Cựu tù làm kinh tế giỏi

Người lính trở về từ chiến tranh, tâm trí còn chưa nguôi những nỗi đau lửa đạn, nhưng vẫn vượt lên chính mình, gắn bó với thời cuộc.
Đó là người cựu chiến binh Ngô Đình Thương (73 tuổi, tổ 1, thôn Ban Mai 1, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam), liên tục các năm được tặng bằng khen là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện.

Không ăn mày dĩ vãng

“Mấy năm qua, tôi không nói nhiều về chiến tranh với những người quanh mình; bởi rằng, nếu có nói thì người ta sẽ nghĩ rằng tôi nói quá; bởi rằng, mỗi lần nhắc lại là mỗi lần tôi đau đớn” - ông Thương nói trong trầm tư.

Ông Thương bên những cây hồng xiêm miền Nam mới trồng cách 8 tháng, giờ phát triển tươi tốt.



Nhưng ông vẫn kể lại, rằng, hồi ở nhà tù Côn Đảo, trải qua mấy trại giam số 2, trong suốt mấy năm bị cầm cố, biệt lập, trong xà lim tối om, ngày nào cũng chứng kiến những cái chết của đồng đội. Này là bị địch lấy gậy đánh gãy mấy cái răng cửa; lấy xà phòng dội vào miệng; tra điện, đóng đinh vào tay, vào gân. Này là khi bị đánh tứ trụ, người này đánh xong lại đạp qua người kia đánh tiếp; hay bị địch rải cát vào thức ăn... Nhưng vẫn cố giữ khí tiết, cùng với anh em trong tù đoàn kết đấu tranh chống chào cờ giặc, chống học tố cộng diệt cộng, phản đối khủng bố trắng...

Nguyên quán ở thôn Châu Phong, xã Duy Hòa, Duy Xuyên (Quảng Nam), gia đình ông 3 đời làm cách mạng (ông nội và cha là liệt sĩ, mẹ là bà mẹ Việt Nam anh hùng). Khi đất nước chia cắt, khói lửa ngập tràn miền Nam, ông thoát ly làm cách mạng, 13 tuổi đã làm giao liên, lấy bí danh là Bảng. Tháng 6/1963, ông gia nhập đội du kích xã Duy Hòa. Theo sự phân công của đồng chí Lê Khả là xã đội trưởng du kích xã Duy Hòa lúc bấy giờ, năm 1969, ông nhận nhiệm vụ ở các tỉnh Tây Nguyên, vận động thanh niên ở địa phương trong vùng địch trở về cách mạng. Trên đường đi công tác, ngày 20/12/1969, bị bắt, đưa vào nhà lao Khánh Hòa giam trong 7 ngày. Chúng tra tấn ông dã man, buộc ông cung khai cơ sở cách mạng nhưng vì chúng không khai thác được gì nên địch lại đày ông ra Côn Đảo.

Mùa đông năm 1973, với một thân thể tiều tụy, chằng chịt những vết sẹo lao tù, ông và nhiều chiến sĩ cách mạng khác được trao trả tại sân bay Lộc Ninh (tỉnh Dầu Tiếng). Vừa ra tù cũng là lúc người chiến binh 32 tuổi nghe tin báo cha mẹ anh chị trong gia đình đều đã bị địch sát hại. Do đó, khi được cấp trên cho an dưỡng ngoài Bắc, ông đã không chịu đi; vì nghĩ suy đơn giản: gia đình đã không còn ai, nhưng không phải vì thế mà mình suy sụp đến nỗi phải đi an dưỡng, còn sống một ngày cũng cống hiến. Năm 1974, ông xin về quê hương Quảng Nam, công tác ở nông trường chè Quyết Thắng (huyện Đông Giang). 

Nông dân sản xuất giỏi

Ông Nguyễn Thành Thiện, Chủ tịch UBND xã Ba, nói: “Với một người lính trở về sau chiến tranh, thân thể tiều tụy như ông Thương mà trong nhiều năm qua, trở thành nông dân sản xuất giỏi cấp huyện là một điều rất đáng nể phục”.

Những cây ngắn ngày như chuối, khoai, sắn... đã góp phần giúp gia đình ông Thương nâng cao thu nhập.



Nghỉ việc ở nông trường chè Quyết Thắng vào năm 1988, ông Thương tìm kế sinh nhai mới nơi vùng cao khốn khó Đông Giang. Với diện tích chỉ 5.000 m2 đất vườn, từ số tiền dành dụm trước đó, cộng với lương hưu hàng tháng, ông trồng sắn, nuôi cá rồi dần dần phát triển dần lên thành mô hình VAC. Học tập mô hình này từ nhiều nơi, ông tiến hành trồng những cây ngắn ngày như chuối, khoai, sắn; nuôi cá mè, bò, nhím... Khi đó, vườn chuối của ông lớn nhất xã Ba với hơn 60 cây; đàn bò của ông cũng vậy, với hơn 100 con. Mô hình VAC ngày càng hoàn thiện, giúp ông trong suốt mấy năm qua kiếm được 10 triệu đồng/tháng; liên tục các năm là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, nhiều người trong huyện tới tham quan học tập mô hình của ông.

Bây giờ, vào vườn nhà ông, sẽ thấy một căn nhà khuất lấp trong những ao cá, cây trái, được ông quy hoạch rất đẹp, khi mà ông không để một tấc đất nào bỏ không. Ông bảo, ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình VAC còn giúp ông tạo cảnh quan cho gia đình mình, từ đó tạo không gian an dưỡng tuổi già.

Rồi từ đầu năm nay, ông chuyển hướng từ trồng cây ngắn ngày sang trồng cây dài ngày: những cây ăn quả miền Nam. Ông đã liên hệ với những người họ hàng, bạn chiến đấu thời xưa trong Nam, nhờ tư vấn kỹ thuật, chuyển giống về. Nào là măng cụt (10 cây), lòn bòn Thái ghép (8 cây), cam xoàn ghép, dừa xoắn (20 cây), vú sữa (20 cây), mít Thái Lan ghép (72 cây), mít tố nữ (4 cây), xoài dòn (16 cây), hồng xiêm (20 cây), ngoài ra còn có ổi, táo… Mới trồng cách đây 8 tháng, cây đang phát triển tốt, không sâu bệnh gì, nên ông tin chắc hơn 1 năm nữa khi tới kỳ thu hoạch, những cây ăn quả này sẽ cho hiệu quả kinh tế cao.

“Tôi làm việc như vậy là để quên đi quá khứ đau thương luôn ám ảnh tôi; hơn nữa, làm việc còn giúp cho tôi khỏe khoắn hơn, xua đi cái đau vết thương mà chiến tranh để lại cho mình” - ông bộc bạch.

Gia đình ông đã được Chính phủ tặng bảng vàng gia đình danh dự, ông và vợ ông (Lê Thị Ba - 53 tuổi) đều được trao tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì, Kỷ niệm chương chiến sĩ cách mạng bị tù đày. Bây giờ, những bằng khen nông dân cấp huyện là những cống hiến mới của ông với đời.

Mai Thành Dũng
Nữ dân tộc Dao đỏ làm kinh tế giỏi
Nữ dân tộc Dao đỏ làm kinh tế giỏi

Bằng sức lao động, nghị lực của mình, chị Triệu Thị Liên, dân tộc Dao đỏ ở thôn Nà Luồng, thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An (Cao Bằng) vươn lên làm giàu, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng từ chăn nuôi, làm miến dong, nấm dong...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN