Cụm công nghiệp 'vướng' cơ chế

Với những điểm mới trong khuyến khích đầu tư, quản lý, các cụm công nghiệp trên cả nước đang đi vào nề nếp, mang lại hiệu quả kinh tế cho các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên sau 1 năm đi vào thực tiễn, Nghị định số /2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (Nghị định ) cho thấy, hoạt động thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp địa phương vẫn còn gặp khó khăn.

Tỉnh Hải Dương hiện có 33 cụm công nghiệp đã được thành lập, nhưng đến nay mới chỉ có hai cụm công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng. Còn lại 31 cụm công nghiệp khác chưa có chủ đầu tư cơ sở hạ tầng.

Cùng với Hải Dương, Thanh Hóa có tới 45 cụm công nghiệp có doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong cụm, thu hút 261 doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Thế nhưng, báo cáo của tỉnh này cho hay, tỉnh chưa có cụm công nghiệp nào được đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, mặc dù đã có 10 cụm công nghiệp được cơ bản lấp đầy. Điều này cho thấy, việc thu hút, mời gọi các nhà đầu tư vào đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Lê Tiến Lam, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp lớn. Tại Nghị định quy định: ngân sách Nhà nước ưu tiên hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp làng nghề. Tuy nhiên, vốn ngân sách Trung ương cả giai đoạn 2016-2020 chỉ hỗ trợ cho tỉnh Thanh Hóa 1 cụm công nghiệp.

Cùng với đó, hạ tầng giao thông ngoài cụm công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là cụm công nghiệp có doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành da giầy, may mặc,... Điều này gây nên tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là giờ cao điểm.

Ông Lam cũng cho rằng, tiêu chí về lựa chọn chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp chưa rõ ràng. Tại khoản 3, Điều 15, Nghị định quy định: Trường hợp một cụm công nghiệp có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã cùng đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, căn cứ năng lực tài chính, kinh nghiệm từng doanh nghiệp, hợp tác xã và mức độ khả thi của báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, Sở Công Thương báo cáo UBND cấp tỉnh quyết định lựa chọn chủ đầu tư theo quy định của pháp luật.

Việc quy định quá chung chung, không rõ tiêu chí lựa chọn, không có tính khả thi. Thực tế, hầu hết các tỉnh đều vướng mắc khi thực hiện quy định này và đang làm chậm sự phát triển của các cụm công nghiệp có lợi thế so sánh, được nhiều nhà đầu tư cùng quan tâm.

Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cũng cho rằng, nguyên nhân dễ thấy là vốn đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp lớn, thời gian hoàn vốn chậm. Quyền của nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp đối với thu hút các dự án đầu tư thứ cấp còn hạn chế nên chưa thể hấp dẫn nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp.

Mặt khác, có nhiều cụm công nghiệp được hình thành trước khi Quyết định 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, tại các cụm công nghiệp này đã có doanh nghiệp thuê đất đầu tư sản xuất kinh doanh, cho thuê theo phương thức cấp rời từng dự án nên khó thu hút nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Chia sẻ về vấn đề này, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) Ngô Quang Trung cho hay, về đầu tư hạ tầng, cả nước có 492 cụm công nghiệp được phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng với tổng nhu cầu vốn hơn 90.000 tỷ đồng; trong đó, đến nay, đã đầu tư vào các hạng mục hạ tầng hơn 24.800 tỷ đồng, đạt 27% so với nhu cầu kế hoạch. Ông Trung thừa nhận, đa số các cụm công nghiệp chưa hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt là đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải chung của cụm công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.

Theo một số địa phương, để thúc đẩy hoạt động đầu tư, phát triển cụm công nghiệp trong thời gian tới, trước hết cần phải sửa đổi và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và quản lý các dự án sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp cho sát với thực tế và có tính khả thi cao, tránh chồng chéo. Đồng thời, quy định rõ hơn về trách nhiệm của các bộ, ngành...

Đơn cử như hiện nay, Sở Công Thương cấp tỉnh cùng UBND cấp huyện được giao thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, tham mưu thành lập Ban quản lý cụm công nghiệp; hướng dẫn thu hút đầu tư, lập và thẩm định dự án đầu tư được giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư. Việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Sở Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch chi tiết, giấy phép xây dựng...

Ông Phan Văn Hùng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho rằng, cần sửa đổi khoản 2, Điều 43, Nghị Định về quyền hạn, trách nhiệm của Sở Công Thương. Để thuận lợi trong quản lý, nên giao Sở Công Thương chủ trì tiếp nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp.

Theo ông Ngô Quang Trung, để thuận lợi và tiết kiệm chi phí, thời gian của doanh nghiệp, Cục đề nghị UBND cấp tỉnh rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy chế phối hợp các sở, huyện và đơn vị liên quan để giải quyết thủ tục triển khai dự án đầu tư hạ tầng và dự án sản xuất trong cụm công nghiệp theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và nguyên tắc Sở Công Thương làm cơ quan đầu mối quản lý về cụm công nghiệp.

Về phía Bộ Công Thương, ông Trung cho hay, sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, quản lý kiểm tra các hoạt động liên quan đến cụm công nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành chặt chẽ để bổ sung và hướng dẫn hoạt động tại các cụm công nghiệp...

Đức Dũng (TTXVN)
Cơ quan nào phê duyệt quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp?
Cơ quan nào phê duyệt quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp?

Bạn Nguyễn Phúc tại hòm thư mr.ndphuc... hỏi: Cơ quan nào thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN