Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 6 tháng năm 2018 đạt 7,08% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất ống cống đường kính lớn theo tiêu chuẩn Việt Nam của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu Khu công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Các chỉ số kinh tế trong quý 2 khá tích cực, trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,93%; đóng góp 9,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,9%, đóng góp 41,4%; đặc biệt khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,07%, đóng góp 49%.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 9,28%, cao hơn nhiều mức tăng 7,01% và 5,42% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017, đóng góp 3,05 điểm phần trăm vào tốc độ tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

“Điểm sáng của khu vực này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13,02%. Là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây, đóng góp 2,63 điểm phần trăm. Trong khi đó, công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm (giảm 1,3%), làm giảm 0,1 điểm phần trăm mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm nhưng mức giảm đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 7,8% của cùng kỳ năm trước. Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm duy trì được mức tăng trưởng khá với tốc độ 7,93%, đóng góp 0,48 điểm phần trăm”, Tổng cục trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp,Tổng cục Thống kê cho rằng, tăng trưởng kinh tế vẫn phụ thuộc khá lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Hiện, tại các doanh nghiệp FDI đóng góp nhiều về tạo ra việc làm, kim ngạch xuất khẩu và một phần nào là thu ngân sách cho nền kinh tế.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, trong các ngành công nghiệp, một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Cụ thể, sản xuất kim loại tăng 20,7%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 20,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 18,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 17,5%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 16,2%.

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cũng đưa ra dự báo, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ khó duy trì tốc độ tăng cao trong những tháng cuối năm. Theo đó, dự kiến 6 tháng cuối năm 2018 sản xuất công nghiệp tăng chậm hơn 6 tháng đầu năm.

Nguyên nhân chủ yếu do trong 6 tháng cuối năm tình hình thời tiết không thuận lợi cho khai thác than và khai thác dầu, khí. Do vậy, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đặt kế hoạch giảm khai thác trong 6 tháng cuối năm.

Tiếp đến là ngành chế biến, chế tạo cuối năm sẽ tăng chậm lại do ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học dự kiến tăng chậm hơn nhiều so với những tháng đầu năm do kế hoạch sản xuất và xuất khẩu không thuận lợi của Công ty Samsung.

Bên cạnh đó, ngành sản xuất kim loại sẽ giảm dần vào 6 tháng cuối năm chủ yếu do tác động giảm từ Formosa (6 tháng đầu năm sản lượng tăng 706% nhưng dự kiến cả năm chỉ còn tăng 220%) và ngành sản xuất và phân phối điện dự kiến tăng thấp hơn do nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng của dân cư 6 tháng cuối năm giảm...

Thúy Hiền (TTXVN)
Triển lãm ngành công nghiệp chế biến và đóng gói lớn nhất Việt Nam quay trở lại
Triển lãm ngành công nghiệp chế biến và đóng gói lớn nhất Việt Nam quay trở lại

Từ ngày 20 -22/3, triển lãm quốc tế về ngành công nghiệp chế biến và đóng gói lớn nhất Việt Nam (ProPak Vietnam 2018) được tổ chức tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC). Đây là lần thứ 13 triển lãm ProPak Vietnam nhằm mang những công nghệ mới nhất giới thiệu đến doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN