Thông tin rõ hơn về tình hình này, ông Vương Hoàng Giang, Trưởng phòng An toàn vệ sinh thực phẩm và Môi trường, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vừa qua có một số doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật Bản sản phẩm chủ yếu là rau gia vị với số lượng rất ít. Một số lô hàng chỉ vài chục kilogram và chủ yếu phục vụ người Việt tại Nhật Bản.
Trong hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật phía Nhật Bản xác định vượt ngưỡng giới hạn cho phép của họ đều là các hoạt chất phía Nhật Bản không sử dụng nên họ áp dụng mức tồn dư tối đa cho phép (MRL) là 0,01 mg/kg. Đây là mức cho phép thấp nhất.
Theo ông Vương Hoàng Giang, mỗi nước có sự khác nhau về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Chẳng hạn, Việt Nam là nước nhiệt đới nên sẽ sử dụng những thuốc mà nước nhiệt đới hay sử dụng, nhưng Nhật Bản là nước ôn đới nên họ sẽ không sử dụng.
Trong khi xây dựng mức dư lượng tối đa cho phép trong an toàn thực phẩm, Nhật Bản chủ yếu xây dựng trên cây trồng của nước họ. Do đó, những sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật không sử dụng ở nước họ, họ sẽ tự động áp dụng mức tồn dư tối đa cho phép là 0,01 mg/kg.
Chẳng hạn, quả thanh long bị tăng cường kiểm tra hoạt chất metalaxyl. Đây là hoạt chất có trong thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam. Nhưng vì Nhật Bản chưa có quy định mức tồn dư tối đa cho phép trên thanh long với hoạt chất này nên họ áp mức 0,01 mg/kg.
"Khi thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cho cây trồng nhiệt đới xuất khẩu sang ôn đới, chẳng hạn như Nhật Bản thì nông sản Việt Nam chắc chắn sẽ bị cảnh báo. Không chỉ xuất khẩu sang Nhật Bản, mà khi nông sản Việt xuất khẩu sang EU cũng hay gặp tình trạng này." ông Vương Hoàng Giang cho hay.
Ông Vương Hoàng Giang cho biết, sau khi phía Nhật Bản cảnh báo, Cục Bảo vệ thực vật đã vào cuộc truy xuất tìm nguyên nhân, đồng thời báo cáo với Nhật Bản về cách khắc phục và việc truy xuất sản phẩm. Cục cũng đã thông báo cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Nhật Bản sẽ phải chịu tần suất kiểm tra phía Nhật Bản đưa ra.
Doanh nghiệp khi xuất khẩu những mặt hàng này phải cân nhắc, hiểu rõ và tuân thủ đúng những quy định về an toàn thực phẩm của Nhật Bản. Cách tốt nhất trước khi xuất khẩu, doanh nghiệp nên thực hiện kiểm tra các chỉ tiêu đó để đảm bảo trong xuất khẩu cũng như uy tín nông sản Việt. Không chỉ thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp cũng phải tìm hiểu rõ những quy định của thị trường mình xuất khẩu sang.
Hiện nay, đối với những nông sản có sản lượng lớn, Việt Nam đã áp dụng mã số vùng trồng để truy suất nguồn gốc. Việt Nam đang hướng tới sản xuất nông sản theo chuỗi, tăng cường quản lý từ nơi sản xuất, sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật. Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng theo yêu cầu của từng thị trường. Việc sử dụng thuốc cũng như quản lý vùng trồng rất quan trọng. Vùng trồng đó không những sản xuất an toàn trong nước mà còn phải đáp ứng đúng thị trường xuất khẩu.
Ông Vương Hoàng Giang cho rằng, ngoài việc kiểm soát chất lượng trong sản xuất, quản lý tốt vùng trồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế cần đưa mức tồn dư tối đa cho phép các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật sử dụng ở Việt Nam nhưng không sử dụng ở Nhật Bản cũng như nhiều thị trường khác để đàm phán và có sự công nhận lẫn nhau, nhất là đối với các nông sản có số lượng lớn. Đây là xu hướng chung của các nước xuất khẩu nông sản đang thực hiện.
Vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản số 1045/BVTV-ATTPMT gửi các Chi cục Kiểm dịch thực vật, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản và các tổ chức, cá nhân liên quan thông tin về việc Nhật Bản tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm một số mặt hàng nông sản.
Văn bản nêu, Cục Bảo vệ thực vật nhận được thông tin từ Thương vụ Việt Nam và trên website của Bộ Y tế, Lao Động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, trong vòng 4 tháng đầu năm 2019, cơ quan chức năng Nhật Bản đã kiểm tra và phát hiện nhiều lô hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép của Nhật, ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam.
Với vi phạm trên, Nhật Bản dự kiến áp lệnh kiểm tra 100% đối với các sản phẩm của Công ty vi phạm và tăng cường kiểm tra chung đối với mặt hàng cùng loại của Việt Nam.
Theo đó, rau ngót tươi 30% đối với hoạt chất hexaconazol; rau mùi tàu tươi (ngò tàu tươi) 100% đối với chlorpyrifos, cypermethrin, profenofos, hexaconazole; 30% đối với tebuconazole, Pydaben, Fenbuconnazole; trà chưa lên men 30% đối với triazophos; nấm Fukurotake 30% đối với chlorpyrifos; thanh long tươi 30% đối với metalaxyl, mefenoxam.
Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các nhà xuất khẩu Việt Nam phải tìm hiểu, theo dõi và tuân thủ đúng các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm của Nhật Bản, tránh gây thiệt hại về kinh tế cũng như uy tín xuất khẩu của nông sản Việt Nam. Các doanh nghiệp rà soát quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu; thực hiện ngay các biện pháp phòng ngừa, bảo đảm kiểm soát nguồn hàng từ sản xuất ban đầu tránh tái diễn tình trạng vi phạm.