Sau 3 đợt giá xăng giảm gần đây (mới đây nhất là giá xăng giảm 800 đồng/lít kể từ ngày 7/6), một số hãng taxi đã bắt đầu giảm cước, có hãng còn đang họp bàn nhưng tinh thần đều muốn giảm giá cước để thu hút khách hàng, tham gia bình ổn giá thị trường. Tuy nhiên, riêng lĩnh vực vận tải vẫn chưa “mặn mà”.
Trao đổi với phóng viên Tin Tức, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết: Về nguyên tắc, nếu như 2 đợt tăng giá xăng vào tháng 3 và tháng 4/2012, ngành vận tải đã tăng giá cước thì các đợt giảm giá xăng, dầu gần đây cũng phải điều chỉnh giảm sao cho hợp lý.
Giá cước taxi giảm không nhiều
Ngay sau khi giá xăng dầu giảm vào ngày 7/6, Hiệp hội taxi ở các thành phố đã gợi ý các hãng về việc hạ giá cước trong thời gian tới. Taxi Vinasun gần như là hãng đầu tiên khi công bố giảm cước 500 đồng/km kể từ hôm 7/6, áp dụng cho tất cả các loại xe.
Một số hãng taxi đã bắt đầu giảm cước để thu hút khách. Ảnh : Hoàng Hải – TTXVN |
Trao đổi với phóng viên Tin Tức chiều 12/6, ông Đinh Quang Sáu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hãng Taxi Hương Lúa (Hà Nội) cho biết: Hiện nay, giá cước taxi của hãng là 10.000 - 10.200 đồng/km áp dụng đối với 20 km đầu tiên và 9.000 - 9.200 đồng/km tính từ km thứ 21. Theo ông Sáu, mức giá này đã thấp hơn một số hãng từ 300 - 500 đồng/km. Hiện, lãnh đạo công ty đang giao cho bộ phận kế toán tính toán lại các chi phí, giá thành để hạ thêm giá cước nhưng có lẽ mức giảm sẽ không nhiều do mấy lần tăng giá xăng, dầu, hãng cũng chỉ điều chỉnh giá lên không nhiều. Ông Sáu nhận định: Xăng, dầu giảm giá là tín hiệu mừng của nền kinh tế, bởi khi giá cước hạ, người tiêu dùng sẽ đi taxi nhiều hơn đồng nghĩa với việc doanh thu của các hãng sẽ tăng lên.
Theo Hiệp hội Vận tải Việt Nam, tính đến 12/6, đã có thêm Hãng Taxi Mai Linh tuyên bố giảm giá cước trên toàn hệ thống từ 200 - 1.000 đồng/km. Theo lãnh đạo của Hãng Taxi Mai Linh, trong 2 lần xăng giảm giá ngày 9/5 và ngày 23/5 trước đó, hãng Mai Linh đã có ý định điều chỉnh cước nhưng do phải chờ diễn biến thị trường nên đến lần này mới giảm giá cước.
Theo các hãng taxi, mỗi lần điều chỉnh giá, doanh nghiệp phải gửi văn bản đăng ký lại giá lên các cơ quan chức năng và chi phí cho việc xe dừng hoạt động để thay cước; kiểm định đồng hồ... cũng rất lớn. Chính vì vậy, các hãng taxi không thể điều chỉnh giá cước liên tục.
Đề cập tới vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, nhận định: Khả năng tới đây các hãng taxi sẽ phải đồng loạt giảm giá cước để cạnh tranh nhưng mức giảm chắc không nhiều vì do 2 đợt tăng giá xăng dầu trước tổng cộng là 3.000 đồng/lít, giá cước của nhiều hãng taxi đã tăng lên từ 800 - 1.000 đồng/km. Nay với 3 lần giảm giá xăng dầu gần đây, tổng mức giảm mới chỉ là 1.900 đồng/lít nên giá cước giảm của các hãng sẽ không nhiều.
Chưa đủ “liều” để giảm giá vận tải hành khách
Trao đổi với phóng viên Tin Tức, ông Hùng chia sẻ: Việc giảm giá xăng dầu vừa qua chỉ giúp 2 loại hình vận tải là taxi và vận tải hàng hóa giảm giá chứ chưa đủ mức để giá cước chở khách đường dài giảm giá.
Đại diện Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho biết: Hiệp hội đã có công văn khuyến nghị các doanh nghiệp kinh doanh taxi, chở khách đường dài và các doanh nghiệp hãng vận tải hàng hóa nên giảm giá vé, giá cước xuống mức phù hợp để kích cầu trong bối cảnh sức cầu yếu như hiện nay. “Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp có giảm giá cước hay giảm bao nhiêu thì Hiệp hội không thể can thiệp sâu được”, ông Hùng nói.
Theo lý giải của một số hãng kinh doanh vận tải chạy bằng dầu điêden, qua 2 lần điều chỉnh đã tăng 1.500 đồng/lít dầu, giá cước vận tải hàng hóa đã tăng theo khoảng 500 đồng/km. Nay giá dầu điêden giảm 1.400 đồng/lít, nếu so với mức tăng là 1.500 đồng/lít thì giá dầu vẫn tăng là 100 đồng/lít nên các doanh nghiệp kinh doanh chở khách vẫn giữ nguyên mức giá.
Chủ doanh nghiệp vận tải Bắc Hà, chở khách tuyến Hà Nội - Bắc Giang, trụ sở tại 110 Yên Phụ (Hà Nội) cho biết: Giá vé của Bắc Hà đã không tăng trong các đợt tăng giá dầu điêden trước đây nên giá vé hiện vẫn giữ nguyên ở mức 25.000 đồng/người (tuyến Hà Nội - Bắc Giang khoảng 60 km). Sở dĩ Bắc Hà không điều chỉnh giá vé tăng khi giá dầu tăng 1.500 đồng/lít trước đây là do nếu tăng giá vé thì chi phí cho việc điều chỉnh tăng giá vé tốn kém hơn. Cụ thể: Bắc Hà phải in lại toàn bộ vé, lập phương án xin tăng giá vé với Sở Tài chính Hà Nội, Bắc Giang và các cơ quan chức năng. Đây cũng là lý do các hãng xe khách tuyến Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Nam Định… xuất phát từ các bến Gia Lâm hoặc Yên Phụ đã không tăng giá vé trong thời gian qua.
Chủ các hãng xe chở khách cho biết, theo tính toán của nhà xe, chỉ khi giá dầu điều chỉnh tăng, giảm khoảng 10% trở lên thì các hãng xe chở khách đường dài mới quyết định điều chỉnh giá vé. Trong khi đó, lãnh đạo của một hãng taxi bình luận: Thời gian qua, tình hình kinh doanh của lĩnh vực vận tải không mấy suôn sẻ do nền kinh tế khó khăn, chi phí vật tư kinh doanh tăng, nên nếu giảm giá sẽ khiến doanh thu giảm mạnh.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Bến xe miền Đông khẳng định, các đơn vị kinh doanh xe khách đang tính toán các chi phí và có thể đưa ra quyết định trong thời gian tới. Tuy nhiên, sẽ ít có khả năng cước giảm vì hiện các hãng đang cạnh tranh nhau gay gắt, họ đã liên tục hạ giá cước thời gian trước đây để kéo khách nên việc giá xăng xuống lần này ít có tác động đến giá.
Minh Phương- Xuân Hương