Cùng công nhân vượt khó-Bài 1: Muôn cách xoay xở

Tình hình giá các mặt hàng thiết yếu tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống những người lao động, đặc biệt là công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX).

 

Bài 1: Muôn cách xoay xở


Xoay xở với đồng lương thấp trong điều kiện xăng tăng giá liên tục, giá thực phẩm và giá nhà trọ nhấp nhổm tăng, người lao động nghèo đã phải tính toán để cắt giảm tối đa các chi phí từ ăn, ở và nhu cầu về hưởng thụ văn hóa, tinh thần.

 

Nhắm mắt chọn thực phẩm kém chất lượng


Chị Đỗ Ngọc Hoa, công nhân làm việc trong KCX Linh Trung (TP Hồ Chí Minh) than thở: “Xăng, ga, điện, nước, thực phẩm… thứ gì cũng tăng giá. Trong khi đó, hai vợ chồng tôi đều là công nhân, nếu tăng ca liên tục mỗi tháng cũng chỉ kiếm được khoảng 7-8 triệu đồng. Lo tiền học, tiền ăn cho riêng 2 đứa con thôi cũng đã hết một nửa thu nhập. Phần thu nhập còn lại phải tiết kiệm lắm mới đủ trang trải tiền phòng trọ, tiền ăn ở sinh hoạt của gia đình”.
Giá tăng càng làm tăng chi phí bữa cơm trong những gia đình lao động nhập cư và khiến cho đời sống của họ đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Để tiết kiệm, chị Đỗ Ngọc Hoa thường tìm mua thực phẩm ở chợ chiều hoặc chợ tự phát gần công ty. “Những chợ này bán đồ ăn rất rẻ, chủ yếu bán cho công nhân thôi”, chị Hoa kể.


 

Với mức lương eo hẹp, nhiều công nhân phải chuyển sang mua thực phẩm tại những điểm chợ bán thực phẩm kém an toàn.

 

Không chỉ riêng chị Hoa, với mức lương eo hẹp, nhiều công nhân khác thay vì mua thức ăn tại các chợ lớn, chợ truyền thống đã phải chuyển sang mua thực phẩm tại những điểm chợ bán thực phẩm kém an toàn.


Chợ thịt giá rẻ dưới chân cầu Thăng Long (Tân Xuân, Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) từ lâu đã trở thành địa điểm quen thuộc của những công nhân KCN. Thực tế, đây là nơi hàng ế từ các chợ khác dồn về nên thịt không còn được tươi ngon, thậm chí cầm miếng thịt lên còn có mùi ôi. Tuy nhiên mấy tháng nay, giá cả nhiều thứ đều tăng, chị Lê Thị N. (quê ở Nam Định) và nhiều công nhân vẫn thường xuyên tạt qua đây mua thực phẩm. Trước những miếng thịt lợn đã nhợt nhạt, được bán với giá 4 lạng chỉ 10 nghìn đồng, chị N. không đắn đo nhiều.

 

Cắt hàng loạt khoản chi


Đồng lương ít ỏi, vật giá liên tục tăng cao đã khiến người lao động nhập cư phải chật vật xoay xở.


May mắn hơn một chút so với chị Hoa, gia đình anh Nguyễn Văn Tám (quê Tiền Giang) hiện đang làm công nhân may ở quận 9 (TP Hồ Chí Minh) vừa mới được tăng lương cách đây mấy tháng. Tuy nhiên, chưa kịp mừng đã phải đối mặt với nỗi lo tăng giá. Vì vậy, gia đình anh Tám phải tiết kiệm chi tiêu từng thứ nhỏ nhất. “Thay vì dùng bếp ga, tôi chuyển sang dùng bếp than tổ ong, bếp củi... Trước kia đi làm bằng xe máy, nay cả nhà chuyển qua đi làm bằng xe buýt để bớt được khoản tiền xăng”, anh Nguyễn Văn Tám cho biết.


Cùng với việc giảm chi cho các khoản ăn uống, đi lại thì việc nhiều người ở ghép cũng là một lựa chọn của đa số công nhân để đỡ tiền nhà. Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, nhiều nơi trước đây người lao động thường ở ghép 2 - 4 người/phòng 12 m2 thì hiện nay, cũng với diện tích đó, có nơi người lao động đang ở tới 8 - 10 người/phòng.


Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, công nhân độc thân đã khó khăn, những lao động có con nhỏ, khó khăn còn khó khăn gấp bội. Không ít đôi yêu nhau nhưng chưa dám cưới. Thậm chí, cưới rồi chưa dám sinh con vì sinh con là nảy sinh nhiều khoản phải chi mà khả năng tài chính không gánh vác nổi. Nhiều trường hợp không cáng đáng được nên đành gửi con về quê vì chi phí ở quê thấp hơn. “Chấp nhận xa con, tình cảm giữa con cái và bố mẹ cũng bị ảnh hưởng. Đây là một vấn đề xã hội lớn, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người lao động và sự phát triển của thế hệ tương lai”, TS Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn băn khoăn.


Nhảy việc mong có thu nhập cao


Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện nay, chỉ số giá cả tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động mà còn ảnh hưởng đến biến động lao động, đặc biệt lực lượng lao động phổ thông. Thực tế cho thấy, lực lượng này không có thu nhập đảm bảo cuộc sống nên chấp nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp hoặc “nhảy việc” để có thu nhập cao hay ra ngoài làm công việc tự do.


Cũng theo thống kê của Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, đời sống khó khăn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng công nhân “nhảy việc” để mong có thu nhập cao hơn. Thực tế, số lao động tuyển mới tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đa số là “nhảy” từ đơn vị này sang đơn vị khác. Có một bộ phận không nhỏ công nhân có tay nghề cũng không chịu nổi giá cả sinh hoạt đắt đỏ ở thành phố nên buộc phải quay về quê làm ăn…

 

Mạnh Minh - Hoàng Tuyết

 

Bài cuối: Nhiều biện pháp quan tâm, hỗ trợ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN