Ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, giá phân ure trên thị trường thế giới đã tăng từ ngày 7/9 do Nga và Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu ure. Mặc dù hiện tại không phải là cao điểm của mùa vụ nhưng giá phân bón trong nước cũng đã tăng theo đà tăng giá của ure thế giới. Dự báo đến vụ Đông Xuân 2023-2024, giá ure trong nước sẽ còn tăng tiếp.
Theo ông Phùng Hà, hiện công suất sản xuất phân đạm ure của 4 nhà máy thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã lên tới 2,5 triệu tấn/năm trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ ở ngưỡng 1,6-1,8 triệu tấn/năm. Thực tế là nhiều năm lại đây, các doanh nghiệp sản xuất phân bón ure của Việt Nam đã phải xuất khẩu phân bón do dư thừa nguồn cung.
Hiện Việt Nam cũng chưa có một quy định nào về hạn chế xuất khẩu ure bởi nguồn cung ure trong nước đã dư thừa. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc và Nga đều hạn chế xuất khẩu ure và thị trường phân ure thế giới đang có những biến động khó lường, Việt Nam cũng cần cân nhắc các giải pháp để vừa có thể xuất khẩu khi dư cung nhưng vừa đảm bảo được nguồn cung ure trong nước, tránh tình trạng khan hiếm hàng cục bộ khiến giá ure bị đẩy lên quá cao, ông Phùng Hà cho biết.
Về phía doanh nghiệp sản xuất ure, đại diện Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, mã chứng khoán DPM) cho biết, doanh nghiệp đang nỗ lực cung ứng tối đa ra thị trường các sản phẩm phân bón chất lượng cao nhất. Theo đó, từ đầu năm đến nay, PVFCCo đã đưa ra thị trường 640 nghìn tấn ure Phú Mỹ. Dự kiến trong những tháng cuối năm, PVFCCo sẽ đưa ra thị trường thêm 500 nghìn tấn phân bón Phú Mỹ các loại.
Bên cạnh đó, PVFCCo tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, tận dụng các kênh mạng xã hội để hướng dẫn bà con nông dân, giải đáp về kỹ thuật nông nghiệp nhằm giúp bà con nông dân sử dụng tiết kiệm, hiệu quả phân bón những vẫn đảm bảo năng suất và chất lượng cao nhất.
Đại diện Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã chứng khoán DCM) cho biết, từ tháng 8 trở đi là thời điểm quan trọng để hệ thống phân phối của công ty chuẩn bị hàng cho vụ Đông Xuân. Trước những thay đổi của thị trường, từ đầu tháng 8 đến nay, PVCFC đã cung ứng ra thị trường hơn 60 nghìn tấn ure và gốc ure các loại, phục vụ nhu cầu phân ure cho sản xuất nông nghiệp. Ngoài lượng hàng cung ứng này, Công ty cũng đã chuẩn bị sẵn hơn 100 nghìn tấn phân bón các loại tại các kho khu vực, đảm bảo cung ứng đầy đủ phân bón cho bà con nông dân trên khắp cả nước trong thời gian tới.
Cũng theo PVCFC, sau khi hoàn thành vượt tiến độ hoạt động bảo dưỡng tổng thể năm 2023, nhà máy Đạm Cà Mau đã chính thức hoạt động ổn định và cho ra sản phẩm ure trở lại vào ngày 27/8 vừa qua. Tính đến giữa tháng 8/2023, Nhà máy Đạm Cà Mau đã sản xuất 615.450 tấn phân bón trong đó 6 tháng đầu năm sản xuất khoảng 495.000 tấn, đáp ứng nhu cầu vụ Hè Thu. Hiện nhà máy Đạm Cà Mau đang hoạt động an toàn, ổn định với 115% công suất thiết kế, tiếp tục sản xuất nhiều dòng sản phẩm chất lượng như ure hạt đục và NPK công nghệ Polyphotphate phục vụ nhu cầu phân bón cho vụ Đông Xuân 2023-2024, nhất là trong bối cảnh các nhà sản xuất ure lớn của thế giới là Trung Quốc hạn chế xuất khẩu loại phân bón quan trọng này.
Theo dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường Agromonitor, dự kiến trong tháng 9 này, tổng cung ure sẽ gia tăng do các nhà máy trong nước khôi phục sản xuất và nhập khẩu tăng; trong khi tổng cầu sụt giảm. Vì vậy, tồn kho cuối tháng 9 này sẽ vượt mức 450 nghìn tấn. Theo dự kiến, lượng sản xuất sẽ tăng lên mức 205 nghìn tấn, do 4 nhà máy sản xuất ure lớn là Cà Mau, Phú Mỹ, Ninh Bình và Hà Bắc sẽ sản xuất ổn định sau thời gian bảo dưỡng/sữa chữa dài ngày trong tháng 8. Riêng nhà máy Đạm Ninh Bình sẽ bảo dưỡng khoảng 10-15 ngày trong tháng 9.
Dự kiến lượng nhập khẩu ure trong tháng 9 sẽ tăng lên mức 30 nghìn tấn, gần gấp đôi lượng nhập khẩu tháng 8. Tồn kho đầu tháng 9 ước tính ở mức khoảng 371 nghìn tấn, thấp hơn khoảng 10 nghìn tấn so với tồn kho đầu tháng 8 và thấp hơn 32 nghìn tấn so với đầu tháng 7. Đối với ure Trung Quốc, dự kiến trung tuần tháng 9 sẽ có tàu khoảng 5,4 nghìn tấn ure Trung Quốc hạt trong được Công ty Huỳnh Thành nhập về Sài Gòn. Đối với ure Brunei, sẽ có các tàu ure Brunei hạt đục của các chủ hàng Long Hưng, Vinacam, Gia Vũ và Phân bón Cà Mau cập cảng Việt Nam trong tháng 9 với giá nhập khẩu ở mức 420-440 USD/tấn CFR (giá CFR là giá thành và cước phí); trong đó tàu của Phân bón Cà Mau khoảng 15 nghìn tấn, tàu Long Hưng/Vinacam/Gia Vũ khoảng 4-6 nghìn tấn/tàu.
Cũng theo Agomonitor, trong tháng 9, đa phần các khu vực hết vụ hoặc gần hết vụ Hè Thu nên nhu cầu suy giảm xuống mức 70 nghìn tấn. Trong đó, khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có nhu cầu chăm bón đợt cuối mùa mưa cho một số cây công nghiệp trong tháng 9 trước khi thu hoạch, nhưng mức tiêu thụ cũng không cao. Tại miền Trung, nhu cầu hạn chế trong tháng 9 do nghỉ giữa vụ lúa Hè Thu và Đông Xuân. Tại miền Bắc, nhu cầu hạn chế do lúa Hè Thu đã chăm bón xong 3 đợt chính và dự kiến thu hoạch cuối tháng 9-đầu tháng 10. Còn tại ĐBSCL, trong tháng 9 chỉ còn ít nhu cầu cho lúa Thu Đông tại các khu vực sạ lúa muộn.
Trong tháng 9, các nhà máy ure phía Bắc sẽ tiếp tục trả các đơn hàng đã ký từ đầu tháng 8 (khoảng 15 nghìn tấn). Theo đó, kỳ vọng xuất khẩu ure của Việt Nam trong tháng 9 sẽ đạt mức khoảng 60 nghìn tấn.
Tính đến cuối tháng 8 vừa qua, tồn kho ure ước tính giảm 10 nghìn tấn so với cuối tháng 7, xuống mức 371 nghìn tấn. Tồn kho trong tháng 9 dự kiến tăng nhanh trở lại và đến cuối tháng 9 dự kiến đạt mức 451 nghìn tấn do khôi phục sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu gia tăng. Tuy nhiên, giá thế giới đã bật tăng trở lại trong đầu tháng 9 khi RCF (Ấn Độ) mở thầu nhập khẩu ure trong ngày 4/9, và sự không chắn chắn về lượng xuất khẩu của Trung Quốc trong thời gian tới, nên có thể vẫn hỗ trợ giá ure trong nước đi lên trong ngắn hạn.