải trứng Hưng Yên" sẽ góp phần xây dựng và bảo vệ thương hiệu đặc sản của tỉnh, liên kết các hộ sản xuất, kinh doanh cùng xây dựng, bảo vệ sản phẩm đặc sản của vùng đất Phố Hiến.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ chỉ đạo huyện Phù Cừ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây vải trứng để cây vải trứng Hưng Yên cho hiệu quả và chất lượng cao.
Tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tốt việc bảo tồn giống vải trứng đảm bảo chất lượng; Sở Khoa học và Công nghệ tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân có thể sử dụng nhãn hiệu chứng nhận một cách hiệu quả; Sở Công Thương kết nối cung cầu, liên kết để tạo ra mạng lưới phân phối, tiêu thụ chặt chẽ, nghiêm ngặt và có hiệu quả tại thị trường nội địa tiến tới xuất khẩu.