Công nghệ thông tin và viễn thông: Mảng sáng hiếm hoi

Trong khi hầu hết các lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực vì dịch COVID-19, sản xuất đình trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng, chịu giá cước vận tải tăng cao, thiếu container… thì ngành công nghệ thông tin và viễn thông vẫn tìm thấy cơ hội phát triển.

Chú thích ảnh
Nhân viên VNPT Bình Phước xử lý kỹ thuật tại phòng Tổng đài, hệ thống truyền dẫn. Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN

Xu hướng tăng trưởng mạnh trong dài hạn

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (BOS), xu hướng chuyển đổi số khiến ngành công nghệ thông tin đứng trước cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ dài hạn.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình Chuyển đổi số Quốc gia với mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ra mắt hàng loạt các sản phẩm chuyển đổi số bao gồm chuỗi khối, cổng hỗ trợ thanh toán, nền tảng lập trình giao tiếp...

Không chỉ vậy, các doanh nghiệp lớn thuộc các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bán lẻ... cũng đều có nhu cầu cao trong việc số hoá các quy trình, thủ tục của doanh nghiệp.

Trong báo cáo khảo sát mới đây với top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam của Vietnam Report, các doanh nghiệp đồng thuận rằng một trong những ưu tiên chiến lược để vượt qua thách thức tăng trưởng trong thời gian này đó là ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh.

Dịch COVID-19 thúc đẩy sự thay đổi công nghệ trong toàn nền kinh tế. Theo dự báo có tới 6 lĩnh vực sẽ thay đổi sau COVID-19 bao gồm: làm việc trực tuyến; giáo dục trực tuyến; y tế từ xa; các phương tiện lái tự động; mua sắm trực tuyến; ngành công nghiệp; tổ chức các sự kiện, hội chợ triển lãm ảo trên không gian mạng thay vì tổ chức trong đời thực.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần FPT, ông Nguyễn Văn Khoa cho rằng, thế giới đang bước vào kỷ nguyên số được nhận định là “thời cơ vàng” cho các công ty công nghệ.

Dịch COVID-19 đặt ra thách thức chưa từng có cho các doanh nghiệp, nhưng lại là cơ hội rất lớn bởi tất cả các tổ chức, doanh nghiệp, quốc gia đều thực hiện chuyển đổi số.

Theo dự báo của IDC - Hãng cung cấp dữ liệu thị trường về công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, đầu tư vào chuyển đổi số vẫn đang tăng với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) dự báo đạt 15,5% trong giai đoạn 2020 - 2023. Dự kiến lĩnh vực này sẽ đạt 6.800 tỷ USD, khi nhiều công ty đang tận dụng các chiến lược đầu tư hiện có với sự trợ giúp của công nghệ để trở thành doanh nghiệp số tương lai.

IDC cũng dự báo tới năm 2022, có tới 65% GDP toàn cầu sẽ đến từ số hóa. Cuối năm 2022, có 70% các tổ chức và doanh nghiệp sẽ tăng tốc chuyển đổi số, nhằm chuyển đổi quy trình hoạt động hiện tại để tăng cường tương tác với khách hàng, cải thiện năng suất lao động và nâng cao năng lực phục hồi của doanh nghiệp.

Theo ông Khoa, việc triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 trên phạm vi toàn cầu sẽ góp phần củng cố sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam, cũng như quốc tế trong thời gian tới đây, kéo theo chỉ báo tăng trưởng cho ngành công nghệ thông tin.

Kết quả kinh doanh vượt trội

Thực tế, những triển vọng và cơ hội của ngành công nghệ thông tin và viễn thông đã được hiện thực hóa trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đơn cử, đối với doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như Công ty cổ phần FPT, trong 7 tháng năm 2021 đạt doanh thu hơn 19.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.428 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực chính dẫn đến sự tăng trưởng này tới từ nhu cầu gia tăng mảng công nghệ và cải thiện biên lợi nhuận ở mảng viễn thông.

Năm 2021, công ty đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 5.261 tỷ đồng. Như vậy, sau 7 tháng, doanh nghiệp này đã hoàn thành hơn 65% kế hoạch năm.

Nửa đầu năm 2021, doanh thu của Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC cũng tăng mạnh 23% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.301 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 62,4 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2020.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ ra, nửa đầu năm 2021, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông đạt hơn 66.290 tỷ đồng, tăng 5,29% so với cùng kỳ năm trước.

Có thể kể đến đại gia trong ngành viễn thông là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), nửa đầu năm 2021 đạt doanh thu 128.600 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 19.900 tỷ đồng, lần lượt tăng 6,8% và 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng có kết quả kinh doanh rất tích cực trong nửa đầu năm 2021. Cụ thể, doanh thu hợp nhất của tập đoàn là 26.503 tỷ đồng; lợi nhuận hợp nhất đạt 3.6 tỷ đồng, lần lượt tăng 5,1% và 3,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ thúc đẩy hoạt động đấu thầu tại các doanh nghiệp có lợi thế về giao thông thông minh, thu phí tự động...

Gói công nghệ thông tin cho 11 tuyến đường sẽ có tổng giá trị 4.000 tỷ đồng, tập trung vào các dịch vụ giao thông thông minh, giám sát điều hành, thu phí tự động.

Tuy nhiên BSC cho rằng, không chỉ có thuận lợi, việc dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng có thể gây ra những khó khăn và khiến tốc độ đấu thầu các dự án của doanh nghiệp viễn thông chậm lại.

Đơn cử như trường hợp của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử Viễn thông (Elcom), một số hợp đồng lớn mảng giao thông, an ninh quốc phòng mà công ty đang triển khai bị ngắt quãng, triển khai chậm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Vì lý do này, doanh thu quý II/2021 của công ty giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế còn 8,5 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2020.

Dù vậy, tính chung kết quả 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 18,7 tỷ đồng, tăng 31% nhờ các dự án, hợp đồng vừa và nhỏ, các hợp đồng dịch vụ giá trị gia tăng đem lại hiệu quả kinh doanh tích cực, với biên lợi nhuận gộp (yếu tố cơ bản đại diện cho khả năng sinh lời và sức cạnh tranh của công ty) đạt cao.

Thực tế dù vẫn có những thách thức, song các doanh nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông đã tận dụng và nắm bắt cơ hội để đạt mức tăng trưởng ấn tượng, trở thành “mảng sáng” khá hiếm hoi trong bức tranh lợi nhuận chung, giữa bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Văn Giáp (TTXVN)
Giải pháp công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới
Giải pháp công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới

Ngày 13/9, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 242/TB-VPCP thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về các giải pháp công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN