Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đánh giá cao kế hoạch chuẩn bị hàng hoá phục vụ Tết của Thành phố Hồ Chí Minh có sự vào cuộc đồng đều, hiệu quả. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực của thành phố tham gia và lồng ghép thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hành Việt Nam. Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh có sự tham gia của các chợ đầu mối rất tốt đối với mặt hàng rau củ quả, kiểm soát ngay từ khâu sản xuất cung ứng; bán hàng lưu động và tổ chức đưa hàng vào khu chế xuất - khu công nghiệp.
Siêu thị Sài Gòn Co.op chuẩn bị 105.000 tấn hàng hoá phục vụ người tiêu dùng nhân dịp tết Đinh Dậu 2017. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Chương trình Bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết được khởi đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh và hiện nay đã được triển khai trên 50 tỉnh, thành phố cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh luôn địa phương tiên phong và cam kết rất cao trong việc chuẩn bị hàng hoá, liên kết doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và phân phối để đảm bảo hàng hoá bình ổn thị trường và hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán hàng năm.
Tuy nhiên, nhằm góp phần đảm bảo tốt công tác chuẩn bị nguồn hàng, cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu Tết Đinh Dậu 2017 trên địa bàn cả nước, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa yêu cầu ngoài việc đảm bảo nguồn hàng trên địa bàn, Thành phố Hồ Chí Minh cần tăng cường phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố khác bình ổn thi trường thông qua những hệ thống phân phối của thành phố đã mở rộng mạng lưới tại các địa phương. Bên cạnh đó, cần chủ động liên kết với các địa phương trong công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát để đảm bảo chất lượng và sản lượng hàng hóa, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặt khác, Thành phố Hồ Chí Minh, phải tăng cường truyền thông, đưa ra thông điệp cụ thể và tập trung tuyên truyền cho hàng bình ổn thị trường, hàng Việt...
Báo cáo với đoàn công tác, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, để chuẩn bị nguồn hàng hóa cung ứng Tết Đinh Dậu 2017, Sở Công Thương đã phối hợp các sở ngành, doanh nghiệp và những đơn vị liên quan, chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu hơn 17 nghìn tỷ đồng, tăng 860 tỷ đồng so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Bính Thân 2016; trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là hơn 6,8 nghìn tỷ đồng.
Theo ông Phạm Thành Kiên, Sở Công Thương đang tích cực triển khai Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn ứng dụng công nghệ thông tin. Đề án này nhận được sự đồng thuận của các trang trại, các nhà máy giết mổ gia súc, các chợ đầu mối, hệ thống phân phối và thương nhân kinh doanh trong các chợ đầu mối, chợ truyền thống. Dự kiến Đề án sẽ được vận hành trước Tết Đinh Dậu 2017 với sự tham gia của các trang trại chăn nuôi lớn.
Dịp này, đoàn công tác Bộ Công Thương còn làm việc và khảo sát thực tế tại hệ thống siêu thị Co.opmart (thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh - Saigon Co.op), Công ty Cổ phần kỹ nghệ súc sản - Vissan về công tác chuẩn bị nguồn hàng, cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu Tết Đinh Dậu 2017.