Cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất - Bài cuối: Thích nghi với tình hình mới

Đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khôi phục sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm được thành phố Cần Thơ tập trung trong những tháng cuối năm.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động các giải pháp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong "tình hình mới". Là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng ngành du lịch lại chính là đơn vị đi đầu trong việc tổ chức, cơ cấu lại, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến để thu hút, kích cầu nội địa.

Chú thích ảnh
 Trong tour Bơi thuyền Kayak trên sông Hậu. Ảnh: baocantho.com.vn

Ông Lê Thanh Phong - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, từ ngày 16/5, thành phố Cần Thơ là địa phương đầu tiên của cả nước tổ chức hội nghị công bố triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa toàn quốc với sự tham gia của trên 600 doanh nghiệp; trong đó, có khoảng 150 doanh nghiệp lớn của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, các doanh nghiệp đã triển khai ngay nhiều gói sản phẩm du lịch vì Cần Thơ có vị trí trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là vùng an toàn đối với dịch bệnh. 

Theo đó, Cần Thơ  kích cầu du lịch bằng việc giới thiệu 4 sản phẩm mới gồm: tuyến Cần Thơ - Côn Đảo bằng tàu cao tốc; tuyến Cần Thơ - Châu Đốc bằng du thuyền Victoria trên sông Hậu; gói cho du khách trải nghiệm làm nông dân tại Cái Răng và gói cho du khách trải nghiệm cuộc sống ở làng du lịch Thới An Đông, quận Bình Thủy.

Thành phố Cần Thơ phối hợp với Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đưa ra mục tiêu trong tháng 6 và 7 khôi phục du lịch; từ tháng 8 đến tháng 12 hồi phục du lịch; năm 2021 bình phục và phát triển ngành du lịch. 

Truyền thông về du lịch Đồng bằng sông Cửu Long là điểm đến an toàn để thu hút khách; cơ cấu lại thị trường khách hàng, trong đó chọn thành phố Hồ Chí Minh là thị trường cung cấp khách độc quyền cho Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời xây dựng sản phẩm du lịch an toàn, sinh thái, giảm giá...

Không chỉ doanh nghiệp chủ động cơ cấu tổ chức lại hoạt động để thích nghi với "tình hình mới" mà các cơ quan chức năng, chính quyền thành phố cũng đặc biệt quan tâm đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Thực Hiện - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ cho biết, Sở tham mưu cho UBND thành phố có các gói tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn; thực hiện gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, các loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp; giãn nộp, chậm nộp bảo hiểm xã hội...

Mặt khác, thành phố sẽ có kế hoạch đón đầu thực hiện các chính sách khuyến mãi về du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế khi Thủ tướng cho phép mở trở lại các đường bay quốc tế trong thời gian tới. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phổ biến cung cấp các thông tin về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, mục tiêu, dự án kêu gọi xúc tiến đầu tư trên địa bàn...

Ông Trần Quốc Hà - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh thành phố Cần Thơ cho biết, ngành ngân hàng đã triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành về thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn, công bố đường dây nóng để doanh nghiệp tiện liên lạc, giải quyết công việc. Đến nay, đã có 12 doanh nghiệp được giải quyết các vướng mắc khó khăn.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thành lập Tổ hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm tất cả giám đốc các ngân hàng thương mại lớn làm thành viên để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp gia hạn nợ, giảm giãn nợ; chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạn chế thủ tục hành chính và làm việc ngoài giờ để giải quyết nhanh chóng cho khách hàng có nhu cầu. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo được chất lượng tín dụng.     

Trong 6 tháng đầu năm 2020, nguồn vốn huy động trên địa bàn thành phố Cần Thơ chỉ tăng 0,7% so với 5,67% của năm 2019. Tổng dư nợ toàn thành phố tăng 1,44% so với còn số 5,76% của cùng kỳ năm trước. Mặc dù tổng dư nợ cho vay trên địa bàn những tháng đầu năm giảm nhưng một số chương trình tín dụng tăng cao như: cho vay xuất khẩu tăng 8,71%, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 9,37%, cho vay thu mua lúa gạo tăng 11,8%. 

Hiện Cần Thơ có 31 tổ chức tín dụng và 1 Quỹ tín dụng và đã giải ngân, hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19 với tổng vốn bị ảnh hưởng khoảng 10.952 tỷ đồng. Các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại cho các doanh nghiệp giảm lãi lãi suất từ 0,5 đến 3%.

Trong 5 tháng đầu năm, các ngân hàng đã cho vay mới 12.423 tỷ đồng cho 3.405 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi là 170,5 tỷ đồng cho 415 khách hàng; gia hạn nợ là 3.351 tỷ đồng cho hơn 1.174 khách hàng.

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh khẳng định, ngay trong đầu tháng 7 tới, thành phố sẽ ban hành Kế hoạch hỗ trợ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19 với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế trong 6 tháng cuối năm để bù đắp tốc độ tăng trưởng chậm của chặng đường đầu năm.

Ngọc Thiện  (TTXVN)
Cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất - Bài 1:Tìm cách trong khó khăn
Cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất - Bài 1:Tìm cách trong khó khăn

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thành phố Cần Thơ chịu ảnh hưởng nặng về kinh tế cũng như mọi mặt đời sống xã hội; trong đó, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, xuất khẩu nông thủy sản, hàng may mặc, thực phẩm đang phải chịu nhiều áp lực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN