Hiện người dân trong khu vực đang khẩn trương ra đồng làm đất, khắc phục lại hệ thống thủy lợi bị hư hỏng. Tuy nhiên, khó khăn nhất khi khôi phục lại sản xuất lại là thiếu nguồn giống.
Nông dân xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang dặm lại những chỗ lúa bị chết do mưa dầm. Ảnh minh họa: Duy Khương/TTXVN |
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các tỉnh Nam Trung bộ thiếu khoảng 3.900 tấn lúa giống, 216 tấn ngô giống và 41 tấn hạt giống rau các loại. Tuy nhiên, cân đối kho dự trữ quốc gia thì không đáp ứng đủ nhu cầu, riêng lúa giống chỉ đáp ứng được hơn 1.500 tấn.
Ngoài việc hỗ trợ nguồn giống từ kho dự trữ quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang tham mưu cho Chính phủ hỗ trợ bằng tiền mặt để người dân chủ động mua giống phù hợp với mục tiêu không để các địa phương thiếu giống sản xuất trong vụ Đông Xuân này.
Bình Định là địa phương phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất do đợt mưa lũ vừa qua. Hiện tỉnh đã gieo sạ được 23.500 ha trên tổng diện tích 47.800 ha. Đối với diện tích còn lại, Bình Định chủ trương điều chỉnh từ sản xuất 3 vụ sang sản xuất 2 vụ/năm và bắt đầu xuống giống từ ngày 5/1. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định Nguyễn Văn Trượng cho biết, tỉnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ 45 tỷ đồng mua lúa giống cho kịp sản xuất vụ Đông Xuân.
Trên cơ sở cơ cấu giống của địa phương, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định đang rà soát lại cho phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng; trong đó ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày. Do điều kiện sinh thái có nhiều vùng sản xuất khác nhau, tỉnh giao cho chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm kiểm tra, xác định diện tích cần hỗ trợ; từ đó ứng trước kinh phí cho người dân chủ động mua giống. Tỉnh cũng đã liên hệ với các đơn vị cung cấp giống để đảm bảo số lượng cũng như chất lượng các loại giống cây trồng.
Khó khăn nhất của Bình Định hiện nay là hệ thống các công trình thủy lợi đã bị mưa lũ tàn phá nghiêm trọng. Tỉnh chỉ đạo, đối với công trình thủy lợi bị thiệt hại thuộc cấp nào quản lý thì cấp đó huy động nguồn lực để khắc phục. Những công trình bị hư hỏng quá nặng thì xin hỗ trợ từ cấp trên. Đối với diện tích lúa, hoa màu bị bồi lấp, các địa phương đang cân đối ngân sách thuê máy móc, kết hợp với ngày công của các lực lượng tình nguyện và người dân để khôi phục mặt bằng sản xuất.
Tại tỉnh Phú Yên, diện tích lúa gieo sạ hiện nay đạt hơn 9.000 ha trên tổng diện tích gieo trồng trong vụ Đông Xuân của địa phương là 26.500 ha. Người dân cũng đang khẩn trương sửa chữa lại kênh mương bị hư hỏng, tiến hành các khâu làm đất và cải tạo đồng ruộng tốt để triển khai gieo sạ. Trong đợt mưa lũ vừa qua, nhiều địa phương của tỉnh Phú Yên như huyện Tuy An phải gieo sạ lại 2-3 lần, gây thất thoát một lượng giống lúa lớn.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt tỉnh Phú Yên Đặng Văn Mạnh cho biết, các đơn vị cung cấp giống trên địa bàn tỉnh như ở Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng tỉnh Phú Yên đã cung cấp hết nguồn giống trong kho cho người dân. Do vậy, nhu cầu hỗ trợ về giống từ Trung ương đối với địa phương rất cấp bách. Nếu sự hỗ trợ không kịp thời vụ, người dân có thể sử dụng lúa thương phẩm để làm giống. Điều này sẽ gây ra hệ quả lớn đến năng suất mùa vụ cũng như có thể làm xuất hiện nhiều loại sâu bệnh hại so với dùng các giống lúa nguyên chủng.
Khác với những đợt lụt trước đây thường có bùn non bồi lấp các cánh đồng thì trong 2 đợt mưa lũ “trái mùa” này, nhiều diện tích trồng trọt của người dân Quảng Nam lại bị bồi lấp bởi lớp cát, sỏi rất dầy, gây khó khăn trong việc khôi phục sản xuất. Tỉnh Quảng Nam chủ trương sẽ xã hội hóa, cho các đơn vị khai thác vật liệu xây dựng vào cải tạo đồng ruộng và tận thu lượng cát, sỏi này để khôi phục mặt bằng sản xuất. Để triển khai sản xuất vụ Đông Xuân, tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện ngay việc hỗ trợ người dân bằng tiền mặt để chủ động mua giống đảm bảo sản xuất kịp thời vụ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, với diện tích đất màu, đất lúa bị thiệt hại trên 70%, người dân sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng/ha; đồng thời tỉnh cũng hỗ trợ cho mỗi địa phương 500 triệu đồng để khắc phục nạo vét kênh mương. Khó khăn nhất trong vụ Đông Xuân của tỉnh là phải điều chỉnh lịch thời vụ. Trước đây, người dân quen với thời gian canh tác dài ngày nhưng bây giờ phải rút lại. Vì vậy, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền để quán triệt người dân chuyển sang giống lúa ngắn ngày.
Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Hồng Sơn cho biết đang yêu cầu các địa phương rà soát đúng yêu cầu hỗ trợ về cơ cấu giống, chủng loại, tránh tình trạng phải sử dụng những giống không phù hợp với đặc thù vùng sinh thái. Cục Trồng trọt cũng lưu ý, khung thời vụ tốt nhất kết thúc gieo sạ là đến ngày 15/1, chậm nhất là 20/1 để đảm bảo tất cả các trà lúa có thể thu hoạch vào ngày 30/4. Trong trường hợp thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, có mưa lớn không thể xuống giống kịp lịch thời vụ, các địa phương cần tính toán điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế.